Doanh nhân 8X đứng sau hệ sinh thái Gelex và hai vụ M&A nghìn tỷ

Doanh Nhân Việt nAM
14:03 - 10/04/2022
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Thành viên HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Gelex.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Thành viên HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Gelex.
0:00 / 0:00
0:00
Sau nhiều vụ mua bán, sát nhập đình đám, ông Nguyễn Văn Tuấn - Thành viên HĐQT kiêm CEO CTCP Tập đoàn Gelex (mã GEX) hiện nắm giữ trọng trách tại hàng loạt doanh nghiệp lớn.

Trong tuần qua, cổ phiếu “họ Gelex” gây chú ý khi nằm sàn hàng loạt dù các doanh nghiệp trong hệ sinh thái này liên tục đưa ra các thông tin tích cực. Đáng chú ý, công ty chính Gelex (GEX) lên kế hoạch năm 2022 với mục tiêu 36.000 tỷ đồng doanh thu và 2.618 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng lần lượt 26% và 27% so với 2021. Gelex đề xuất không chia cổ tức năm 2021 nhưng đặt mục tiêu chi cổ tức năm 2022 tỷ lệ 15%/năm.

Gelex cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược tăng trưởng các mảng kinh doanh cốt lõi thông qua hoạt động M&A, qua Gelex mẹ và các đơn vị thành viên. Đồng thời tiến hành niêm yết hoặc đăng ký giao dịch với cổ phần tại Gelex Hạ tầng; đăng ký niêm yết với cổ phần Gelex Electric khi cần thiết trên cơ sở tập đoàn mẹ vẫn nắm tỷ lệ chi phối (Gelex Electric đã giao dịch trên UPCoM từ ngày 8/3/2022).

Bên cạnh công ty mẹ, các công ty con của Gelex trong tuần qua cũng đồng loạt công bố kết quả, kế hoạch kinh doanh tích cực. Cụ thể, Gelex Electric (mã GEE) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 144,5% so với cùng kỳ, lên mức 2.000 tỷ đồng; dự kiến chi cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 40%; chi trả cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 20%.

Tổng công ty IDICO (mã IDC) đặt kế hoạch doanh thu 3.347 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế tăng 83%, đạt 2.333 tỷ đồng; chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 40% gồm 30% được chi bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu.

Còn CTCP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi, mã CAV) tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2022 vào sáng 8/4, thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất 12.079 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 526 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 24% so với thực hiện năm 2021. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 50%.

Viglacera (VGC) - đơn vị mới trở thành công ty con của Gelex năm ngoái thì tiết lộ lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 885 tỷ đồng, gấp 2,5 cùng kỳ.

Ngoài các doanh nghiệp trên, hệ sinh thái Gelex còn có Chứng khoán VIX (VIX), Marina Holdings (MHC), Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW) và CTCP Đầu tư Và phát triển KCN Dầu khí Long Sơn (PXL).

Nổi tiếng từ các thương vụ M&A

Hệ sinh thái Gelex được hình thành từ khi có sự xuất hiện của doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn, hiện là Chủ tịch Tập đoàn Gelex. Ông Tuấn sinh năm 1984 tại Hà Nam, tốt nghiệp Trường Đại học Thương mại ngành Thương mại Quốc tế, đồng thời là cũng là cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng.

Trước khi được biết đến nhiều với thương vụ thâu tóm GEX, ông Tuấn từng giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Kho vận miền Nam (Sotrans, mã STG), Chủ tịch HĐQT CTCP Quản lý Quỹ IB sau đó là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán IB; Chủ tịch HĐQT của Tổng CTCP Đường sông Miền Nam.

Trở lại thương vụ thâu tóm GEX. Đó là cuối năm 2015, khi Bộ Công Thương bất ngờ thoái vốn tại GEX thông qua việc bán hơn 122 triệu cổ phiếu (tương đương với gần 79% vốn điều lệ). Chỉ sau 30 phút mở của phiên giao dịch 25/12/2015, toàn bộ lô cổ phiếu này đã được khớp lệnh ở mức giá 17.700 - 17.800 đồng/cổ phiếu. Bộ Công Thương thu về 2.100 tỷ đồng.

Thời điểm đó, chưa ai biết về nhà đầu tư đứng sau vụ “thâu tóm”. Cho đến tháng 9/2016, ông Nguyễn Văn Tuấn lộ diện với vai trò Tổng giám đốc Gelex đồng thời kiêm thành viên HĐQT.

Gelex sau khi chuyển đổi chủ sở hữu đã tích cực tái cấu trúc, xây dựng hệ sinh thái với việc M&A hàng loạt các doanh nghiệp như: Công ty Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi), Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh (TBD), Công ty Thiết bị điện Việt Nam (Thibidi), Công ty Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM)…

Không những vậy, Gelex bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với việc thành lập Công ty TNHH MTV Gelex Land; đẩy mạnh việc đầu tư vào các khu công nghiệp tại Hải Phòng, Quảng Ninh…

Thương vụ đình đám thứ hai của doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn là thâu tóm Viglacera. Cụ thể, tháng 4/2019, Gelex mua vào 27 triệu cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera, qua đó nâng tổng số lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp lên 57,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 12,74%. Đến tháng 10/2019, công ty TNHH Thiết bị điện Gelex - công ty con do Gelex sở hữu 100% vốn, mua thêm 30 triệu cổ phiếu VGC, qua đó tăng số cổ phần nắm giữ từ 57,1 triệu cổ phiếu lên 87,1 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu tăng từ 12,74% lên 19,43%.

Sau nhiều lần mua vào từ các cổ đông lớn, tổng tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp thông qua công ty con và cá nhân liên quan của Gelex tại Viglacera lên đến 46,07% vốn điều lệ. Tới tháng 4/2021, mặc dù chỉ mua được 18,5 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng hơn 80% số cổ phiếu đăng ký (22,5 triệu cổ phiếu VGC) nhưng Gelex cũng đã hoàn thành việc thâu tóm khi nâng tỷ lệ sở hữu từ 46,07% lên 50,2%. Từ đầu quý II/2021, GEX đã hợp nhất kết quả kinh doanh của Viglacera.

Ban lãnh đạo Gelex cho biết, thương vụ M&A Viglacera sẽ giúp tập đoàn giảm mạnh tỷ lệ nợ vay, cải thiện biên lợi nhuận gộp. Ngoài ra, Viglacera cũng sẽ giúp Gelex thuận lợi "lấn sân" sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp bởi VGC vốn đang là một trong những nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp lớn nhất phía Bắc.

Viglacera đang sở hữu hàng loạt khu công nghiệp lớn tại các tỉnh phía Bắc như KCN Phú Hà (Phú Thọ) 350 ha; KCN Đồng Văn 4 (Hà Nam) 600 ha; KCN Tiền Hải (Thái Bình) 466 ha; các KCN Tiên Sơn, Yên Phong 2C, Yên phong, Thuận Thành cùng tại Bắc Ninh với tổng diện tích gần 1.500 ha…

Tổng tài sản và nợ vay tăng vọt

Việc hợp nhất Viglacera đã giúp kết quả kinh doanh của Gelex có sự đột biến trong năm 2021, với doanh thu 28.762 tỷ đồng, tăng hơn 59%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.666 tỷ đồng, tăng 70% so với 2020 (theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021).

Tổng tài sản của Gelex năm qua cũng có sự biến động mạnh. Tại thời điểm 31/12/2021 là 61.189 tỷ đồng, tăng 2,25 lần so với đầu năm. Trong số 29.803 tỷ đồng tài sản ngắn hạn tại thời điểm cuối năm 2021, có tới 11.533 tỷ đồng là hàng tồn kho, tăng gần 4 lần so với thời điểm đầu năm.

Đáng chú ý, nợ phải trả của Gelex cũng tăng 115% so với đầu năm, ghi nhận hơn 40.690 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng từ hơn 10.831 tỷ đồng lên gần 23.000 tỷ đồng. Nợ dài hạn cũng tăng từ hơn 8.105 tỷ đồng lên hơn 17.717 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngân hàng là hơn 9.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% dư nợ dài hạn.

So với đầu năm, vốn chủ sở hữu của Gelex cũng tăng mạnh từ mức 8.208 tỷ đồng lên 20.477 tỷ đồng vào cuối năm. Nguyên nhân là do đợt phát hành tăng vốn gần 293 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hồi giữa năm và phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu để trả cổ tức vào cuối năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp