Dòng dầu Nga giá hời vẫn đang chảy vào châu Âu và châu Á

DẦU THÔ CHÂU Á
14:38 - 22/04/2022
Các tàu chở dầu Nga vẫn tấp nập trên thế giới. Ảnh: WSJ
Các tàu chở dầu Nga vẫn tấp nập trên thế giới. Ảnh: WSJ
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục cuộc chạy đua thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga, thì Moscow đang nghiêng dần sang thị trường châu Á để tìm kiếm nguồn khách hàng thay thế và đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Dữ liệu theo dõi tàu chở dầu mới nhất cho thấy, gần hai tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, những con tàu chở dầu của nước này tiếp tục hành trình sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo phân tích của Nikkei Asia dựa trên dữ liệu của Refinitiv, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào ngày 24/2 cho đến ngày 18/4, tổng cộng có 380 tàu chở dầu đã rời nước Nga, tăng nhẹ so với con số 357 trong cùng kỳ năm ngoái.

Trong số đó, có 115 chiếc đã hoặc đang trên hành trình đến châu Á, bao gồm 52 chiếc đến Trung Quốc, 28 chiếc đến Hàn Quốc, 25 chiếc đến Ấn Độ, 9 chiếc đến Nhật Bản và 1 chiếc đến Malaysia. Điều đó thể hiện rằng, số tàu chở dầu từ Nga đến Ấn Độ tăng gấp 8 lần và đến Trung Quốc tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số tàu đến các quốc gia khác đã giảm 16%.

115 chiếc tàu chở dầu Nga đã hoặc đang trên hành trình đến châu Á. Ảnh: Getty Images

115 chiếc tàu chở dầu Nga đã hoặc đang trên hành trình đến châu Á. Ảnh: Getty Images

Các nền kinh tế lớn của phương Tây, chẳng hạn như Mỹ và Anh, đã tuyên bố ngừng nhập khẩu dầu của Nga, như một biện pháp trừng phạt mạnh tay để phản ứng với cuộc chiến ở Ukraine. Ngay cả trước khi các chính phủ có phản ứng quyết liệt, các công ty năng lượng như BP và Shell đã thông báo sẽ không mua từ Nga do áp lực từ cổ đông, rủi ro danh tiếng và các rào cản hậu cần.

Do vậy, giá chuẩn của dầu thô Ural (Nga) tại châu Âu đã giảm khoảng 30% trong giai đoạn từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4, giảm từ 111 USD xuống 78 USD/thùng, theo dữ liệu của Refinitiv. Đây được coi là mức giá hời cho những khách hàng sẵn sàng làm ăn với ngành năng lượng Nga trong bối cảnh hiện nay.

"Chúng tôi đã bắt đầu mua dầu Nga. Chúng tôi đã nhận được khá nhiều thùng dầu – ước tính tương đương với nguồn cung từ ba đến bốn ngày. Và điều này sẽ tiếp tục thực hiện", Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman gần đây cho biết. "Chúng tôi sẽ đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Trước hết, nguồn cung đang sẵn có và được giảm giá. Tại sao chúng tôi lại không mua nó?", quan chức Ấn Độ này nói thêm.

Hãng Bloomberg, Moscow đang cung cấp thêm dầu cho Ấn Độ với mức chiết khấu thấp hơn giá trước chiến sự tới 35 USD/thùng.

Bà Vandana Hari, người sáng lập và giám đốc điều hành của hãng phân tích vĩ mô thị trường dầu mỏ toàn cầu Vanda Insights có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Dầu mỏ Nga là một lựa chọn hấp dẫn cho những bên mua không phải đối mặt với sự giám sát của công chúng. Các công ty ở Singapore, cũng như các công ty ở châu Á nói chung không chịu sự giám sát chặt chẽ để buộc phải có lập trường chống lại Moscow”.

Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tận dụng tình hình hiện tại để mua thêm dầu giá rẻ của Nga. Ảnh: Fortune

Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tận dụng tình hình hiện tại để mua thêm dầu giá rẻ của Nga. Ảnh: Fortune

Theo các nhà phân tích, Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia không bị Nga xếp vào danh sách các quốc gia "không thân thiện", có khả năng sẽ tiếp tục mua dầu của Nga. “Hai nước này nhiều khả năng sẽ tận dụng tình hình hiện tại để mua thêm dầu thô của Nga. Mặc dù lượng nhập khẩu trong tháng 3 không đáng kể, nhưng chúng tôi cho rằng trong 2-3 tháng tới sẽ tăng lên", ông Daniel Gerber, CEO của công ty theo dõi tàu chở dầu Petro-Logisitics, cho biết.

Để bảo vệ quyết định tiếp tục mua dầu Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar chỉ ra rằng, châu Âu đã tăng mua thêm 15% dầu và khí đốt từ Nga trong tháng 3. Tuy nhiên theo ông, hầu hết những nước mua dầu và khí đốt chính của Nga đều ở châu Âu, trong khi Ấn Độ cũng chỉ nhập khẩu chưa tới 1% tổng nhu cầu dầu thô trong nước từ nguồn cung Nga.

Ông S. Jaishankar nhận định: “Khi giá dầu tăng, việc các quốc gia ra ngoài thị trường và tìm kiếm những giao dịch giá rẻ hơn cho người dân của họ là điều tự nhiên. Nếu chúng ta đợi từ 2-3 tháng nữa để xem quốc gia nào mua nhiều dầu và khí đốt của Nga, tôi cho rằng danh sách sẽ không khác lắm so với trước đây và Ấn Độ có thể sẽ không nằm trong top 10 trong danh sách đó”.

Bà Vandana Hari cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng: “Việc tẩy chay một số nguồn cung từ Nga của các công ty phương Tây chỉ là mang tính hình thức, không có tác động gì khác". Trên thực tế, dữ liệu của Refinitiv cũng chỉ ra rằng, từ ngày 1/3 đến ngày 15/4, hàng trăm tàu chở dầu Nga vẫn tiếp tục cập bến châu Âu với 41 chiếc đến Hà Lan, 36 chiếc đến Italy và 9 chiếc đến Đức.

Xuất khẩu năng lượng của Nga trị giá hơn 235 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này vào năm ngoái. Các quốc gia phản đối chiến sự của Nga nói rằng, nếu lĩnh vực năng lượng của Nga không trở thành mục tiêu thì các biện pháp trừng phạt kinh tế khác sẽ không hiệu quả. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Nga và đồng Ruble nội tệ hiện đều đã hồi phục sau đợt lao dốc vào tháng 2 và tháng 3.

Trong khi cuộc tranh luận về việc có tẩy chay năng lượng của Nga vẫn tiếp diễn, thì trở ngại lớn hơn đối với các quốc gia châu Á muốn tiếp tục mua dầu nước này là các rào cản về hậu cần. "Vì bản thân chúng tôi không có tàu chở dầu, nên việc tìm kiếm tàu đến Nga để chở dầu ngày càng khó khăn hơn. Do các công ty vận tải biển ngày càng cảnh giác hơn với việc đưa tàu đến Nga, kể cả khi đó là vùng Viễn Đông chứ không phải Biển Đen”, một đại diện của công ty Taiyo Oil cho biết.

Người này cũng nói thêm rằng, một số công ty bảo hiểm cũng đang từ chối cung cấp bảo hiểm cho các chuyến hàng của các tàu chở dầu Nga. Taiyo Oil có một nhà máy lọc dầu gần một cảng ở Kikuma, phía tây tỉnh Ehime của Nhật Bản. Công ty này cho biết đã nhập khẩu dầu Nga từ các tàu chở dầu cập cảng vào cuối tháng 3 thông qua một hợp đồng dài hạn hiện có. Ngoài ra, công ty cũng đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế từ Trung Đông, Đông Nam Á và Bắc Phi.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.