Đọc vị 3 cổ phiếu tăng sốc nhất trong nửa cuối tháng 8

API CHỨNG KHOÁN
14:34 - 28/08/2022
KPF, API và CFV là 3 mã cổ phiếu tăng sốc nhất trong 2 tuần vừa qua.
KPF, API và CFV là 3 mã cổ phiếu tăng sốc nhất trong 2 tuần vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00
Trong 2 tuần vừa qua, thị trường chứng khoán đã chứng kiến đà tăng mạnh của một số cổ phiếu, đặc biệt có những mã tăng 100% giá trị dù doanh nghiệp không có câu chuyện gì mới.

KPF của Đầu tư tài chính Hoàng Minh

Cổ phiếu KPF của CTCP Đầu tư tài chính Hoàng Minh vừa vẽ một đường dựng đứng trên đồ thị giao dịch. Từ phiên 10/8 đến nay, mã này đã tăng 100% giá trị, từ mức giá 10.600 đồng/cp lên 20.750 đồng/cp.

Trong 2 tuần gần đây, KPF đều dẫn đầu trong top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn HoSE. Đi kèm với thị giá, khối lượng giao dịch của KPF cũng tăng từ vài nghìn đơn vị mỗi phiên lên hàng chục, hàng trăm nghìn, đỉnh điểm là phiên 19/8 lên tới 690.400 đơn vị.

Trong quá khứ, KPF từng chinh phục mức đỉnh hơn 24.000 đồng vào đầu tháng 1/2018. Sau đó, cổ phiếu này dần leo xuống và từng chạm đáy thấp nhất là 8.400 đồng vào tháng 11/2020. Như vậy ở vùng giá hiện tại, KPF không còn cách mức đỉnh bao xa.

CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh có tiền thân là CTCP Tư vấn Dự án Quốc tế KPF, được thành lập vào năm 2009, hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn dự án đầu tư, cung ứng vật liệu xây dựng và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên những năm gần đây, công ty rót vốn nhiều vào các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Thời gian gần đây, KPF không có thông tin gì đáng chú ý. Câu chuyện mới nhất của doanh nghiệp vẫn là tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã được HĐQT công ty này thông qua hồi cuối tháng 6 vừa qua.

Cụ thể, KPF dự kiến phát hành hơn 47,26 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mức giá 13.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022, sau khi được UBCKNN chấp thuận. Số cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán. Nếu hoàn tất đợt chào bán, KPF sẽ thu về 614,5 tỷ đồng.

Theo thông tin từ KPF, với số tiền huy động được, công ty sẽ dùng 245 tỷ đồng mua cổ phần CTCP Tri Việt Hội An từ các cổ đông hiện hữu của công ty này. Khoảng 369,5 tỷ đồng đầu tư mua 199 căn hộ du lịch thuộc dự án Silk Tower của Công ty TNHH Đầu tư Tháp lụa Đà Nẵng.

Theo KPF, có 3 nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện trong đợt mua cổ phiếu này. Trong đó, CTCP VN Stock đăng ký mua hơn 22,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 20,81%) và CTCP VN Value đăng ký mua 23,63 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 21,86%). Còn lại, nhà đầu tư nước ngoài Lin Yi Hoang đăng ký mua hơn 1,13 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,05%).

Cổ phiếu KPF tăng dựng đứng với khối lượng giao dịch đột biến.

Cổ phiếu KPF tăng dựng đứng với khối lượng giao dịch đột biến.

Trước đó, HĐQT KPF dự kiến trình phương án phát hành tổng cộng hơn 133,7 triệu cổ phiếu trong năm nay, gồm 6,36 triệu cổ phiếu trả cổ tức (tỷ lệ 5%) và chào bán 127,36 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:1) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu hoàn tất các đợt phát hành, vốn điều lệ của KPF có thể lên đến 2.610 tỷ đồng, gấp 4 lần mức hiện tại và gấp 14,6 lần số vốn đầu năm ngoái.

Ngoài ra, công ty còn dự kiến phát hành tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và đảm bảo bằng tài sản đảm bảo. Kỳ hạn tối đa 3 năm và lãi suất không vượt quá 12%/năm. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2022 đã được soát xét, trong 6 tháng đầu năm 2022, KPF không ghi nhận doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, trong khi cùng kỳ năm trước khoản này là 25 tỷ đồng. Bù lại, doanh thu tài chính đạt 55,5 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi 6 tháng đầu năm ngoái. Kết quả, công ty ghi nhận gần 47 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (cùng kỳ năm 2021 đạt 44,7 tỷ đồng).

Tổng tài sản của KPF tính đến 30/6/2022 là 777 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 729 tỷ đồng hồi đầu năm. Nợ phải trả là gần 10,6 tỷ đồng, tăng hơn 1 tỷ đồng so với đầu năm. Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh âm gần 158 tỷ đồng, cùng kỳ âm 108 tỷ đồng.

Trong khi đó, lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư dương 155 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với con số âm 315 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm ngoái. Nguồn tiền vào chủ yếu đến từ khoản thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác (169 tỷ đồng) và thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác (150 tỷ đồng). Công ty cho biết trong quý 2 đã thoái một phần vốn tại công ty con là CTCP TTC Deluxe Sài Gòn.

API của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương

Trong khi KPF giữ vị trí quán quân về tăng giá trên sàn HoSE thì trên sàn HNX, vị trí này thuộc về API của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (Apec Investment). Từ phiên 19/8 đến nay, cổ phiếu này đã tăng 49% giá trị, từ vùng giá 39.000 đồng lên 58.000 đồng.

Năm 2021, API cũng từng gây “sóng thần” khi tăng gấp 5 lần trong vài tháng, đạt mức đỉnh lịch sử 102.000 đồng hồi giữa tháng 11. Tuy nhiên, sau những ngày tháng hoàng kim, mã này liên tục cắm đầu giảm mạnh. Thị giá của API từng chạm đáy thấp nhất vào phiên 21/6/2022 là 29.000 đồng.

Cổ phiếu của Apec Investment liên tục tăng trần trong tuần qua sau thông tin doanh nghiệp sẽ chốt danh sách cổ đông chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 120% vào ngày 7/9 tới đây. Cụ thể, API dự kiến phát hành 45,9 triệu cổ phiếu thưởng, vốn tăng từ 382 tỷ đồng lên 840,6 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022, bên cạnh phương án thưởng cổ phiếu, API dự kiến chào bán 84 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1:1 (tính trên vốn điều lệ sau khi thưởng cổ phiếu) cho cổ đông hiện hữu với giá không thấp hơn 15.000 đồng/cp. Số tiền huy động dự kiến là 1.261 tỷ đồng để thực hiện M&A các dự án, đầu tư dự án trọng điểm, trả nợ vay và bổ sung vốn lưu động.

Ngoài ra, API sẽ chào bán 25,2 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 15.000 đồng/cp cũng cùng mục đích trên.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022, API ghi nhận doanh thu thuần đạt 258,8 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do chi phí bán hàng và chi phí tài chính đều tăng vọt nên doanh nghiệp chỉ còn lãi sau thuế 4,3 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thông tin từ API, do khoản trừ doanh thu từ công ty con của dự án Royal Park Bắc Ninh tăng so với cùng kỳ năm ngoái khiến cho lợi nhuận bị sụt giảm.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, API ghi nhận doanh thu thuần đạt 553 tỷ đồng, tăng 47%. Lợi nhuận trước thuế đạt 80,4 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ở mức 52,5 tỷ đồng.

Năm 2022, API đặt mục tiêu 1.400 tỷ đồng doanh thu và 350 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Công ty sẽ mở bán các phân khu thấp tầng tại dự án APEC Royal Park Huế, dự kiến phần lợi nhuận của quỹ diện tích chung cư, thương mại cao tầng tại đây sẽ đạt từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025. Doanh nghiệp này cũng sẽ triển khai giai đoạn 2 của dự án Khu công nghiệp xanh tại Đa Hội (Từ Sơn, Bắc Ninh), APEC Golden Palace Lạng Sơn, APEC Dubai Ninh Thuận…

CFV của CTCP Cà phê Thắng Lợi

Trên sàn UPCoM, một cổ phiếu còn ghi nhận tốc độ “sóng thần” hơn là CFV của CTCP Cà phê Thắng Lợi. Đóng cửa phiên 26/8, CFV ghi nhận phiên tăng trần thứ 10 liên tiếp lên 15.800 đồng/cp, tương ứng tăng 270% từ mức 4.300 đồng/cp cách đây 2 tuần. Tuy nhiên giống như nhiều cổ phiếu giao dịch đột biến trên sàn UPCoM, thanh khoản của CFV rất thấp, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên chỉ 250 đơn vị.

CFV tiền thân là công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, được cổ phần hoá theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk ngày 22/4/2016. Đơn vị hoạt động trong lĩnh vực trồng, khai thác và chế biến kinh doanh cà phê với vốn điều lệ là 126,5 tỷ đồng.

Thời gian qua, công ty không có bất kỳ thông tin có lợi liên quan làm ảnh hưởng đến biến động giá giao dịch cổ phiếu. Về kết quả kinh doanh, trong giai đoạn từ 2015 đến nay, doanh thu thuần của CFV đạt đỉnh vào năm 2021 với 352 tỷ đồng. Song lợi nhuận sau thuế qua các năm chỉ duy trì dưới mức 10 tỷ. Riêng trong nửa đầu năm 2022, công ty còn báo lỗ sau thuế gần 3 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp