Doanh nghiệp sẽ thiệt hại nếu không quan tâm bảo hộ nhãn hiệu nông sản

Thương hiệu Nông Sản
18:12 - 12/08/2022
Tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
0:00 / 0:00
0:00
Được định vị là quốc gia có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nhưng số lượng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được chú trọng xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong nước và trên thị trường quốc tế còn quá hạn chế.

Khẳng định việc thiếu quan tâm đến phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam là cực kỳ bất hợp lý và cần được thay đổi, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần EUBiz Việt Nam khẳng định, nếu chỉ tập trung sản xuất mà thiếu quan tâm xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều hệ lụy về lâu dài.

Dẫn số liệu thống kê về các nhãn hiệu trên thế giới từ trang Clarivate.com, bà Hoa cho biết trong năm 2020, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã có 85% thương hiệu xảy ra tranh chấp nhãn hiệu. Điều này cho thấy xu hướng thiếu ổn định về nhận diện thương hiệu đang tăng dần trong những năm qua từ 74% (năm 2017) lên 81% (năm 2018).

Cũng theo số liệu thống kê này, hệ lụy của việc không bảo hộ nhãn hiệu dẫn đến tỷ lệ vi phạm bản quyền của các nhãn hiệu trên thế giới lên đến 15% trong giai đoạn 2017 – 2018. Cùng với đó, 45% người tiêu dùng nhầm lẫn nhãn hiệu không phân biệt được hàng thật - hàng giả khiến 38% doanh nghiệp giảm doanh thu và thiệt hại về uy tín.

Các doanh nghiệp cũng mất nhiều thời gian, tiền bạc tham gia các vụ kiện tụng về tranh chấp thương hiệu. Bà Hoa trích dẫn một nghiên cứu trên trang Clarivate.com, cho biết 40% các doanh nghiệp được hỏi cho biết họ phải chi từ 50.000 - 249.999 USD cho các thủ tục pháp lý về tranh chấp nhãn hiệu. Thậm chí, 46% doanh nghiệp đã phải đổi thương hiệu hoặc xây dựng thương hiệu mới do các vấn đề tranh chấp.

Ảnh tác giả

"Riêng khu vực châu Á, số liệu thống kê cho thấy, trong 10 năm qua tỷ lệ bảo hộ thương hiệu đã tăng gần gấp đôi, từ 36,2% năm 2008 lên 70% năm 2018. Chứng tỏ các nước xung quanh Việt Nam đã có nhận thức ngày càng rõ rệt về tầm quan trọng của bảo hộ thương hiệu, trong khi Việt Nam có nông sản ngon, thì lại chưa chú trọng khâu này".

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Tổng giám đốc EUBiz Việt Nam

Tại hội thảo “Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam” do Cục chế biến phát triển nông sản (Bộ NNPTNT) và Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ KHĐT) tổ chức ngày 12/8, Công ty cổ phần EUBiz Việt Nam được giới thiệu là một doanh nghiệp thành công về bảo hộ nhãn hiệu nông sản Việt ra cộng đồng quốc tế với sản phẩm điều và quế.

Chia sẻ kinh nghiệm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần EUBiz Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hoa cho rằng, các doanh nghiệp nông sản Việt nên thực hiện đầy đủ các quy định bảo hộ nhãn hiệu, đánh đổi chi phí nhỏ cho lợi ích lâu dài, đưa những câu chuyện sản phẩm xây dựng nên thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Ở một góc nhìn khác, từ người đứng ở vị trí đơn vị phân phối, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc thu mua hệ thống Go/Big C của Tập đoàn Central Retail cho biết, Central Retail rất ưu tiên những nhà cung cấp có thể cung ứng sản phẩm lâu dài, có bao bì mẫu mã ấn tượng và có thương hiệu uy tín.

Ảnh tác giả

“Về yếu tố lợi ích kinh doanh, các sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, có mã QR code, đóng gói đẹp thì siêu thị sẽ bán được giá cao hơn 30% so với giá trung bình trên thị trường và chính sản phẩm đó cũng ghi được dấu ấn vào tiềm thức khách hàng trong những lần mua hàng sau”.

Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Tập đoàn Central Retail

Bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, còn nhiều khó khăn

Nói tổng quan về việc xây dựng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, bà Lê Thị Thu, Phó Giám đốc Trung tâm thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Việt Nam đã có một số sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, vươn tới các thị trường cao cấp và xuất khẩu như Nước mắm Phú Quốc, chè hữu cơ shan tuyết Phìn Hồ, chè Thái Nguyên, hồ tiêu Gia Lai, cà phê Buôn Mê Thuột...

Đáng chú ý là 2 sản phẩm Vải thiểu Lục Ngạn và Thanh long Bình Thuận đã đạt chỉ dẫn địa lý sang Nhật Bản.

Mặc dù vậy việc xây dựng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung còn những khó khăn, tồn tại nhất định. Theo bà Thu, vẫn còn thiếu các quy định chi tiết về quản lý đối với đối tượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu cá nhân. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ và liên tục giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương với một số nội dung hỗ trợ còn chồng chéo.

Các nhãn hiệu cộng đồng của Việt Nam.

Các nhãn hiệu cộng đồng của Việt Nam.

Từ góc độ địa phương, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, thiếu sự khảo sát xác định nhu cầu của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Do đó, việc lựa chọn sản phẩm đăng ký chưa phù hợp, chưa gắn với thực tiễn và nhu cầu thị trường.

“Việc người kinh doanh chỉ bảo hộ sản phẩm tươi, nguyên liệu thô, chưa phải là sản phẩm tiêu dùng cuối cùng nên giá trị gia tăng thấp. Sau bảo hộ, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã còn gặp khó khăn trong quảng bá, tiếp cận thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm”, bà Lê Thị Thu nói.

Một điển hình về hạn chế người nông dân không mở rộng được sản xuất sau khi đăng ký chỉ dẫn địa lý, bà Thu lấy ví dụ của bưởi Đoan Hùng, sau khi được đăng ký, cơ quan chính quyền địa phương đã không quản lý được để người dân mang các giống khác về trồng, làm giảm chất lượng sản phẩm và khiến người tiêu dùng quay lưng.

Cao su Việt Nam là nông sản Việt đầu tiên có Nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ tại 5 thị trường: Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, theo bà Phan Trần Hồng Vân, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su.

Việt Nam là nước thứ ba trên thế giới về sản lượng và xuất khẩu cao su thiên nhiên. Thương hiệu ngành Cao su Việt Nam được xây dựng trên trên tiêu chí đảm bảo chất lượng sản phẩm, uy tín của doanh nghiệp, giúp nâng cao tính cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Bên cạnh những thuận lợi hiện có thì theo bà Vân, việc phát triển nhãn hiệu Cao su Việt Nam cũng đang gặp những thách thức nhất định như chất lượng sản phẩm chưa ổn định và chưa đồng đều, do đó cao su thiên nhiên chưa được định vị vững chắc đối với người sử dụng trong và ngoài nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp