Doanh nghiệp xuất khẩu cần có trách nhiệm tạo giá trị cho thương hiệu quốc gia

Nông Sản XUẤT KHẨU
12:58 - 07/05/2022
Nông sản Việt tại Tuần lễ hàng Việt Nam 2021 lên kệ các siêu thị lớn của Singapore. Ảnh: Tạp chí Công Thương
Nông sản Việt tại Tuần lễ hàng Việt Nam 2021 lên kệ các siêu thị lớn của Singapore. Ảnh: Tạp chí Công Thương
0:00 / 0:00
0:00
Mỗi doanh nghiệp xuất khẩu khi xây dựng được bộ thương hiệu chuẩn hóa và đáp ứng đủ các tiêu chí kỹ thuật sẽ nắm cơ hội tiến sâu vào nhiều thị trường quốc tế khó tính như EU, qua đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia cũng như vị thế nông sản Việt.

Tại hội thảo khởi động dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam – SFV Export”, ngày 6/5 vừa qua, các doanh nghiệp và chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm tăng cường năng lực xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, từ đó đưa nông sản Việt Nam tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cần xây dựng bộ thương hiệu đầy đủ

Với tư cách là một trong những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU), bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Tổng Giám đốc CTCP EuBiz Việt Nam đã có những chia sẻ về cách thức chuẩn bị để trở thành một đối tác thành công của thị trường này.

Theo bà Hoa, trước khi lên sàn thương mại, doanh nghiệp xuất khẩu cần xác định những việc phải làm. Từ những kinh nghiệm mà EuBiz đã trải qua, có thể thấy được trước khi lên sàn thương mại các doanh nghiệp cần hoàn thiện hệ thống nhà máy cũng như sản phẩm của mình.

“Khâu nguyên liệu đầu vào cần tuân theo các tiêu chuẩn của các thị trường. Khi mà nguyên liệu đã chuẩn hóa, mới tính đến tăng cường chế biến và hoàn thiện sản phẩm trong các nhà máy”, bà Hoa cho biết.

Tổng Giám đốc EuBiz cho rằng, khâu sản xuất tốt sẽ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu. Có những đơn hàng của các doanh nghiệp khi xuất đi không đạt được tiêu chuẩn bị trả lại và phát sinh rất nhiều chi phí logistics, tiền phạt hợp đồng và chi phí hủy hàng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa (áo vàng) cùng các diễn giả phát biểu tại hội thảo khởi động dự án SFVExport, ngày 6/5.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa (áo vàng) cùng các diễn giả phát biểu tại hội thảo khởi động dự án SFVExport, ngày 6/5.

“Nhưng cái mất lớn nhất mà các doanh nghiệp thiệt hại là mất uy tín của ngành hàng đó của Việt Nam với thị trường quốc tế. Mỗi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cần có trách nhiệm với việc tạo ra giá trị cộng hưởng cho thương hiệu doanh nghiệp quốc gia trên thị trường xuất khẩu”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Tổng Giám đốc CTCP EuBiz Việt Nam

Sau khi sản phẩm đã hoàn thiện, các doanh nghiệp cần chú trọng đến làm thương hiệu. Thường doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu rất nhiều nhưng đa phần là xuất thô và thương hiệu không được biết đến ở thị trường quốc tế.

Nguyên nhân được bà Hoa chỉ ra là do các doanh nghiệp chưa xây dựng bộ thương hiệu một cách đầy đủ và không có sự bảo hộ thương hiệu một cách đầy đủ. Thương hiệu khi làm cần gắn với bao bì, xác định xem bao bì đã được các doanh nghiệp chú trọng và được chấp nhận tại EU chưa?

“Việc dấn thân vào các thị trường khó là thách thức cho doanh nghiệp, nhưng cũng là động lực để tăng giá trị sản phẩm, biên độ lợi nhuận cũng tốt lên và mang được sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam ra thị trường thế giới”, bà Hoa nhấn mạnh.

Vượt qua rào cản các tiêu chuẩn, kỹ thuật

Để giải quyết ý kiến bà Hoa đưa ra, ông ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), đồng thời là Giám đốc Trung tâm SPS Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần đảm bảo xuất khẩu bền vững và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, kỹ thuật của các thị trường quốc tế.

Một trong những chia sẻ được ông Hòa nhắc tới là thực trạng nhiều doanh nghiệp còn chủ quan chưa quan tâm đầy đủ các yêu cầu về dư lượng các chất trong sản phẩm theo quy định của các thị trường. Doanh nghiệp Việt Nam cũng như các hiệp hội cũng chưa có sự chủ động, chỉ khi gặp phải vướng mắc mới tìm hiểu.

Ảnh tác giả

“Để nắm vững cơ hội xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam sang các thị trường lớn đặc biệt là thị trường EU, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chú trọng tìm hiểu về quy định dư lượng của các thị trường xuất khẩu hơn nữa để có sự điều chỉnh”.

Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường

Trao đổi với doanh nghiệp về quy trình tìm hiểu các tiêu chuẩn kỹ thuật của từng thị trường, ông Hòa cho biết, mỗi sự thay đổi về chỉ số các thị trường sẽ được thông tin trước 5 năm và thông báo trước 6 tháng cho khâu góp ý. Do đó, các doanh nghiệp hoàn toàn có thời gian để tìm hiểu và chuẩn bị.

Là đại diện của một ngành hàng gia vị đặc thù, chia sẻ về kinh nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn dư lượng xuất khẩu, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, Việt Nam đang có một số chất bị lặp đi lặp lại trong các mẫu test hồ tiêu xuất sang thị trường EU.

“Tuy Việt Nam đã xây dựng được bộ tiêu chí kỹ thuật nhưng chưa đảm bảo tương thích 100% bộ tiêu chí mà thị trường EU quy định. Trong khi bộ tiêu chí của EU thuộc hàng toàn diện nhất, khắt khe nhất có thể đáp ứng được hầu hết các thị trường trên thế giới. Do đó doanh nghiệp có thể lấy bộ tiêu chí của EU để xây dựng cho doanh nghiệp mình”, bà Liên gợi ý.

Tạo giá trị gia tăng cho nông sản Việt bằng nông nghiệp hữu cơ

Bên cạnh những chia sẻ về câu chuyện đáp ứng tiêu chuẩn về dư lượng, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần lưu ý phân biệt giữa các các sản phẩm hữu cơ và các chứng chỉ dư lượng. Các doanh nghiệp nên tìm hiểu rõ sản phẩm hữu cơ là các sản phẩm giá trị gia tăng không liên quan đến tiêu chí đến an toàn thực phẩm.

“Người nông dân và các doanh nghiệp nên có sự chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ. Khi một sản phẩm hữu cơ ra đời, tất cả nguyên liệu đầu vào không có hóa chất và không phải kiểm tra dư lượng”, Giám đốc SPS Việt Nam gợi ý.

Để làm rõ hơn về định hướng sản xuất sản phẩm hữu cơ, trả lời câu hỏi của MEKONG ASEAN, ông Lê Thanh Hòa cho biết, với mục tiêu thúc đẩy nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhiều hơn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109 về nông nghiệp hữu cơ. Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng đề án và Sở NN&PTNT các tỉnh đang lên kế hoạch phát triển hướng đi này để chuyển đổi sản xuất theo chứng nhận nông nghiệp hữu cơ.

Bên cạnh đó, người sản xuất cũng cần căn cứ theo quy định của từng thị trường xuất khẩu để có tiêu chuẩn sản xuất phù hợp. Chứng nhận hữu cơ là chứng nhận quy trình sản xuất không sử dụng các tác nhân hóa học, đảm bảo phù hợp với điều kiện sinh thái môi trường tự nhiên, không có tác nhân mang tính chất hóa học trong sản phẩm, từ đó nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm.

“Đây là hướng đi phù hợp cần được khuyến khích đảm bảo nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và định hướng phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, đôi khi các tuyên truyền về sản phẩm hữu cơ hiện nay cũng chưa thật chính xác, cần thay đổi phương thức tuyên truyền để người sản xuất hiểu được. Nếu tiếp tục sản xuất theo hướng đi cũ là bón phân hóa học hay dư lượng các chất còn cao so với quy định thì sản phẩm làm ra vẫn không an toàn”, ông Hòa nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.