Dự đoán các startup thịt nhân tạo bùng nổ năm 2022

Thực phẩm THẾ GIỚI
16:11 - 24/01/2022
Thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đem lại nhiều lợi ích cho môi trường. Ảnh: Adobe Stock
Thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đem lại nhiều lợi ích cho môi trường. Ảnh: Adobe Stock
0:00 / 0:00
0:00
Khi các chính phủ trên khắp thế giới thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về 0, ngành công nghiệp protein thay thế và đặc biệt thịt nuôi cấy nhân tạo cũng ngày càng được chú ý và nhận được nhiều sự đầu tư.

Thịt nuôi cấy nhân tạo là gì?

Về mặt khái niệm, thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm là các sản phẩm thật từ động vật được sản xuất trong phòng thí nghiệm và các cơ sở sản xuất thương mại. Hiện tại, quá trình này vẫn còn rất tốn kém.

Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, quá trình này có thể trở nên hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn theo thời gian. Ngoài ra, việc chuyển sang thịt được nuôi trồng có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp và giảm bớt tác động biến đổi khí hậu.

Theo ông John Tetrick, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của công ty startup thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm Eat Just, những sản phẩm này đều là thịt thật. Hơn nữa, thay vì cần tới động vật thật, đất, nước và số rừng cần chặt phá để biến những điều trên thành hiện thực, tất cả những gì cần ở đây là một tế bào.

Tế bào này có thể được lấy từ sinh thiết động vật, từ một miếng thịt tươi hoặc từ ngân hàng tế bào. Dinh dưỡng cần để nuôi dưỡng tế bào đó sẽ được xác định và tất cả sẽ được nuôi dưỡng trong một bình thép không gỉ được gọi là lò phản ứng sinh học.

Tiềm năng của ngành công nghiệp thịt nuôi cấy

Theo dữ liệu tổng hợp bởi Crunchbase, các nhà đầu tư đã rót khoảng 2 tỷ USD vào ngành công nghiệp này trong khoảng thời gian 2 năm qua. Theo dự đoán, năm 2022 và tương lai sắp tới sẽ còn ghi nhận nhiều những khoản đầu tư nữa.

Trong hai năm qua, Eat Just đã có những bước đột phá lớn. Tại Singapore, doanh nghiệp này đã nhận được sự chấp thuận đầu vào tháng 12/2020 đối với sản phẩm thịt gà nuôi trồng Good Meat của mình. Kể từ đó, công ty này cũng được chấp thuận sản xuất và bán thêm các sản phẩm khác như ức gà, thịt gà và các sản phẩm gà xé nhỏ.

Sau khi được chấp thuận, bộ phận Good Meat của công ty đã thông báo huy động được 267 triệu USD tiền vốn trong năm 2021 nhằm xây dựng thiết bị và hệ thống dùng cho việc tăng cường sản xuất ở cả Mỹ và Singapore trong 2 năm tới. Vào tháng 8 năm ngoái, startup này cũng thông báo đang có kế hoạch xây dựng một cơ sở sản xuất tại Qatar. Công ty sẽ hợp tác với Doha Venture Capital và Qatar Free Zones Authority cho dự án này nhưng cho biết sẽ cần nhiều vốn hơn nữa để xây dựng các lò phản ứng sinh học đủ lớn cho việc mở rộng quy mô.

Cho đến nay, hơn 700 người Singapore đã sử dụng các sản phẩm thịt nuôi trồng của doanh nghiệp này. Trong tương lai, ông Tetrick hy vọng con số này sẽ còn được gia tăng hơn nữa khi các quốc gia khác thông qua việc chấp thuận.

Với người tiêu dùng tại Mỹ, các sản phẩm thịt có nguồn gốc từ thực vật đang dần trở nên phổ biến hơn khi chúng xuất hiện trên các thực đơn của KFC hoặc tại các kệ hàng tại Target. Với các sản phẩm thịt nuôi trồng từ các công ty như Beyond Meat và Impossible Meats, khách hàng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể có thêm các lựa chọn thay thế khác.

Theo nhóm vận động nghiên cứu phi lợi nhuận The Good Food Institute, hiện đang có hơn 100 công ty startup nghiên cứu các sản phẩm thịt được nuôi trồng. Đồng thời, các công ty lớn hơn cũng không nằm ngoài xu thế này.

Vào cuối năm 2021, gã khổng lồ thực phẩm toàn cầu JBS đã mua lại BioTech Foods. Ngoài ra, tập đoàn này còn đầu tư 100 triệu USD để thâm nhập thị trường thịt nuôi trồng cũng như xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Brazil.

Thức ăn được làm từ sản phẩm thịt nuôi cấy của Eat Just. Ảnh: Eat Just

Thức ăn được làm từ sản phẩm thịt nuôi cấy của Eat Just. Ảnh: Eat Just

Vai trò của thịt nuôi cấy trong công cuộc giảm phát thải ròng

Những sự chuyển đổi này diễn ra khi người tiêu dùng ngày càng lo lắng về biến đổi khí hậu và thể hiện mong muốn thay đổi thói quen ăn uống của mình để chống lại những biến đổi này. Caroline Bushnell, phó chủ tịch phụ trách doanh nghiệp tại Good Food Institute cho biết: “Thế giới sẽ không đạt được phát thải ròng nếu không giải quyết các vấn đề liên quan tới lương thực và đất đai”.

Bà nhận định vai trò của hệ thống thực phẩm đối với biến đổi khí hậu thường không được đánh giá cao. Tuy nhiên, nông nghiệp và đặc biệt là chăn nuôi công nghiệp là một yếu tố đóng góp lớn. Trong bối cảnh đó, các protein thay thế bao gồm thịt nuôi trồng sẽ là một phương pháp tốt nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ hệ thống thực phẩm.

Bà kết luận: “Sẽ rất khó để thực hiện được những cam kết theo Thỏa thuận Khí hậu Paris nếu việc sản xuất thịt công nghiệp không được cắt giảm”.

Ý thức của người tiêu dùng đang thay đổi, tuy nhiên giá thành các sản phẩm thịt cũng cần được cắt giảm. Một quán ăn địa phương hoặc chuỗi thức ăn nhanh lớn sẽ không bao giờ chấp nhận loại thịt này nếu nó đắt hơn nhiều lần so với thịt thông thường.

Ngoài ra để viễn cảnh thịt nuôi cấy trở thành hiện thực, sự phê duyệt từ các cơ quan quản lý cũng đóng vai trò quan trọng. Các công ty trong ngành như Eat Just đang nỗ lực để giành được sự chấp thuận theo quy định từ các cơ quan quản lý của Mỹ như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cũng như Bộ Nông nghiệp.

Nick Cooney, đối tác quản lý tại LeverVC - công ty đầu tư vào lĩnh vực này, cho biết việc phê duyệt có khả năng sẽ được hoàn thành sớm nhất là trong năm nay. Ông cho biết thêm có một vài công ty cùng ngành đang đầu tư xây dựng các cơ sở quy mô lớn nhằm sản xuất các sản phẩm thịt được nuôi trồng. Tuy nhiên để các sản phẩm này được sản xuất hàng loạt, sẽ cần nhiều yếu tố khác cùng phối hợp như chi phí vốn và cả thời gian.

Đọc tiếp