Dự báo triển vọng xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam năm 2022

Thực phẩm XUẤT KHẨU
15:02 - 08/12/2021
Nông sản Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc trong năm 2022
Nông sản Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc trong năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Hai xu hướng mới của ngành thực phẩm thế giới là đa dạng nguồn cung và giảm thiểu các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng. Nhu cầu thực phẩm, nông sản của các thị trường trọng điểm cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Triển vọng ngành thực phẩm năm 2022 và những khuyến nghị giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu là chủ đề trọng tâm của hội nghị quốc tế Vietnam Food Forum 2021 với chủ đề “Nông sản, thực phẩm: Thích ứng – Chuyển đổi – Tăng tốc” ngày 7/12.

Mỹ sẽ nhập khẩu khoảng 165 tỷ USD nông sản trong năm 2022

Theo ông Phạm Quang Huy, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Hoa Kỳ, dự báo thương mại nông sản năm 2022 cho thấy, Hoa Kỳ sẽ xuất khẩu khoảng 175,5 tỷ USD nông sản và nhập khẩu khoảng 165 tỷ USD tăng 5,5 tỷ USD so với dự báo được đưa trước đó vào tháng 08/2021, chủ yếu nhờ vào tăng nhập khẩu đồ uống, rau quả tươi, thịt bò và thịt lợn.

Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 10 tháng đầu năm 2021 có sự tăng trưởng lớn. Thuỷ sản đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ 2020; hạt điều đạt 880,6 triệu USD, tăng 3,8%; cà phê đạt 214,7 triệu USD, giảm 2,5%; hạt tiêu đạt 187,32 triệu USD, giảm 17,6; rau quả đạt 184,3 triệu USD, tăng 24,8%; gạo đạt 9,78 triệu USD, giảm 12,5%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc đạt 95,4 triệu USD, tăng 3,1%; chè đạt 73 triệu USD, tăng 30,6%.

Phân tích những thuận lợi tại thị trường Hoa Kỳ, ông Phạm Quang Huy cho biết, đây là thị trường tiêu thụ khổng lồ, có sức mua lớn, nhu cầu sản phẩm đặc sản mới lạ, tiềm năng tăng trưởng cao.

Giá thực phẩm ở Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam được cải thiện; Dân cư đa sắc tộc, nhập cư đông dẫn đến nhu cầu và tập quán tiêu dùng đa dạng. Lực lượng người Việt tại Hoa Kỳ ngày càng lớn mạnh là cầu nối quan trọng để đưa hàng nông sản thực phẩm qua.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần lưu ý hệ thống luật lệ của Hoa Kỳ với những chế tài nghiêm minh và các biện pháp phòng vệ thương mại của nước này.

Khó khăn của thị trường Hoa Kỳ có thể kể đến: lạm phát tăng, giá cả tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu, yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm và các rào cản kỹ thuật về lao động, môi trường. Hệ thống các quy định về tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm rất phức tạp cả cấp bang và liên bang.

Cạnh tranh với hàng nông sản cùng chủng loại từ các nước khác, với khoảng cách địa lý xa, chi phí vận tải tăng cao, nhất là trong bối cảnh COVID-19.

Đưa ra các khuyến nghị, ông Huy cho rằng, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị chuyên nghiệp, xây dựng trang web song ngữ giới thiệu sản phẩm cung cấp đầy đủ thông tin, nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Tham gia các hội chợ nông sản thực phẩm, thiết lập hệ thống phân phối thông qua các đầu mối Việt kiều, châu Á, khai thác kênh thương mại, sàn giao dịch điện tử.

Lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ

Ảnh tác giả

"Các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của USDA, FDA, NOAA về tiêu chuẩn sản xuất, an toàn thực phẩm, ghi nhãn, đăng ký các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện giám sát toàn bộ chuỗi sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm và nâng cao tính minh bạch. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm".

Ông Phạm Quang Huy, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Hoa Kỳ

Trung Quốc có xu hướng tăng cường nhập khẩu nông sản từ các nước ASEAN vào năm 2022

Theo ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, tính trong 10 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngoại thương Trung Quốc tăng 31,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.891,6 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 510 tỷ USD, tiếp tục là một trong những đầu tàu kinh tế thế giới và là thị trường có sức hút lớn, đem lại tiềm năng khai thác cho các nước.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên toàn cầu và là đối tác thương mại lớn nhất trong khối ASEAN trong năm 2021

Hợp tác thương mại Việt Nam – Trung Quốc tăng trưởng ổn định, kim ngạch thương mại hai nước trong tháng 10/2021 đạt 186,5 tỷ USD tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020, dự tính kim ngạch thương mại hai nước có thể đạt hơn 200 tỷ USD trong cả năm 2021.

Hoạt động thương mại nông sản của Trung Quốc rất sôi động, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại nông sản đạt 248 tỷ USD tăng 24,4% vượt kim ngạch của năm 2020 hơn 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu chỉ đạt 67 tỷ USD tăng chưa đến 10%, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 181 tỷ USD tăng 30,8%.

Ảnh tác giả

"Thủy sản, trái cây, sữa và sản phẩm từ sữa, thịt lợn, ngũ cốc là những mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu trên 10 tỷ USD và đây cũng là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu. Trong năm 2022, Trung Quốc có xu hướng tăng cường nhập khẩu nông sản từ các nước ASEAN sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam".

Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc

Bên cạnh nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam đã ngày càng thích nghi với thị trường Trung Quốc như rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, nhiều sản phẩm Việt Nam đã được phân phối bán trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc: thanh long Bình thuận, cà phê Trung Nguyên, bánh bía Sóc Trăng…"

Ông Lai cũng cho biết, Việt Nam còn nhiều mặt hàng chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc, chưa chú trọng đăng ký thương hiệu, còn vi phạm các quy định nhập khẩu. Việt Nam nằm trong số 6/10 quốc gia có số lượng vi phạm quy định nhập khẩu sản phẩm vào Trung Quốc nhiều nhất trong năm 2021.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc, thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm tại Quảng Đông, Quảng Tây, tháo gỡ khó khăn trong đăng ký doanh nghiệp và thông quan sản phẩm, thúc đẩy hơn thị trường Trung Quốc mở cửa hơn nữa đối với nông sản Việt Nam.

Hội nghị quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Forum 2021) với chủ đề “Nông sản, thực phẩm: Thích ứng – Chuyển đổi – Tăng tốc” ngày 07/12

Hội nghị quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Forum 2021) với chủ đề “Nông sản, thực phẩm: Thích ứng – Chuyển đổi – Tăng tốc” ngày 07/12

Các mặt hàng nông sản của Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu sang EU

Chia sẻ thông tin EU và Bỉ là những thị trường lớn đối với xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Bỉ và EU cho biết,Việt Nam có nhiều sản phẩm có thế mạnh và được hưởng ưu đãi thuế quan lớn nhờ hiệp định EVFTA với hàng loạt mặt hàng thủy sản đang trên lộ trình xóa bỏ 100% thuế quan trong vòng 7 năm.

Trong đó, cá basa đang hưởng ưu đãi thuế quan GPS ở mức 4,5% loại nguyên con tươi đông lạnh và 5,5% loại phile tươi; tôm có GPS từ 4,2% về 0%; mực, bạch tuộc đông lạnh được giảm thuế từ 6% - 8% về 0%, chả cá surimi từ 14,2% về 0%, cá biển khác từ 7,5% về 0%...

Nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của EU là 24,5kg/người/năm. Hàng năm, khối thị trường này nhập khẩu khoảng 30 tỷ USD giá trị từ ngoại khối đối với mặt hàng này.

Cho biết, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 130 triệu Euro rau, củ, quả sang thị trường EU, chỉ chiếm 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này (35 tỷ Euro/năm), ông Trần Ngọc Quân nhấn mạnh, nông sản Việt Nam còn nhiều dư địa trong ngành này.

Nhận định các doanh nghiệp cần đổi mới công tác tiếp thị nông sản, ông Trần Ngọc Quân cho rằng, nông sản, thực phẩm liên quan nhiều văn hóa ẩm thực, đặc điểm địa lý, khí hậu của một quốc gia vì nông sản Việt Nam là kết tinh của đất và nước của Việt Nam. Do vậy, khi quảng bá nông sản nên gắn kết với quảng bá văn hóa đất nước, con người. Biết và yêu văn hóa, đất nước, con người Việt thì người tiêu dùng sẽ tìm đến nông sản Việt.

Ảnh tác giả

“Nông sản liên quan chặt chẽ đến sức khoẻ con người nên phải đặc biệt quản lý chất lượng. Việc đưa nông sản xâm nhập thị trường EU rất khó do thị hiếu khác nhau nên đưa sản phẩm nào là phải chắc sản phẩm ấy. Không nên làm đại trà đối với việc xuất khẩu nông sản vào EU mà nên tập trung sản xuất, gắn hình ảnh nông sản Việt Nam với tiêu chí không những ngon mà còn an toàn”.

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Bỉ và EU

Xu hướng của ngành thực phẩm thế giới

Công bố thông tin về những xu hướng mới của ngành thực phẩm và cơ hội cho Việt Nam, ông Charles Mordret, đại diện của SIPPO (Chương trình xúc tiến thương mại của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ) cho biết, ngoài quy định của các nước nhập khẩu thì các đơn vị thu mua, các nhà nhập khẩu cũng sẽ đưa ra những quy định mới để nhập hàng vào thị trường với khối lượng lớn và chất lượng đảm bảo.

Theo đại diện của SIPPO, trong năm 2022, nhu cầu về các nhóm hàng bớt chất phụ gia, đảm bảo an toàn sức khỏe, các sản phẩm nguyên liệu tự nhiên, tăng khả năng phục hồi cho sức khỏe sẽ ngày càng tăng.

EU với thỏa thuận xanh hóa có rất nhiều lưu ý cho các ngành, riêng đối với ngành nông sản, thực phẩm thì yêu cầu truy xuất nguồn gốc trở nên bắt buộc. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp đã làm tốt việc này nhưng sẽ là thách thức cho các doanh nghiệp còn chưa thực hiện được.

Sau COVID-19, sẽ có hai xu hướng ngành thực phẩm nổi lên mà các doanh nghiệp cần quan tâm: Thứ nhất, các nhà mua hàng châu Âu đang muốn đa dạng nguồn cung trong khi vẫn đảm bảo chất lượng.

Thứ hai, các nhà mua hàng đang muốn làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất, bớt đi các khâu trung gian để giảm thiểu áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức bởi các nhà sản xuất cần biết chủ động hơn trong việc biết họ cần gì và sẵn sàng đáp ứng những tiêu chuẩn của đối tác chứ không chỉ chờ họ tới đặt vấn đề”, ông Charles Mordret nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp