Dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu: Gỡ khó thủ tục chuẩn bị đầu tư

CHÍNH SÁCH Bạc Liêu
12:39 - 15/10/2021
Dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu: Gỡ khó thủ tục chuẩn bị đầu tư
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa họp trực tuyến với UBND tỉnh Bạc Liêu và các bộ ngành liên quan bàn về thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cuộc họp được tổ chức để lắng nghe ý kiến từ các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục chuẩn bị đầu tư cho Dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu, làm cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tham dự cuộc họp ngày 14/10, có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cùng đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam...

Dự án Nhà máy Điện khí với tiềm năng lớn

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã trình bày tóm tắt Báo cáo về tình hình triển khai và những khó khăn, vướng mắc của dự án. Theo đó, dự án Nhà máy Điện khí hóa lỏng (LNG) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ cuối năm 2019. UBND Tỉnh Bạc Liêu nhận định, dự án này có nhiều điểm ưu việt so với các dự án điện trước đây và mang lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực cho Việt Nam đặc biệt là với khu vực Nam Bộ.

Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá đây là dự án năng lượng sạch, có quy mô lớn, phù hợp với định hướng phát triển của đất nước và có tác động rất lớn tới phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án thành công sẽ là tiền đề tốt để Việt Nam thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài khác trong lĩnh vực này, đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Đông nhận định.

Tháo gỡ khó khăn về thủ tục chuẩn bị đầu tư

Theo thông tin từ cuộc họp này, UBND tỉnh Bạc Liêu và nhà đầu tư đã nỗ lực hoàn thành 95% công việc của giai đoạn chuẩn bị dự án. 05% công việc còn lại là các thủ tục thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan, làm căn cứ để ký kết hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cần phải hoàn thành để chuyển sang giai đoạn thực hiện dự án đầu tư, khởi công xây dựng nhà máy.

Các đại biểu tham gia cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI
Các đại biểu tham gia cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Các đại biểu đến từ các bộ, ngành liên quan đã thảo luận 9 nội dung cần tháo gỡ để dự án triển khai kịp tiến độ như việc áp dụng luật vào hợp đồng mua bán điện, cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng, quy định nhằm đảm bảo các thay đổi về pháp luật sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đối với dự án, đảm bảo tỉ giá hối đoái, bao tiêu sản phẩm, cam kết về đấu nối, trọng tài quốc tế …

Thứ trưởng Đông thống nhất, những nội dung đã được pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành thống nhất đánh giá là phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Thứ hai, đảm bảo quyền của Nhà nước đối với dự án trên cơ sở các biện pháp hỗ trợ đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư và xem xét thêm các quy định liên quan tới pháp luật; cân nhắc, đánh giá tổng thể lợi ích hài hòa trên cơ sở tiền lệ áp dụng.

Thứ ba, những nội dung thuộc thẩm quyền của EVN và nhà đầu tư, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị hai bên đàm phán trực tiếp để đảm bảo lợi ích trên cơ sở nguyên tắc thị trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp./.

Đọc tiếp