Dự kiến xuất khẩu thủy sản sang Canada lần đầu vượt mốc 200 triệu USD

THỦY SẢN canada
20:25 - 20/12/2022
Dự kiến xuất khẩu thủy sản sang Canada lần đầu vượt mốc 200 triệu USD
0:00 / 0:00
0:00
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Canada, Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Canada trong 9 tháng đầu năm 2022. Dự kiến, năm nay xuất khẩu thủy sản sang thị trường này lần đầu tiên sẽ vượt mốc 200 triệu USD.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, giai đoạn 2012-2021, Canada nhập khẩu trung bình khoảng trên 2 tỷ USD/năm hàng thủy sản. Năm 2021, Canada nhập khẩu tăng đột biến, lên đến gần 2,7 tỷ USD do gián đoạn sản xuất trong nước vì các quy định giãn cách và do giá thuỷ sản xuất khẩu của Canada tăng cao trên thị trường thế giới.

Hiện nay, trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng trên 160 triệu USD các mặt hàng thuỷ sản sang thị trường. Thuỷ sản cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam sang Canada.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Canada tăng mạnh 56,5% so với cùng kỳ năm 2021, vươn lên là nhà cung ứng thủy sản lớn thứ 3 cho Canada. Dự kiến năm nay, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang địa bàn lần đầu tiên sẽ vượt mốc 200 triệu USD.

9 tháng đầu năm 2022, với đà tăng 84,8% so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu mã HS 0304 (cá file đông lạnh) đạt 76 triệu USD và nếu tiếp tục với đà tăng này, dự kiến năm 2022, Việt Nam có thể xuất khẩu gần 100 triệu USD, tương ứng gấp đôi mức trung bình giai đoạn 2018-2021.

Trong khi đó, thuỷ sản chế biến của Việt Nam cũng đã ghi nhận mức tăng 43,6% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn mức tăng trung bình 13% của thị trường Canada với nhóm mặt hàng này. Nhờ vậy, dự kiến năm 2022, Việt Nam sẽ xuất khẩu được trên 110 triệu USD giá trị thuỷ sản chế biến vào thị trường.

Có thể thấy, giá trị xuất khẩu thuỷ sản chế biến lớn hơn giá trị xuất khẩu cá file đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào Canada.

Trong nhóm thuỷ sản chế biến, Việt Nam là nước mạnh nhất về các sản phẩm tôm tẩm bột, tôm viên, chả giò hải sản, tôm hấp đông lạnh. Việt Nam chiếm 25% thị phần tại Canada đối với nhóm sản phẩm này, vượt xa Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Trong bối cảnh Canada giảm nhập khẩu từ Nga và Trung Quốc, Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu thêm vào thị trường. Dự kiến năm 2022, Việt Nam sẽ xuất khẩu được 105 triệu USD.

Đối với nhóm thuỷ sản chế biến cá đóng hộp, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường đã tăng 445% so với trước 2018 (từ 2,6 triệu USD năm 2018 lên 14,4 triệu USD năm 2021), tuy nhiên, mức tăng này không đáng kể so với nhu cầu của thị trường. Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 5 các mặt hàng cá đóng hộp vào Canada nhưng thị phần chỉ khoảng 3,5%. Trong khi đó, Canada có nhu cầu nhập khẩu khoảng 350-400 triệu USD/năm.

Một số quy định từ thị trường Canada

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam, Canada ban hành Danh mục các loài động vật thủy sinh được phân loại là "dễ mắc" các bệnh đáng lo ngại. Các nhà nhập khẩu phải có giấy phép Nhập khẩu Thủy sản đặc biệt (kiểm dịch thú y) do CFIA cấp. Các nước xuất khẩu các sản phẩm này phải cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật sau khi đã có đàm phán công nhận với CFIA (CFIA công nhận kết quả xét nghiệm bệnh của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài).

Đối với các loại thuỷ sản không nằm trong danh sách này, không cần có Giấy phép Nhập khẩu Thuỷ sản nhưng phải có đầy đủ các thông tin: tên và địa chỉ của nhà xuất khẩu; tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu; tên phân loại của động vật thủy sinh, giai đoạn sống và số lượng được nhập khẩu, mục đích sử dụng cuối cùng... Ngoài ra, Canada còn có quy định dán nhãn với các mặt hàng thuỷ sản tương tự như quy định ghi nhãn thực phẩm và quảng cáo, đặc biệt các quy định về tiêu chuẩn dán nhãn organic.

Yêu cầu cụ thể đối với cá đông lạnh nhập khẩu: Cá đông lạnh nhập khẩu phải được vận chuyển theo quy trình chống bị mất nước và oxy hóa. Các nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm đảm bảo cá nhập khẩu nằm trong giới hạn dư lượng tối đa (MRL) đối với các hoá chất được nêu trong danh sách giám sát dư lượng hoá chất nuôi trồng thủy sản của CFIA.

Yêu cầu cụ thể đối với động vật có vỏ: Các nhà nhập khẩu phải đảm bảo nhập khẩu từ quốc gia đã được phê duyệt để xuất khẩu sang Canada. Ngoài ra, Canada còn kiểm soát nguy cơ nhiễm Vibrio parahaemolyticus (Vp-là một loại vi khuẩn có thể gây bệnh đường tiêu hóa ở người) trên các động vật có vỏ.

Đọc tiếp