Doanh thu chuỗi thức ăn nhanh Jollibee phục hồi ngang mức trước đại dịch

Thực phẩm Philippines
18:16 - 04/08/2022
Ông Ernesto Tanmantiong, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Jollibee Foods. Ảnh: Reuters
Ông Ernesto Tanmantiong, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Jollibee Foods. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Do sự phục hồi từ đại dịch Covid-19 và làn sóng mua hàng ở các thị trường quốc tế, thu nhập của tập đoàn thức ăn nhanh khổng lồ Jollibee Foods của Philippines đã phục hồi tích cực và tiến gần tới mức trước đại dịch.

Trước đó do hậu quả từ đại dịch Covid-19, chuỗi thức ăn nhanh Jollibee đã lỗ ròng 208 triệu USD vào năm 2020. Trong khi đó vào năm tài chính kết thúc tháng 3/2019 tức trước khi đại dịch diễn ra, công ty công bố doanh thu tới 3,2 tỷ USD và lợi nhuận ròng 131,1 triệu USD.

Tuy nhiên tới cuối năm 2021, tình hình kinh doanh đã bắt đầu khởi sắc sau khi chính phủ Philipines cùng các chính phủ khác bắt đầu nới lỏng các quy tắc phòng dịch. Vào tháng 12/2021, công ty công bố lợi nhuận hoạt động hàng năm là 113,2 triệu USD với doanh thu 2,75 tỷ USD và lợi nhuận ròng 105,9 triệu USD.

Thu nhập của Jollibee Foods vẫn ổn định kể từ đầu năm nay. Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu của tập đoàn đã tăng 24% lên 768,9 triệu USD và lợi nhuận ròng tăng so với cùng kỳ khoảng 41,3 triệu USD.

Theo tuyên bố của ông Tanmantiong với các cổ đông, doanh số toàn hệ thống của các doanh nghiệp ở Trung Quốc, Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Châu Á và Úc đã đạt đến mức trước đại dịch.

Nikkei Asia cũng cho biết giám đốc điều hành của Jollibee Group ông Ernesto Tanmantiong hiện rất tự tin trong cuộc họp thường niên của các cổ đông của công ty ngày 24/6 trước đó. Ông cho biết triển vọng tích cực tập đoàn dựa trên hồ sơ theo dõi và tập đoàn luôn cố gắng kiên cường khi đối mặt với nghịch cảnh.

Khai trương cửa hàng Jollibee thứ 100 ở Việt Nam tại Cần Thơ. Ảnh: Jollibee Việt Nam

Khai trương cửa hàng Jollibee thứ 100 ở Việt Nam tại Cần Thơ. Ảnh: Jollibee Việt Nam

Tại thị trường bản địa Philippines, ngành công nghiệp nhà hàng đang phục hồi đáng kể khi chính phủ bắt đầu nới lỏng các hạn chế của đại dịch. Tại đây, gà rán Jollibee, bánh mì kẹp thịt và món mì Ý ngọt ngào hấp dẫn khẩu vị của người địa phương và được nhiều người coi là món ăn quốc gia.

Jollibee thậm chí còn vượt mặt McDonald's để trở thành chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn nhất đất nước về doanh thu. Tại một số cửa hàng Jollibee, khách hàng thậm chí không thể mua thịt gà vào ngày gà rán quốc gia 6/7 ở Philippines theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương.

Thu nhập phục hồi nhanh chóng của Jollibee phần lớn là do tăng doanh thu nhờ mở rộng ra thị trường nước ngoài. Năm 2021, công ty đã chi 141,9 triệu USD cho các cửa hàng mới và tân trang các cửa hàng cũ. Trong số 399 cửa hàng mới, 314 cửa hàng (khoảng 80%) là ở nước ngoài. Doanh số bán hàng ở nước ngoài của tập đoàn đã tăng gần 20% một năm và chiếm khoảng 42% tổng doanh số bán hàng vào cuối năm 2021 so với 27% của năm trước đó.

Ngoài ra, Jollibee cũng đã tiếp tục mua các thương hiệu ở nước ngoài và hiện hoạt động tại 34 quốc gia và khu vực trong đó có Việt Nam. Tính đến cuối tháng 5, Jollibee Group đã vận hành 6.246 cửa hàng trên toàn thế giới, trong đó gần một nửa là ở nước ngoài.

Vào tháng 11 năm ngoái, Jollibee thông báo sẽ trả 12,8 triệu USD cho 51% cổ phần của Milkshop International, một công ty có trụ sở tại Đài Loan đang điều hành hơn 250 cửa hàng trà sữa trên toàn thế giới. Trước đó, công ty đã mua một quỹ tư nhân sở hữu chuỗi cửa hàng dim sum Tim Ho Wan được trao sao Michelin. Một giao dịch mua khác là Coffee Bean & Tea Leaf có trụ sở tại Los Angeles.

Đọc tiếp