Dòng tiền đang quay trở lại, VN-Index có thể hồi phục quanh ngưỡng 1.200 điểm

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
10:53 - 17/07/2022
VN-Index có thể đang tạo đáy để vươn lên.
VN-Index có thể đang tạo đáy để vươn lên.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện tại VN-Index tương tự bối cảnh của chỉ số này 4 năm trước đó, thời điểm giữa tháng 7 năm 2018 khi VN-Index tạo đáy quanh ngưỡng 880 điểm. Diễn biến sau đó là hồi phục và giằng co đi ngang kéo dài cho đến hết năm 2018 và cả năm 2019.

Sau nhiều tuần giảm điểm, chứng khoán Việt Nam đã lấy lại được đà tăng trong tuần 11-15/07/2022. Cụ thể, VN-Index tăng nhẹ 0,68% so với cuối tuần giao dịch trước, về lại mức 1.179,25 điểm. Trong khi đó, HNX-Index kết thúc tuần với 284,4 điểm, tương ứng tăng 2,38%.

Không chỉ về điểm số, thanh khoản trên cả 2 sàn cũng đều ghi nhận những chuyển biến tích cực trong tuần qua. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 3,2% so với tuần trước đó với 57.669 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 11,2% lên 2.621 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 24,9% so với tuần trước đó với 6.646 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 14,3% lên 337 triệu cổ phiếu.

Trong tuần qua, một thông tin quan trọng ảnh hưởng đến thị trường tài chính là việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1981. Thông tin này đã khiến cho quan điểm của thị trường về việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ hành động trong kỳ họp tiếp theo thay đổi chóng mặt.

Theo khảo sát từ CME Group, hiện có trên 50% tin rằng FED sẽ tăng 0,75% ở kỳ họp tới và dưới 50% tin rằng FED sẽ tăng 1%. Mặc dù vậy, việc VN-Index không phản ứng tiêu cực cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đã vững vàng hơn rất nhiều.

VN-Index có tuần hồi phục nhẹ với thanh khoản cải thiện. Nguồn: SHS

VN-Index có tuần hồi phục nhẹ với thanh khoản cải thiện. Nguồn: SHS

Nhóm ngành hóa chất tăng tích cực nhất tuần khi vốn hoá tăng 5,53%, chủ yếu là do các doanh nghiệp trong ngành phân bón như DPM (+8.62%), LAS (+6,45%) và DCM (+4,01%). Đà tăng này chủ yếu là do kỳ vọng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của nhiều công ty sẽ vượt kế hoạch.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng lượng xuất khẩu phân bón trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức 998.000 tấn với kim ngạch 647 triệu USD, tăng 43% về lượng và tăng tới 2,8 lần về kim ngạch so với cùng kỳ. Đặc biệt, con số này cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu phân bón đã vượt qua con số của cả năm 2021 (sản lượng đạt 1,4 triệu tấn và giá trị 559 triệu USD).

Đáng chú ý, hai doanh nghiệp DPM (Đạm Phú Mỹ) và DCM (Đạm Cà Mau) gần đây đã được Forbes Việt Nam bình chọn vào Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2022 khi có có kết quả kinh doanh và tăng trưởng tốt nhất trong năm 2021 và giai đoạn 2016-2020.

Ngược lại, cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ là nhóm giảm điểm mạnh nhất trong tuần, với mức giảm 5,04% khi cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn đều giảm như DGW (-7,9%), MWG (-5,4%), FRT (-7,3%). Đây có thể là kết quả của các thông tin như lạm phát tăng, thị trường bán lẻ đặc biệt là điện thoại đang ở trong mùa thấp điểm của năm, DGW cho biết do sức mua các sản phẩm laptop sụt giảm nên doanh thu của công ty quý 2 giảm 32% so với quý 1, MWG cho biết đã đóng cửa 316 cửa hàng Bách Hóa Xanh kể từ tháng 4 tới giữa tháng 7…

Mặc dù vậy, ngân hàng và bất động sản mới là hai nhóm ngành có đóng góp lớn nhất cho đà tăng của chỉ số. Ngân hàng có 3 cổ phiếu góp mặt trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực, gồm CTG, BID và SHB. Tổng cộng, 3 cổ phiếu này đã mang về cho chỉ số hơn 3 điểm. Còn 4 cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản là BCM, KBC, DIG và VGC đã đóng góp gần 3 điểm kéo tăng cho chỉ số.

Top cổ phiếu khối tự doanh mua/bán ròng trong tuần. Nguồn: SHS

Top cổ phiếu khối tự doanh mua/bán ròng trong tuần. Nguồn: SHS

Xét về cổ phiếu riêng lẻ thì HNG (Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai) chính là “ngôi sao” của tuần khi tăng hơn 22% cùng khối lượng giao dịch liên tục nằm trên mức trung bình 20 ngày gần nhất. Nhóm cổ phiếu chăn nuôi cũng đang thu hút dòng tiền trong thời gian qua.

Trong tuần qua, khối ngoại bán ròng tổng cộng gần 1.292 tỷ đồng. Quy mô rút ròng này tương đương tuần giao dịch trước đó (4 – 8/7). Tính từ đầu tháng 7, khối ngoại xả gần 2.810 tỷ đồng. Trên sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh nhất mã chứng chỉ quỹ FUEVFVND của DCVFM VN Diamond ETF với 481 tỷ đồng. Tại giao dịch cổ phiếu, SSI dẫn đầu với quy mô 177 tỷ đồng, tiếp sau là VHM với 163 tỷ đồng.

Không còn thu hút dòng tiền ngoại như giai đoạn trước đó, DPM và DCM cũng bị bán 124 tỷ đồng và 56 tỷ đồng. VCB là đại diện duy nhất nhóm ngân hàng lọt top bán ròng mạnh với 104 tỷ đồng. Ngoài ra, top 10 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất còn có VIC (77 tỷ đồng), DXG (76,5 tỷ đồng) và UIC (68 tỷ đồng).

Ở chiều mua vào, VNM dẫn đầu khi được mua 144 tỷ đồng. Đây là mã duy nhất trong trên thị trường có dòng tiền ngoại mua ròng trên 100 tỷ đồng. Theo sau đó là STB (77,5 tỷ đồng), MWG (71,3 tỷ đồng). Những mã còn lại có quy mô mua ròng 20 – 50 tỷ đồng như GMD, CTG, HHV, HPG, NLG, GAS và MSN.

VN-Index tương tự bối cảnh năm 2018

Chứng khoán MB (MBS) nhận định, thị trường điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần nhưng vẫn ghi nhận 1 tuần tăng điểm, trong bối cảnh chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm sau khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát tháng 6 “sốc” hơn dự báo. Điều đó cho thấy chứng khoán trong nước đang coi trọng yếu tố cơ bản khi các doanh nghiệp đang báo kết quả kinh doanh quý 2 và mạch thông tin trong nước không gặp yếu tố bất lợi.

Thanh khoản tuần này đã tăng so với mức bình quân tuần trước và cũng đạt mức cao nhất 3 tuần vừa qua khi chỉ số VN-Index ngày càng củng cố vùng đáy. Dòng tiền luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt là điểm nhấn ở tuần qua, từ nhóm cổ phiếu ngân hàng sang cổ phiếu chứng khoán và dòng tiền chốt tuần ở nhóm cổ phiếu thép. Như vậy, nhà đầu tư đang quan tâm đến cơ hội ở các nhóm cổ phiếu hơn là tham chiếu theo chỉ số thị trường.

Theo Chứng khoán Tân Việt (TVSI), diễn biến phiên cuối tuần cho thấy áp lực điều chỉnh bắt đầu xuất hiện khi VN-Index tiến về gần vùng kháng cự. Điều này là hết sức bình thường khi mức điều chỉnh khá nhẹ và trong nội tại thị trường vẫn duy trì mức phân hóa tốt. Hầu hết các cổ phiếu đều có mức lãi trong vòng T+5 tuần qua nên theo góc nhìn của TVSI mọi thứ vẫn đang chuyển động tích cực. TVSI cho rằng, đợt điều chỉnh nhẹ này sẽ diễn ra trong một vài phiên để tạo động lực cho chỉ số Break out kháng cự. Do đó, công ty chứng khoán duy trì quan điểm tích cực và ủng hộ việc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong các phiên điều chỉnh tới.

Chuỗi P/E ngành và thị trường. Nguồn: SHS

Chuỗi P/E ngành và thị trường. Nguồn: SHS

Còn Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) thì nhận định, VN-Index hồi phục nhẹ trở lại trong tuần qua sau khi một lần nữa test thành công ngưỡng 1.140 điểm. Và thanh khoản cũng có sự gia tăng, tuy chưa thể vượt qua mức trung bình 20 tuần gần nhất nhưng đây là một điểm tích cực thể hiện việc nhà đầu tư đang dần quay trở lại thị trường sau khi VN-Index bắt đầu phát ra những tín hiệu tạo đáy.

Theo SHS, hiện tại VN-Index tương tự bối cảnh của chỉ số này 4 năm trước đó, thời điểm giữa tháng 7 năm 2018 khi tạo đáy quanh ngưỡng 880 điểm. Diễn biến sau đó là hồi phục và giằng co đi ngang kéo dài cho đến hết năm 2018 và cả năm 2019. Diễn biến thị trường trong giai đoạn hiện tại có thể giống như lịch sử trước đó và VN-Index có thể tiếp tục hồi phục trong tuần tiếp theo để hướng đến mục tiêu quanh ngưỡng tâm lý 1.200 điểm.

Tại Talkshow Chọn danh mục với chủ đề “Khơi dòng vốn sản xuất kinh doanh” do Báo Đầu tư tổ chức chiều 14/7, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, áp lực FED thắt chặt chính sách tiền tệ, cụ thể là tăng lãi suất, có thể mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Việc tăng lãi suất của FED có khả năng vẫn ảnh hưởng tới thị trường, nhưng lịch sử cho thấy, chứng khoán chỉ bị ảnh hưởng mạnh nhất trong giai đoạn đầu FED tăng lãi suất, các lần sau tác động giảm dần và dần dần không đáng kể. Do vậy, có thể kỳ vọng kịch bản tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.