Doanh nghiệp Việt 'phá đá mở đường' vào thị trường thực phẩm Halal

XUẤT KHẨU Halal
16:29 - 20/12/2021
Mỗi năm chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam được cấp chứng chỉ Halal với hơn 20 mặt hàng được xuất khẩu sang thị trường Halal.
Mỗi năm chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam được cấp chứng chỉ Halal với hơn 20 mặt hàng được xuất khẩu sang thị trường Halal.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường thực phẩm Halal dành cho các nước Hồi giáo có quy mô thương mại lên tới 1.200 tỷ USD, nhưng hiện Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn thăm dò và còn nhiều dư địa cho nông sản, thực phẩm Việt thâm nhập thị trường này.

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tại hội nghị về "Thị trường Halal khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương: Tiềm năng và cơ hội" sáng 20/12. Theo ông Dũng, thị trường Halal đang phát triển với tốc độ nhanh ở châu Á, châu Âu, Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ.

Theo quy định tín ngưỡng, những người theo đạo Hồi chỉ được ăn thịt Halal, tức các loại thịt được giết mổ theo nghi thức của tôn giáo này. Do đó các loại thực phẩm cung cấp cho người Hồi giáo phải đạt chứng nhận Halal (theo ngôn ngữ Ảrập nghĩa là "hợp pháp" và được phép dùng). Ngày nay số người sử dụng thực phẩm Halal đang mở rộng ra bên ngoài số người theo Hồi giáo.

Thống kê của diễn đàn Halal thế giới 2021 cũng cho thấy, giá trị trao đổi thương mại toàn cầu của nhóm hàng thực phẩm Halal đạt khoảng 661 tỷ USD và nếu tính cả nhóm phi thực phẩm và dịch vụ Halal khác thì con số này có thể đạt trên 1.200 tỷ USD. Dự báo quy mô thị trường Halal sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh trong những năm tới lên tới 15.000 tỷ USD vào năm 2050.

Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt chính là việc hiện thị trường này vẫn còn khoảng trống tới 80% giữa nhu cầu và nguồn cung sản phẩm Halal trên thế giới. Trong đó khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với sản phẩm Halal, với số dân theo đạo Hồi khoảng 860 triệu người (chiếm 66% tổng số người Hồi giáo trên thế giới).

Tổng giá trị thực phẩm Halal tiêu thụ tại các khu vực trên là 470 tỷ USD (năm 2018), trong đó riêng Đông Nam Á là 230 tỷ USD.

Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, mỗi năm chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam được cấp chứng chỉ Halal với hơn 20 mặt hàng được xuất khẩu sang thị trường này. Một con số khiêm tốn so với tiềm năng. Có tới 40% các địa phương Việt Nam chưa có chứng nhận Halal, trong khi tiềm năng và năng lực của Việt Nam trong thị trường này có nhiều hứa hẹn.

“Chúng ta nằm trong khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương, nơi tập trung số người Hồi giáo đông nhất thế giới. Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực với 16 hiệp định thương mại tự do là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu trong đó có các thị trường Halal”, ông Dũng nói.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng

“Halal là thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, chúng ta mới đang trong giai đoạn “phá đá mở đường” chưa thật sự chiếm được thị trường đáng kể trong miếng bánh khổng lồ trên”.

Bên cạnh những ưu thế thuận lợi của dư địa thị trường, Thứ trưởng Dũng cũng chỉ ra những khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận Halal do khác biệt văn hóa, thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt là giấy chứng nhận Halal, tiêu chuẩn thực phẩm Halal ngày càng khắt khe hơn, sự đa dạng về quy định và sự khác nhau về giấy chứng nhận Halal mỗi nước cũng khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại.

Chia sẻ về năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sản lượng nông lâm thủy sản Việt Nam hàng năm lên tới 140 triệu tấn. Trong đó, sản phẩm trồng trọt chiếm 80 triệu tấn; thịt, trứng, sữa 6,5 triệu tấn; thủy sản 8,6 triệu tấn; gỗ 2,5 triệu m3.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

“Xuất khẩu nông sản trong những năm qua liên tục tăng, đạt mức kỷ lục năm 2020 là 41,25 tỷ USD và dự sẽ xác lập kỷ lục mới trong năm 2021 với trên 47 tỷ USD. Các mặt hàng nông sản chính chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu, trong đó gạo, rau quả, chè, cà phê, tiêu, điều, quế, hồi được đánh giá rất phù hợp với thị trường Halal”.

Theo Thứ trưởng Tiến, góc tiếp cận thị trường Halal cần định hướng không chỉ kết nối thị trường mà còn kết nối mật thiết hai nền văn hóa xích lại gần nhau với sự tôn trọng, thấu hiểu tôn giáo, tín ngưỡng đối với thị trường này. “Quan điểm tiếp cận cầu thị, tôn trọng với thị trường Halal sẽ mở ra giá trị mới, định hướng mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Tiến nhấn mạnh.

Còn nhiều dư địa cho Việt Nam ở các thị trường Halal

Nếu các bạn muốn lấy được trái tim của người Hồi giáo thì cần đi từ nền thực phẩm Halal” là gợi ý của bà Samina Mehtab, Đại sứ Pakistan tại Việt Nam khi bàn về cơ hội cho Việt Nam trong quá trình chinh phục thị trường này.

Nhà ngoại giao này cũng cho rằng, nếu Việt Nam chiếm được 1% thị phần tại thị trường Halal sẽ mang lại tiềm năng giá trị lớn cho nền kinh tế. Bởi hiện nay, Halal không phải chỉ có người Hồi giáo tiêu thụ mà còn được nhiều cộng đồng không phải người Hồi giáo ưa chuộng và tán thành các tiêu chuẩn của Halal.

Ảnh tác giả

“Các bạn muốn xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Halal thì phải thể hiện sự sẵn sàng ngay trong thị trường nội địa. Cần có những kế hoạch lên tiếng cho cả thế giới biết ‘Việt Nam đang có những sản phẩm Halal’ để khách du lịch, nhà ngoại giao, cộng đồng người nước ngoài đến Việt Nam thấy được Đây sẽ là dấu hiệu phá băng cho việc xuất khẩu thực phẩm sang thị trường này” .

Bà Samina Mehtab, Đại sứ Pakistan tại Việt Nam

Thông tin về thị trường Halal ở Malaysia, ông Trần Việt Thái, đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam tại Malaysia như gạo, rau củ quả, hạt điều hiện chưa thể thâm nhập thị trường.

Sự việc Chính phủ Malaysia phát hiện ra một vụ nhập khẩu thịt bò bẩn quy mô lớn ngày 29/12/2020 đã khiến nước này siết chặt hơn các tiêu chuẩn, chứng nhận từ đầu năm 2021 đến nay. Ông Thái khẳng định đó không phải là một rào cản kỹ thuật mà là những tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ, không phải do yếu tố chính trị và đưa ra những khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt nam.

Ảnh tác giả

“Việt Nam cần có một đầu mối thống nhất để phát triển thị trường Halal. Chính phủ Malaysia luôn bày tỏ sự quan tâm kết nối với các nhà xuất khẩu Việt Nam nhưng gặp khó khăn khi không tìm được đầu mối thống nhất. Do vậy, tôi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm đưa ra một đầu mối thống nhất để thuận lợi cho việc kết nối”.

Ông Trần Việt Thái, đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần sớm có một bộ tài liệu hướng dẫn, cẩm nang dành cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Halal. “Mỗi nước có tiêu chuẩn Halal khác nhau, thị trường Indonesia khác Malaysia và khác Trung Đông, tuy nhiên sẽ có một bộ quy chuẩn chung, đó chính là cái ta cần xây dựng”, ông Thái đưa ra đề xuất.

Trong khi đó, quốc gia đông dân thứ hai thế giới là Ấn Độ cũng là một thị trường quan trọng khác cho thực phẩm Halal. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết: “Ấn Độ là đất nước có số dân Hồi giáo đông hơn nhiều so với các quốc gia khác, cùng với nhu cầu thị trường Halal ở Ấn Độ lớn do vậy sẽ có nhiều dư địa cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam”.

Ảnh tác giả

“Halal không chỉ là yếu tố tâm linh của người Hồi giáo mà còn có thể trở thành xu hướng trong thời gian tới do nhu cầu vệ sinh và bảo vệ môi trường. Thị trường Ấn Độ không quá khắt khe so với các thị trường Halal khác. Bởi số người Hồi giáo Ấn Độ tuy lớn nhưng chỉ chiếm 15% trong tổng dân số 1 tỷ 350 triệu người, họ trở thành thiểu số trong một môi trường đa văn hóa”.

Ông Phạm Sanh Châu Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ

“Thị trường này mới chỉ biết đến halal về thịt và gà, đạt 6 tỷ USD, tuy nhiên con số này có thể tăng lên 35 tỷ USD vào năm 2035. Tạo ra tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu ở các quốc gia khác, dự báo, có thể tạo ra cú hích mới sau đại dịch bởi nhu cầu thị trường Halal ngày càng tăng”, Đại sứ Châu nhấn mạnh.

Việt Nam dự kiến xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm Halal

Tháng 03/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) về yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm Halal và tiêu chuẩn Halal của Việt Nam, nhằm phục vụ cho việc sản xuất, tiêu thụ nhóm sản phẩm này.

Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam đã phối hợp với các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn Quốc gia đề xuất 12 tiêu chuẩn trong Kế hoạch năm 2021, gồm:

01 TCVN về yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm Halal.

03 TCVN hướng dẫn chi tiết một số yêu cầu của TCVN 12944:2020: Thực hành nông nghiệp tốt đối với sản phẩm halal (trồng trọt, chăn nuôi); thức ăn chăn nuôi halal; yêu cầu đối với quá trình giết mổ vật nuôi.

08 TCVN về phương pháp xác thực, phát hiện nguyên liệu động vật trong thực phẩm.

Theo quy định, một số loài động vật không được phép sử dụng làm nguyên liệu cho thực phẩm Halal như lợn, rắn.... Một số loài không bị cấm nhưng cũng không được khuyến khích sử dụng như ngựa, lừa...

Phương pháp xác thực, phát hiện nguyên liệu động vật trong thực phẩm bằng kỹ thuật phân tích dấu ấn sinh học phân tử (hài hòa với tiêu chuẩn của ISO) và phương pháp phát hiện ADN của động vật bằng real-time PCR (động vật có vú, chim, bò sát, lưỡng cư, cá, động vật thân mềm, động vật giáp xác và côn trùng).

Tin liên quan

Đọc tiếp