Doanh nghiệp xăng dầu kêu càng bán càng lỗ: Bộ Công Thương nói gì?

Xăng Dầu Việt nAM
08:31 - 02/10/2022
Họp báo Chính phủ thường kỳ. Nguồn: VGP.
Họp báo Chính phủ thường kỳ. Nguồn: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, các quy định hiện hành không có quy định về mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều 1/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên tục kêu càng bán càng lỗ vì mức chiết khấu thấp, nhiều doanh nghiệp chỉ mở cửa bán nhỏ giọt để không bị phạt.

Bám sát 3 nhóm lợi ích để điều hành giá xăng dầu

Liên quan đến chiết khấu của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính bảo đảm nguồn cung về xăng dầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Hiện nay, Liên Bộ đang làm khá tốt bảo đảm đủ nguồn cung trong bối cảnh cả thế giới, khu vực gặp rất nhiều khó khăn về việc bảo đảm nguồn cung về xăng, dầu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu theo chỉ đạo của Chính phủ là bám sát giá thị trường thế giới và phải sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu một cách linh hoạt.

Vì vậy, hiện nay theo kỳ điều hành gần nhất ngày 21/9, giá các loại xăng của Việt Nam tương đương với giá tháng 7/2021, giá dầu F0 (Mazut) tương đương với mức giá tháng 4/2021, dầu DO (diesel) tương đương với tháng 3/2022, tức là khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu.

"Khi điều hành xăng dầu chúng ta chú ý đến các nhóm lợi ích gồm lợi ích của doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào và người tiêu dùng (100 triệu dân Việt Nam). Thứ hai là lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Lợi ích thứ ba là chúng ta phải nhìn tổng thể về kinh tế vĩ mô, ví dụ như chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát, CPI, lớn hơn nữa là GDP" Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, vừa qua, dưới sự chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Liên Bộ Công Thương - Tài chính bám sát vào 3 lợi ích nhóm này và điều hành hài hoà, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế.

Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu

Liên quan đến vấn đề các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên tục kêu càng bán càng lỗ vì mức chiết khấu thấp và nhiều doanh nghiệp bán nhỏ giọt để bảo đảm không bị phạt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu, có thể là các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, đại lý, thương nhân phân phối bán cho các đối tượng khác.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, các quy định hiện hành không có quy định về mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu. Chúng ta hiểu rằng đây là giá trần, khi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán xăng dầu thì họ bán bằng giá này, nhưng chiết khấu một mức độ nào đó cho người mua.

"Đúng là có việc mức chiết khấu được thoả thuận khi nguồn cung xăng dầu dồi dào hoặc giá thế giới có xu hướng giảm. Với việc điều hành rất công khai, minh bạch, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nắm bắt được xu hướng tăng hay giảm giá xăng dầu. Nếu có xu hướng giảm thì các doanh nghiệp đầu mối và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng mức chiết khấu để đẩy lượng bán ra, khi giá tăng lên họ lại giảm mức chiết khấu đi", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Thứ trưởng cho biết, việc mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu thấp có 2 lý do. Thứ nhất, từ năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn, và những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở trong nước.

Trong giai đoạn quý II, các doanh nghiệp do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối tăng mạnh lượng nhập khẩu, tuy nhiên sang quý III, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ do đã nhập khẩu lượng xăng dầu tương đối lớn, với giá cao, sau đó thì giá xăng dầu trong nước được điều hành bám sát theo xu hướng thế giới, giảm liên tục. Để tiết giảm chi phí và giảm thiệt hại trong kinh doanh, các doanh nghiệp phải giảm mức chiết khấu cho hệ thống phân phối.

Lý do thứ hai là từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng, như phí vận tải, vận chuyển, chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên để kiểm soát lạm phát, hạn chế mức tăng của những chi phí này chưa được Bộ Tài chính, đơn vị phụ trách về các giá của mặt hàng này công bố điều chỉnh trong giá cơ sở do Nhà nước điều hành, và để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp đầu vào buộc phải cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có mức chiết khấu cho hệ thống phân phối xăng dầu.

"Về góc độ của Bộ Công Thương, chúng tôi đã đề xuất với các cấp có thẩm quyền, với Chính phủ, ngày 23/9 vừa qua, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, việc xem xét quyết định các chi phí hợp lý như thế này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, và cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, đơn vị liên quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và quyền lợi của các đối tượng liên quan, các doanh nghiệp liên quan trong kinh doanh xăng dầu.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong chức năng thẩm quyền của mình để thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.

Tin liên quan

Đọc tiếp