Đức gặp trở ngại trong tìm nguồn cung khí đốt thay thế từ Qatar

NĂNG LƯỢNG Đức - Qatar
15:33 - 10/05/2022
Tiểu vương Qatar Emir Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani trong cuộc trao đổi với Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tại Doha. Ảnh: Reuters
Tiểu vương Qatar Emir Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani trong cuộc trao đổi với Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tại Doha. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Hai nước Đức và Qatar đang gặp phải một số bất đồng trong thảo luận việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dài hạn, liên quan tới thời hạn hợp đồng cùng một số điều kiện cơ bản như quy định không thể chuyển khí đốt tới các thị trường châu Âu khác.

Hàng năm Đức tiêu thụ khoảng 100 tỷ mét khối khí tự nhiên với khoảng 55% trong số đó đến từ Nga. Phần còn lại tới từ các thị trường khác như Hà Lan và Na Uy. Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, nhu cầu độc lập năng lượng của Đức ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, theo Reuters, Đức lại chần chừ trong việc kí kết hợp đồng cung cấp khí đốt dài 20 năm với Qatar để giảm sự phụ thuộc vào Nga. Nguyên nhân là do Đức cũng đang cam kết cắt giảm 88% lượng phát thải carbon vào năm 2040 và một hợp đồng dài hạn có thể ảnh hưởng tới các cam kết xanh này.

Ngoài ra, các nguồn tin cũng cho biết nhà cung cấp khí LNG lớn nhất thế giới cũng đưa ra một số điều kiện mà Liên minh châu Âu phản đối. Một trong số đó chính là quy định Berlin không thể định tuyến lại dòng khí đốt để chuyển tới các khu vực khác thuộc châu Âu.

Sự bế tắc trong đàm phán giữa tập đoàn năng lượng Qatar Energy và các công ty điện năng lớn nhất của Đức là RWE và Uniper nêu bật lên những thách thức mà chính phủ Đức phải chịu trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt khỏi Nga. Thêm vào đó, giới chức Đức cũng phải cân bằng các thỏa thuận với những cam kết giảm phát thải carbon của mình.

Ngoài các khó khăn này, Đức cũng đang phải cạnh tranh với các quốc gia khác về nguồn cung LNG từ Qatar. Hơn nữa, một số nguồn tin cho biết kể cả khi hợp đồng được kí kết, việc cung cấp LNG cho Đức sẽ không xảy ra trong tương lai gần. Theo ông Felix Booth, người đứng đầu đơn vị LNG tại công ty tình báo năng lượng Vortexa, Qatar đang ở vị trí chủ đạo trong các cuộc thảo luận này. Với tư cách một nhà cung cấp đáng tin cậy, Qatar đang nhận được sự quan tâm mạnh của nhiều đối tác.

Do đó, ông Booth nhận định để có thể đảm bảo nguồn cung, nhóm đàm phán của Đức sẽ cần phải chấp nhận cấu trúc định giá truyền thống của Qatar giống như với giá dầu. Việc này sẽ khiến quốc gia châu Âu này phải chịu rủi ro tài chính lớn hơn hẳn so với khi mua khí đốt từ Nga.

Trước đó vào tháng 3, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cùng với các giám đốc từ các công ty điện năng RWE và Uniper đã đến thăm Qatar để thảo luận về việc mua thêm khí LNG. Tuy nhiên cho tới nay, cả hai bên vẫn chưa chính thức đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Văn phòng truyền thông của chính phủ Qatar từ chối bình luận về các cuộc đàm phán đang diễn ra, trong khi Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng như đại diện của các tập đoàn RWE và Uniper đều không đưa ra bình luận.

Theo các nguồn tin, giám đốc các công ty năng lượng Đức sẽ trở lại Qatar trong tháng 5 này để nối lại các cuộc đàm phán. Thêm vào đó, Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani cũng đồng thời sẽ thăm Đức vào nửa cuối tháng 5 để ký thỏa thuận đối tác giữa hai nước. Dù vậy, những động thái này không đồng nghĩa với việc các hợp đồng LNG dài hạn sẽ được ký kết, vì quan hệ đối tác chỉ nhằm mục đích mở đường cho việc đẩy mạnh hợp tác giữa hai bên.

Đọc tiếp