Ảnh minh họa: Vinamilk từng bước thâm nhập vào các thị trường sữa tiềm năng trên thế giới. |
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2023 gồm vốn cấp mới và điều chỉnh đạt 420,9 triệu USD, giảm 21,2% so với năm 2022.
Trong đó, có 124 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 282,7 triệu USD, giảm 33,7% so với năm trước. Có 25 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 138,2 triệu USD, gấp 1,3 lần so với cùng kỳ.
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 16 ngành. Dẫn đầu là lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 156,9 triệu USD, chiếm 37,3% tổng vốn đầu tư.
Thông tin và truyền thông đạt 120,6 triệu USD, chiếm 28,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 84,4 triệu USD, chiếm 20%.
Về quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư, trong năm 2023, có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư của Việt Nam. Cụ thể, Canada là nước dẫn đầu với số vốn 150,3 triệu USD, chiếm 35,7% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam; Singapore 122,6 triệu USD, chiếm 29,1%; Lào 116,7 triệu USD, chiếm 27,7%; Cuba đạt 11,8 triệu USD, chiếm 2,8% ...
Lũy kế đến thời điểm ngày 20/12/2023, số vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam đã đạt hơn 22 tỷ USD với 1.701 dự án còn hiệu lực.
Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đầu tư tại 79 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung vào 16 ngành, lĩnh vực… Trong đó, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao đang là ưu thế lớn của doanh nghiệp Việt.