Độc đáo ngành kinh tế sen tại Đồng Tháp

Độc đáo ngành kinh tế sen tại Đồng Tháp

Sen Đồng Tháp
07:11 - 27/06/2024
Để phát huy giá trị kinh tế sen, Đồng Tháp đang xây dựng chiến lược quy hoạch tổng thể và dài hơi hơn cho cây sen, từ đó phát huy tối đa giá trị cây sen trên lĩnh vực văn hóa lẫn kinh tế và hòa nhập với xu hướng phát triển chung của sen quốc tế.

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Đi dọc chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh của hoa sen. Nhưng có lẽ để cảm nhận hết giá trị và ý nghĩa của sen, thì phải đến với Đồng Tháp, nơi mà sen không chỉ là cây trồng tạo cảnh quan, mà còn mang lại nhiều giá trị kinh tế, đi sâu vào đời sống văn hóa, là biểu tượng nhận diện và cũng là niềm tự hào của mỗi người dân tại nơi này.

Tỉnh Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng sen lớn nhất khu vực ĐBSCL, tính đến thời điểm tháng 6/2024, toàn tỉnh có 1.800ha trồng sen tại các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành, Tân Hồng, Tam Nông,... Trong đó, huyện Tháp Mười là địa phương có diện tích trồng sen chiếm hơn 30% so với tổng diện tích trồng sen của tỉnh.

Nhiều thập kỷ qua, cây sen không chỉ mang đến cho tỉnh Đồng Tháp dấu ấn riêng về vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng, mà còn mang lại kinh tế ổn định cho người nông dân, với nhiều cách làm sáng tạo để khai thác tối đa các giá trị về kinh tế - văn hóa - nghệ thuật.

Vì vậy, vào năm 2007, tỉnh Đồng Tháp đã công bố biểu tượng của tỉnh có hình tròn cách điệu của bông hoa sen; năm 2015 ban hành “Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020”, trong đó thành phố Cao Lãnh được quan tâm đầu tư quy hoạch gắn liền với hình ảnh sen. Và hiện nay, sen còn là một trong những ngành hàng chủ lực trong "Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025" của tỉnh Đồng Tháp, từ đó hướng tới đưa thương hiệu sen vươn ra biển lớn.

Để phát huy tối đa giá trị về kinh tế - văn hóa nói chung, từ năm 2022, tỉnh Đồng Tháp bắt đầu tổ chức lễ hội mô cấp tỉnh nhằm tôn vinh giá trị cây sen. Gần đây nhất, tại Lễ hội Sen năm 2024 vừa được tổ chức, toàn tỉnh đã thu hút trên 200.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm và ghi nhận doanh thu các hoạt động ước đạt hơn 99 tỷ đồng.

Lễ hội Sen Đồng Tháp 2024 giúp tỉnh Đồng Tháp thu về gần 100 tỷ đồng.

Lễ hội Sen Đồng Tháp 2024 giúp tỉnh Đồng Tháp thu về gần 100 tỷ đồng.

Tại Lễ hội Sen, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, chỉ tính riêng sản phẩm OCOP hiện đã có 59 sản phẩm sen đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có một sản phẩm đạt chất lượng 5 sao.

Cũng từ sen, qua bàn tay tài hoa và quá trình tìm tòi, sáng tạo đã cho ra đời nhiều sản phẩm quà tặng đặc sắc, mang tính nghệ thuật, mỹ thuật tinh tế, nâng tầm giá trị sen Đồng Tháp như: Tranh lá sen, lụa tơ sen. Và để bắt kịp với xu hướng của thị trường, các doanh nghiệp phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới từ sen như: bún sen, trà olong sen, nước hoa sen, son sen, giấy sen, chỉ tơ sen. Đặc biệt, trà ướp hoa sen thượng hạng của Đồng Tháp còn được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chọn làm quà tặng khách quốc tế.

Trong nỗ lực đưa ngành hàng sen của tỉnh ra thị trường nước ngoài, ngày 7/5 vừa qua, Công ty Cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt - thành viên của Hội ngành hàng sen Đồng Tháp đã thành công xuất khẩu lô củ sen cấp đông chính ngạch sang thị trường Nhật Bản với số lượng 15 tấn, giá trị đơn hàng gần một tỷ đồng.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Nguyễn Xuân Thắng - Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Sen Đại Việt cho biết, để sen "đặt chân" đến được thị trường khó tính, trước hết sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn về chất lượng và những thông số liên quan mà đối tác rất khắt khe. Ví dụ như tiêu chuẩn của lô hàng xuất khẩu vừa rồi, tiêu chuẩn củ sen phải từ 4 - 6cm trong khi củ sen trung bình của ĐBSCL là từ 3 - 3,5cm, cho nên tỷ lệ thu hồi sản phẩm để chọn lọc ra những củ sen tốt nhất cũng rất cao.

Với góc độ của một công ty thực phẩm sen trong vòng 8 năm qua, Sen Đại Việt tập trung phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong 3 năm vừa qua, công ty này nhận thấy dung lượng thị trường về củ sen rất lớn và qua khảo sát dung lượng thị trường củ sen tại Nhật Bản có nhu cầu tiêu thụ khoảng 90 - 100 nghìn tấn/năm và thị trường Trung Quốc khoảng 2 - 3 triệu tấn củ sen/năm. Như vậy tiềm năng, cơ hội cũng như nhu cầu của thị trường quốc tế đối với sản phẩm này là rất lớn.

Vì lẽ đó, những năm vừa qua, kết hợp với ngành hàng, Sở Công Thương, Sen Đại Việt đã tiên phong phát triển các sản phẩm liên quan đến sen, trong đó củ sen đông lạnh nhận được sự quan tâm rất lớn của đối tác nước ngoài.

"Ngoài đối tác Nhật Bản, công ty đang làm việc với đối tác Hàn Quốc, về cơ bản hàng mẫu đã đạt được chất lượng tốt nhất. Vì vậy, tiếp theo công ty kỳ vọng thời gian tới củ sen của Việt Nam sẽ tiếp tục bước sang thị trường mới," đại diện Sen Đại Việt cho hay.

Không chỉ hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng sen ra các thị trường lớn trên thế giới. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp cũng tập trung phát huy hiệu quả ngành hàng sen để phát huy trong thị trường nội địa.

Theo đó, các sản phẩm được chế biến từ sen của Đồng Tháp cũng được đón nhận mạnh mẽ ở nhiều phân khúc thị trường khác nhau như nhóm ngành F&B hay các sản phẩm thuần chay. Để khai thác được tối đa những giá trị tiềm năng của cây sen, hiện các doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đang tập trung nhiều giải pháp về đẩy mạnh phát triển chế biến sâu ở lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm phù hợp với xu thế tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa, tỉnh Đồng Tháp đang tăng cường nghiên cứu ứng dụng giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất đối với các giống sen chuyên biệt, phục vụ cho các nhu cầu khác nhau như: Hoa trang trí, lấy hạt, lấy ngó, lấy lá, sản phẩm cao cấp, chiết xuất từ sen.

Tỉnh cũng phát triển thêm ít nhất 60 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP cấp tỉnh; trong đó có ít nhất một sản phẩm chiết xuất từ sen. Các mô hình được trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm cấp mã số vùng.

Trong tương lai, toàn tỉnh kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa sen, tôn vinh hoa sen, thúc đẩy phát triển ngành hàng sen gắn với du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương...

Đọc tiếp