Doanh nghiệp phải vật lộn với kế hoạch sản xuất do thiếu nhân lực

LAO ĐỘNG Việt nAM
09:23 - 29/03/2022
0:00 / 0:00
0:00
Đợt dịch bùng phát với số ca mắc COVID-19 tăng cao, buộc các doanh nghiệp phải đưa ra nhiều giải pháp nhằm tìm kiếm nhân lực, thị trường, sản phẩm mới để duy trì sản xuất, đợi cơ hội bật dậy sau những khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Doanh nghiệp gặp khó khi F0 bùng nổ

Sau dịp Tết Nguyên đán, Việt Nam bước vào giai đoạn đỉnh dịch với số lượng F0 tăng cao, điều này đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khi một lần nữa phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có kể từ sau những đợt giãn cách kéo dài.

Chia sẻ tại diễn đàn “Quản lý nhân sự thời kỳ bùng nổ F0”, bà Bùi Hằng, Giám đốc phát triển nhân sự Appota Group cho biết: "Trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài và giá cả thị trường biến động theo hướng gia tăng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu… đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều thách thức khi thiếu nhân lực để làm việc và thực hiện các dự án mới trong năm 2022".

Những thay đổi trong chính sách chống dịch COVID-19 đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác. Tuy nhiên, việc thiếu người làm đang tạo gánh nặng lớn đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt, việc người mắc F0 tăng cao, nhiều người phải tạm hoãn lại công việc, khiến cho nhân sự còn lại trong các doanh nghiệp phải nỗ lực gấp 2, 3 lần.

"Ngoài ra, vấn đề tuyển dụng nhân sự sau dịp Tết năm nào cũng có, nhưng năm nay lại gặp khó khăn hơn khi nhiều ứng viên có tâm lý lo sợ việc tham gia phỏng vấn, hay việc ngày càng dễ mắc COVID-19 kéo đến trường hợp phải cách ly khiến cho tiến độ tuyển dụng cũng chậm đi," bà Bùi Hằng chia sẻ.

Nhiều dự án đã chạy cũng bị ảnh hưởng do thiếu nguồn nhân lực - bà Bùi Hằng cho biết

Nhiều dự án đã chạy cũng bị ảnh hưởng do thiếu nguồn nhân lực - bà Bùi Hằng cho biết

Hiện hầu hết các công ty đều đã lên kế hoạch phát triển cho cả năm 2022 đồng thời cũng chạy các dự án mới, tuy nhiên việc lo ngại thiếu nguồn lao động để tham gia vào quá trình sản xuất, khởi công các dự án sản phẩm mới khiến cho kế hoạch bị thay đổi.

Hơn nữa, việc làm việc tại nhà hiện đang trở nên phổ biến hơn sau những đợt giãn cách kéo dài, nhiều người lao động có tâm lý 'ngại' quay trở lại làm việc tại công ty, khi cho rằng bản thân vẫn có thể làm tốt công việc này ở nhà. Kéo theo việc làm nhóm cũng gặp nhiều thách thức hơn khi khó liên lạc, trao đổi cùng nhau.

Bên cạnh đó, việc đào tạo nhân sự mới sau tuyển dụng cũng gặp nhiều vấn đề khi không đào tạo được trực tiếp, đòi hỏi các công ty phải ứng biến linh hoạt trước các sự thay đổi với hình thức đào tạo phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Đồng tình với những chia sẻ của bà Bùi Hằng, CEO Aloha Consulting Group - ông Nguyễn Thắng cho biết, đã có thời điểm tỷ lệ mắc COVID-19 tại các công ty lên đến 60%. Trong năm 2021, mặc dù nền kinh tế Việt Nam ảnh hưởng nhiều từ đợt giãn cách, nhưng đến cuối năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020.

Điều này đặt ra bài toán kinh doanh mới khi hầu hết doanh nghiệp kỳ vọng về mức tăng trưởng tốt hơn so với năm ngoái, đặc biệt là các nhân sự trong công ty sẽ vất vả hơn khi thiếu người nhưng vẫn phải chạy đủ KPI. Trong khi đó, người lao động Việt Nam lại chưa thạo Telepresence (Hiện diện từ xa), điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công việc cũng như chất lượng sản phẩm mà công ty đặt ra.

Chuẩn bị cho những kế hoạch thích ứng linh hoạt mới

Trong khi đó, bà Bùi Hằng cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến những khó khăn đối với các doanh nghiệp một phần do đây là lần đầu tiên phải đối mặt với tình huống dịch bệnh và giãn cách kéo dài. Cùng với việc F0 tăng cao khiến các công ty, doanh nghiệp không có sự chuẩn bị, không có kỹ năng để ứng phó với các thay đổi.

Đặc biệt là những doanh nghiệp không có thế mạnh về lĩnh vực công nghệ, hay chưa tận dụng được công cụ công nghệ, nhất là những công việc đòi hỏi lao động tay chân hay những công việc liên quan đến máy móc có sẵn tại các công ty sẽ rất khó để làm việc từ xa dẫn đến hiệu suất công việc giảm.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thắng, người lao động có xu hướng chờ doanh nghiệp lên phương án làm việc cho các nhân sự hơn là tự tìm đến các giải pháp cho bản thân. Chính vì thế, các doanh nghiệp cần phải tập trung đưa ra các giải pháp linh hoạt, ứng biến với các thay đổi để đảm bảo được tiến độ công việc một cách hiệu quả nhất.

"Hiện nay hầu hết người dân đã được tiêm vaccine 2 mũi trở lên, điều này cũng làm giảm bớt nỗi lo cho người lao động khi bị mắc COVID-19, mọi người cũng đã yên tâm quay trở lại với cuộc sống bình thường mới. Dịch bệnh làm thay đổi thói quen hàng ngày, nhưng cũng là một quá trình để chúng ta ứng biến với những thay đổi khác trong tương lai," ông Thắng chia sẻ.

Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đã đưa ra các giải pháp, cơ chế chính sách chung để toàn bộ đội ngũ nhân sự có thể thực hiện được nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động nhưng cũng đạt đủ KPI, kế hoạch đề ra.

Đối với trường hợp mắc COVID, các công ty sẽ có những hướng dẫn cụ thể, trong đó, người lao động gặp F0 trong thời gian cách ly nếu vẫn đảm bảo được công việc thì có thể làm việc từ xa và vẫn được hưởng chế độ, đãi ngộ bình thường. Đối với trường hợp không phải là F0 và có thể làm việc được ở công ty, khi đó các công ty, doanh nghiệp cần xây dựng một môi trường làm việc an toàn, hạn chế tiếp xúc và thường xuyên tiến hành vệ sinh cấp thiết không gian làm việc.

Liên quan đến vấn đề tuyển dụng nhân sự, theo ông Thắng, hiện nay nhiều công ty đều có xu hướng đưa hình thức phỏng vấn online bằng nhiều công cụ, phần mềm phổ biến như zoom, google meets để tìm kiếm lao động cho phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát.

Ảnh tác giả

Nhiều công ty, doanh nghiệp lên kế hoạch tuyển dụng với các chiến dịch độc đáo, nhanh chóng nhằm tìm kiếm những người có kinh nghiệm, hiểu biết công việc để ngay lập tức có người bù đắp phần công việc trong các dự án lớn nhằm đảm bảo hiệu suất công việc.

Ông Nguyễn Thắng - Founder, CEO Aloha Consulting Group

Đối mặt với thách thức và thiệt hại do dịch COVID-19 kéo dài, doanh nghiệp buộc phải thay đổi từng ngày để thích nghi với tình thế hiện tại, vì thế mỗi doanh nghiệp hoạt động đều có một kế hoạch xử lý khủng hoảng hoặc một kế hoạch đảm bảo kinh doanh liên tục.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã tự lực tìm kiếm các giải pháp, cách làm mới để duy trì, ổn định sản xuất, trong đó, các giải pháp được doanh nghiệp thực hiện chủ yếu bao gồm: Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi mặt hàng sản phẩm chủ lực, tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống.

Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận doanh nghiệp tận dụng thời điểm này để tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động. "Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng cần thường xuyên điều chỉnh kế hoạch và chuẩn bị ứng phó trong trường hợp tình hình diễn biến xấu hơn", ông Thắng nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.