Doanh nghiệp Việt và dấu ấn trên bản đồ khu vực

Doanh nghiệp Việt và dấu ấn trên bản đồ khu vực

DOANH NGHIỆP Việt nAM
05:25 - 19/04/2022
Với lợi thế địa lý và gần gũi về văn hoá, các nước ASEAN là môi trường đầu tư lý tưởng của các doanh nghiệp Việt muốn vươn tầm khu vực và tạo đà đi ra thị trường xa hơn. Viettel, FPT, Thế giới Di động, Thaco, Vinamilk… hiện đều đã có bước đi chiến lược này.

Trong các nước ASEAN, Campuchia là quốc gia thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt từ lâu. Tại cuộc hội kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia hồi tháng 12/2021, thông tin công bố cho thấy Việt Nam chính là nước ASEAN đầu tư lớn nhất tại Campuchia, với 188 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 2,85 tỷ USD.

Tại sự kiện này, ông Phùng Văn Cường - Tổng giám đốc Viettel Cambodia ( mang thương hiệu Metfone) cho biết, sau 15 năm đầu tư tại Campuchia, công ty đã có 3.000 cán bộ, nhân viên cùng 30.000 lao động gián tiếp hợp tác kinh doanh. Metfone đã trở thành công ty viễn thông công nghệ số lớn nhất Campuchia, với 9 triệu khách hàng (chiếm 60% dân số, 50% thị phần); phủ sóng tới 95% lãnh thổ nước này. Hiện Metfone được định giá hơn 1 tỷ USD và đóng góp ngân sách cho chính phủ Campuchia 820 triệu USD, là một trong những doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất.

Campuchia cũng là phép thử đầu tiên của Tập đoàn FPT khi nhắm đến thị trường Đông Nam Á từ năm 2012. FPT Telecom Campuchia với thương hiệu Opennet từ vị trí cuối “bảng xếp hạng” đã nhanh chóng bứt phá lên vị trí thứ 3 sau 1 năm, sau đó lần lượt vượt các đối thủ trở thành nhà mạng cố định có thị phần lớn nhất xứ sở Chùa Tháp hiện nay. FPT Telecom Campuchia đã duy trì vị trí này trong nhiều năm liền.

Còn với “đại gia bán lẻ” Thế giới Di động, Campuchia là một thị trường nhỏ và không có ý nghĩa nhiều lắm về đóng góp doanh thu. Nhưng điều quan trọng là với thị trường này, công ty cho ra đời được một mô hình chuẩn ngoài Việt Nam để từ đó có công thức thành công áp dụng ở các nước khác. Theo đại diện Thế giới Di động, Bluetronics - chuỗi bán lẻ điện máy của công ty tại Campuchia hiện đã lên tới con số 50; có sự tăng trưởng tốt trong năm vừa qua với tốc độ 135%, mặc dù chịu tác động không nhỏ từ dịch bệnh.

Viettel, FPT và Thế giới Di động đều đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường Campuchia.

Viettel, FPT và Thế giới Di động đều đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường Campuchia.

Tập đoàn Thaco là doanh nghiệp gần đây nhất có đầu tư lớn vào Campuchia, với dự án nông nghiệp chuyển tiếp từ HAGL Agrico. Tại buổi làm việc với ông Ngô Trịnh Hà - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) hồi tháng 2 vừa qua, ông Phạm Văn Tài - Tổng Giám đốc Thaco cho biết, Thagrico (Tập đoàn con của Thaco) đã mua lại và sở hữu 100% vốn các công ty con của HAGL Agrico tại Campuchia với tổng diện tích đất gần 39.000 hecta, bao gồm 11.000 hecta tại tỉnh Kratie và 28.000 hecta tại tỉnh Rattarakiri; giá trị đầu tư trước chuyển nhượng là 388 triệu USD.

Sau khi tiếp quản, Thagrico thực hiện chuyển đổi một phần lớn diện tích cây cọ dầu, cây cao su sang trồng mới cây ăn trái chủ lực là chuối, dứa, xoài; đầu tư xây dựng hạ tầng và các công trình phục vụ sản xuất trồng trọt cây ăn trái; xây dựng đưa vào hoạt động 24 nhà máy sơ chế đóng gói chuối, 2.940 căn nhà ở công nhân với tổng diện tích mái hơn 7,5 hecta. Tổng chi đầu tư năm 2020 và 2021 hơn 111 triệu USD.

Năm 2022, Thagrico sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng và các công trình phục vụ sản xuất trồng trọt; triển khai dự án đầu tư trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt theo mô hình bán chăn thả kết hợp trồng cây ăn trái; sản xuất phân hữu cơ tại chỗ để cung cấp cho các nông trường...

Thagrico làm nông nghiệp hiện đại tại Campuchia.

Thagrico làm nông nghiệp hiện đại tại Campuchia.

Theo Tổng cục Thống kê, đầu tư cấp mới của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2022 tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 180,2 triệu USD; 3 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 31,2 triệu USD, giảm 92,8%.

Trong 12 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, Lào là nước dẫn đầu với 64,3 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đăng ký; Hoa Kỳ 34,5 triệu USD, chiếm 16,3%; Canada 34 triệu USD, chiếm 16,1%; Singapore 29,9 triệu USD, chiếm 14,1%; Indonesia 22,7 triệu USD, chiếm 10,8%...

Lũy kế đến 20/3/2022, Việt Nam đã có 1.539 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 21,43 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32,5%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (16%); với các thị trường trọng điểm là Lào (24,9%); Campuchia (13,6%); Venezuela (8,5%)…

Như vậy có thể thấy, hai thị trường gần gũi là Lào và Campuchia vẫn thu hút đầu tư của doanh nghiệp Việt nhất. Mới đây, tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Lào, được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm Lào của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tập đoàn T&T và Tập đoàn Phongsubthavy đã ký kết hợp tác phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Lào với tổng công suất khoảng 2.500MW, hướng tới bán điện về Việt Nam.

Trước đó, nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam đã đặt chân vào Lào, với các lĩnh vực nổi bật là viễn thông, nông nghiệp và năng lượng. Điển hình như Unitel của Viettel; loạt dự án trồng cao su, cọ dầu, sân bay của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; siêu dự án 500 triệu USD của Vinamilk; Dự án Thủy điện Xekamản 1 (CTCP Điện Việt Lào)…

Với Unitel - Liên doanh viễn thông giữa Viettel và chính phủ Lào, sau 12 năm đã là nhà mạng số 1 tại thị trường Lào với 57% thị phần. Hiện tại, Unitel có tổng doanh thu lũy kế đạt hơn 2 tỷ USD, lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt khoảng 777 triệu USD.

Với Vinamilk, doanh nghiệp này bắt đầu đầu tư thực hiện dự án phát triển chăn nuôi bò sữa với quy mô lớn tại cao nguyên Xiêng Khoảng từ cuối năm 2018. Dự án này nằm trong chiến lược mở rộng vùng nguyên liệu sữa tươi của Vinamilk, với giai đoạn 1 có tổng diện tích quy hoạch hơn 5.000 ha với tổng đàn là 24.000 con, tổng mức đầu tư 150 triệu USD.

Hiện Vinamilk trong quá trình xây dựng cụm trang trại bò sữa đầu tiên tại Lào với đàn bò 8.000 con (tương đương với quy mô trang trại bò sữa lớn của Vinamilk tại Tây Ninh), trong đó có 4.000 bò sữa hữu cơ. Với quy mô đàn này, trang trại có thể cung cấp hơn 120 tấn sữa/ngày, tương đương gần 44.000 tấn/năm. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng theo thông tin phía doanh nghiệp, với tiến độ hiện nay, dự kiến trong năm 2022, trang trại bò sữa tại Xiêng Khoảng sẽ có thể bắt đầu “cho sữa”.

Phối cảnh trang trại của Vinamilk tại cao nguyên Xiêng Khoảng.

Phối cảnh trang trại của Vinamilk tại cao nguyên Xiêng Khoảng.

Bắt đầu từ hai nước láng giềng gần gũi Campuchia và Lào, mục tiêu của doanh nghiệp Việt đều mong muốn vươn ra xa hơn các thị trường quốc tế khác. Điển hình như FPT, Viettel, hiện không chỉ mở rộng tầm khu vực mà còn vươn tầm thế giới. Năm 2021, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT đạt lần lượt 35.657 tỷ đồng và 6.335 tỷ đồng, tương ứng tăng 19,5% và 20,4% so với cùng kỳ. Trong đó, 19 dự án lớn ở nước ngoài đã mang về cho FPT gần 15.000 tỷ đồng doanh thu và 2.423 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Hiện, thị trường của FPT tại nước ngoài khá rộng lớn, từ châu Á đến châu Mỹ, châu Âu, châu Phi. Các dự án đáng chú ý của tập đoàn này như hợp đồng có quy mô 40 triệu USD trong 2 năm tập trung vào các dự án chuyển đổi số khối chính phủ Singapore; hợp tác với Airbus chuyển đổi số ngành hàng không…

Còn với Viettel, năm 2021, giá trị thương hiệu của tập đoàn đã tăng 32 bậc với giá trị 6,061 tỷ USD, đứng thứ 325 toàn cầu và là lần thứ 6 liên tiếp giữ vị trí số 1 trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Ở lĩnh vực viễn thông, các thị trường châu Phi của Viettel đạt kỷ lục về tăng trưởng (37%), trong khi Mytel vươn lên vị trí số 1 về thị phần tại Myanmar (31,5% với 11,2 triệu thuê bao). Đến nay, có 5/10 thị trường quốc tế Viettel đứng vị trí số 1 về thị phần.

Thế giới Di động (MWG) nằm trong top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Đông Nam Á.

Thế giới Di động (MWG) nằm trong top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Đông Nam Á.

Trong khi đó, CTCP Đầu tư Thế giới Di động với tầm nhìn đến 2030 trở thành nhà bán lẻ hàng đầu ở khu vực cũng đã bắt đầu có kế hoạch mở rộng thị trường ngoài Việt Nam và Campuchia.

Giữa tháng 3 vừa qua, Thế giới Di động đã chính thức hợp tác với PT Erafone Artha Retailindo (Erafone), một công ty con của Tập đoàn Erajaya (Indonesia) để thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronic mang thương hiệu Era Blue.

Cửa hàng Era Blue đầu tiên dự kiến sẽ mở cửa phục vụ khách vào giữa năm 2022 tại Jakarta, mục tiêu trong thời gian ngắn sẽ trở thành nhà bán lẻ điện máy số 1 và uy tín nhất tại Indonesia.

Trao đổi với Mekong ASEAN, đại diện Thế giới Di động nhận định: “Thị trường ASEAN có tiềm năng rất lớn nhờ vào lượng khách hàng đông đảo gần 700 triệu người, đa phần là dân số trẻ và nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và những đặc điểm khá gần gũi với thị trường trong nước. Đối với Thế giới Di động, ASEAN càng có ý nghĩa khi tầm nhìn của công ty đến 2030 là trở thành nhà bán lẻ hàng đầu ở khu vực, có tên tuổi vững chắc trên bản đồ này”.

Đọc tiếp