Doanh nghiệp tới tấp mua lại trái phiếu trước hạn, nên mừng hay lo

TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP
12:28 - 26/05/2022
Giá trị phát hành trái phiếu giảm mạnh trong 3 tháng qua.
Giá trị phát hành trái phiếu giảm mạnh trong 3 tháng qua.
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi thị trường trái phiếu trầm lắng sau vụ Tân Hoàng Minh thì loạt doanh nghiệp, ngân hàng lại đang tới tấp mua lại trái phiếu trước hạn. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 4, tổng khối lượng mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ.

CTCP Tập đoàn Gelex (Gelex, mã chứng khoán GEX) vừa hoàn tất giao dịch mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 19/5/2022. Đây là lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 19/5/2021 và đáo hạn ngày 19/5/2024, lãi suất 8,5%/năm. Như vậy, công ty đã mua lại toàn bộ lô trái phiếu này trước kỳ hạn 2 năm.

CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán NBB) cũng mới mua lại 50 tỷ đồng trái phiếu để giảm xuống từ 350 tỷ đồng về còn 300 tỷ đồng, thời gian mua lại từ 9/5 đến 12/5. Lô trái phiếu này được phát hành ngày 11/6/2021, đáo hạn ngày 11/6/2024. Như vậy, công ty đã thực hiện mua lại một phần trái phiếu phát hành trước kỳ hạn hơn 2 năm.

Tín hiệu tích cực trong bối cảnh số trái phiếu đáo hạn lớn

Theo báo cáo thị trường trái phiếu mới công bố của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn trong 3 tháng đầu năm đạt 12.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính tới cuối tháng 4/2022, tổng lượng trái phiếu mua trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Như vậy, trong tháng 4/2022, lượng trái phiếu mua lại là 11.900 tỷ đồng, gần bằng lượng mua lại trong cả quý 1/2022.

Các doanh nghiệp, ngân hàng thông báo tất toán sớm trái phiếu đã phát hành đáng kể như An Phát Finance tất toán sớm toàn bộ các trái phiếu có tổng giá trị 570 tỷ đồng vào ngày 25/4. Đây là 7 lô trái phiếu có kỳ hạn có thời điểm đáo hạn sớm nhất từ tháng 8 và trễ nhất là tháng 10/2024. Công ty Intimex Việt Nam mua lại trước hạn gói 2.000 tỷ trái phiếu có kỳ đáo hạn vào tháng 9/2027. Chứng khoán MB mua lại toàn bộ 320 tỷ đồng trong gói trái phiếu đáo hạn vào tháng 10.

Ngân hàng TPBank cũng tất toán sớm 2 gói trái phiếu có tổng giá trị 1.800 tỷ đồng, trong đó bao gồm 1.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 5/2024 và 800 tỷ đáo hạn tháng 4/2023. Ngân hàng MSB mua sớm 1.000 tỷ đồng gói trái phiếu đáo hạn vào tháng 4/2023…

Động thái mua lại trái phiếu trước thời hạn tiếp tục sôi nổi trong tháng 5. Ngoài Gelex và Năm Bảy Bảy, ngày 9/5, Tập đoàn FLC mua lại toàn bộ một gói trái phiếu 150 tỷ đồng; Công ty Bông Sen mua lại tiếp 376 tỷ đồng trong gói 4.320 tỷ đồng (dư nợ gói này còn 1.544 tỷ đồng). Ngày 10/5, Vinaconex mua lại 500 tỷ trước hạn trong gói trái phiếu 2.500 tỷ đồng.

Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng mua trước hạn toàn bộ một lô trái phiếu 200 tỷ đồng vào ngày 12/5. Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) thương lượng thành công để thanh toán trước gói trái phiếu 155 tỷ đồng vào ngày 18/5.

Mới đây nhất, ngày 10/5, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo mua lại trước hạn 8 lô trái phiếu với tổng trị giá 5.108 tỷ đồng. Đây là trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm hoặc bảo lãnh. Thời gian mua lại trong tháng 6 và tháng 7/2022.

Các lô trái phiếu BIDV thông báo mua lại. Nguồn: BIDV

Các lô trái phiếu BIDV thông báo mua lại. Nguồn: BIDV

Mặc dù quy mô mua lại trái phiếu không lớn so với tổng quy mô phát hành, nhưng trong bối cảnh cơ quan quản lý thanh lọc thị trường thì đây là hiện tượng đáng lưu ý. Nhất là trong 2 năm 2022 - 2023, số trái phiếu đáo hạn ước khoảng 540.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 36% lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành. Do đó, việc mua lại trước hạn cũng có mặt tích cực là doanh nghiệp không phải trả chi phí lãi vay cao hơn lãi vay ngân hàng và giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu. Đây là động thái tích cực để doanh nghiệp hoàn thiện bức tranh tài chính của mình.

Mặt khác theo Bộ Tài chính, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu chủ động thực hiện công bố thông tin bất thường hoặc đính chính thông tin công bố về mục đích và phương án sử dụng vốn trái phiếu gửi cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Thực tế sau vụ việc hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu của nhóm doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ, nhiều nhà đầu tư cũng mang tâm lý e ngại và muốn tất toán trước hạn số trái phiếu đã mua.

Trái phiếu sẽ kém sôi động trước khi có các chính sách rõ ràng

Theo SSI Research, sau vụ việc Tân Hoàng Minh, các doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn với hình thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Trên thực tế, các doanh nghiệp bất động sản trong tháng 4 chỉ phát hành 820 tỷ đồng, trong khi bình quân hàng tháng trong năm 2021 là 26.000 tỷ đồng/tháng.

SSI Research dự phóng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ kém sôi động hơn ít nhất trong quý II năm nay, trước khi có các chính sách rõ ràng từ Chính phủ. “Trên thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được xây dựng như là sản phẩm của thị trường vốn dù đặc thù có tính trung dài hạn. Chính phủ mục tiêu vẫn đang định hướng phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng do vậy việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là cần thiết.

Tính đến cuối năm 2021, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 18% GDP, thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ là dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP vào năm 2025. Các động thái gần đây của Chính phủ nên được nhìn nhận là cách để có thể thanh lọc thị trường tốt hơn, hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp yếu kém, chống gian lận và tạo môi trường tích cực cho các các doanh nghiệp tốt tham gia thị trường”, SSI Research nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia SSI Research, trước mắt, dựa trên các quy định sẵn có, cần rút ngắn thời gian cấp phép cho việc phát hành ra công chúng, để doanh nghiệp không còn phải quá phụ thuộc vào phát hành riêng lẻ. Ngoài ra, chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại sở giao dịch chứng khoán cần được cung cấp thêm các thông tin như mục đích phát hành, lãi suất phát hành, các đơn vị trung gian tham gia vào hoạt động phát hành thay vì chỉ có những thông tin cơ bản như khối lượng và kỳ hạn như hiện tại.

Kế hoạch triển khai sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp cần được nhanh chóng tiến hành nhằm yêu cầu các doanh nghiệp có thể cung cấp thông tin một cách chuẩn hóa và dễ dàng tiếp cận đến nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo điều kiện nhằm có thể điều hướng luồng vốn thông qua các tổ chức trung gian (quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp,…). Mặt khác, việc phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm cũng là một yếu tố cần được xem xét, giúp thị trường có thêm nhiều thông tin hơn.

Sẽ sớm vận hành thị trường giao dịch thứ cấp

Theo Bộ Tài chính, thời gian tới, trên cơ sở Nghị định sửa đổi Nghị định số 153 được Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Ngay sau khi Thông tư được ban hành, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ triển khai hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để vận hành ngay thị trường giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Tại tọa đàm về "Xu hướng dòng tiền" sáng 24/5 do VTV Digital tổ chức, ông Phạm Hồng Sơn - Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán cho biết, thị trường trái phiếu là một kênh rất quan trọng để dẫn vốn cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính sửa Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Ông Sơn cũng đánh giá nghị định này chỉ cần tinh chỉnh bởi cơ bản đã giải quyết được các vấn đề của các nghị định trước đây. Ngoài sửa đổi quy định phát hành trái phiếu, đặc biệt là phát hành riêng lẻ, Ủy ban Chứng khoán thời gian tới sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát.

Ông Sơn khuyến nghị trong bối cảnh hiện nay, nhà phát hành, người mua trái phiếu cần cẩn trọng bởi phát hành riêng lẻ chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Phải làm đúng để đảm bảo đỡ rủi ro cho cả hai phía.

Cũng tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đánh giá những lình xình trên thị trường chứng khoán vừa qua không đáng lo vì thị trường có lên, có xuống. Điều đáng lo là vấn đề lòng tin và cơ quan quản lý có tạo dựng được những nền tảng tốt để thực sự để đây là kênh đầu tư vừa hấp dẫn, vừa góp phần phát triển, vừa đem lại sự sảng khoái cho nhà đầu tư.

Theo chuyên gia này, trước mắt, cơ quan quản lý cần xử lý khéo léo với những vụ vi phạm phát luật để đảm bảo kỷ cương thị trường. Thứ hai, ông lưu ý minh bạch thông tin để thu hẹp bất đối xứng thông tin trên thị trường giữa các bên liên quan, đặc biệt là giữa bên bán và bên mua.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.