Đức khuyên người dân hạn chế tắm nước nóng để tiết kiệm năng lượng

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
11:12 - 17/04/2022
Nếu cắt nguồn cung của Nga lúc này, Đức sẽ cạn kiệt khí đốt ngay trước thềm mùa đông. Ảnh: Pinterest
Nếu cắt nguồn cung của Nga lúc này, Đức sẽ cạn kiệt khí đốt ngay trước thềm mùa đông. Ảnh: Pinterest
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi EU tiếp tục gói trừng phạt mới nhắm vào lĩnh vực ngân hàng và đang cân nhắc trừng phạt ngành năng lượng Nga vốn là vấn đề gây đau đầu trong khối, Đức đã đưa ra các khuyến nghị người dân cần tiết kiệm năng lượng như hạn chế tắm nước nóng.

Khi trả lời tờ Bild am Sonntag, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói rằng EU đang xem xét thêm các biện pháp trừng phạt lĩnh vực ngân hàng Nga, cụ thể là Sberbank trong gói cấm vận mở rộng thứ 6 nhằm vào Moscow. Đồng thời, khối này cũng đang thảo luận thêm các hạn chế trong lĩnh vực năng lượng vốn luôn gây chia rẽ trong nội bộ khối.

Bà Ursula chia sẻ: "Chúng tôi đang tiếp tục xem xét lĩnh vực ngân hàng, cụ thể là Sberbank – ngân hàng chiếm 37% thị phần ngân hàng của Nga. Tất nhiên, lĩnh vực năng lượng cũng sẽ được đưa vào thảo luận". Bà nhấn mạnh khối đang đồng thời phát triển các "cơ chế thông minh" cho phép dầu được đưa vào gói trừng phạt tiếp theo, nhằm đáp trả các hành động quân sự của Nga tại Ukraine.

Trong bối cảnh EU tiếp tục thảo luận các gói trừng phạt tiếp theo bao gồm cả năng lượng của Nga, hãng tin RT cho biết người dân Đức đã được chính quyền khuyến cáo nên cân nhắc kỹ về các biện pháp tiết kiệm năng lượng như hạn chế tắm nước nóng, phòng khi các nhà chức trách chính thức áp đặt các lệnh cấm vận lên khí đốt tự nhiên Nga.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: AP

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: AP

Ông Klaus Mueller, người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình N-TV: “Bạn sẽ phải tự hỏi bản thân một câu hỏi rằng liệu mình có thực sự cần tắm nước nóng 7 ngày một tuần với hệ thống sưởi bằng khí đốt hay không”. Trong một cuộc phỏng vấn khác, ông cũng cảnh báo người dân nên bắt đầu cắt giảm những nhu cầu xa xỉ trong gia đình để tiết kiệm năng lượng và không nên coi chúng như điều đương nhiên nữa.

Tuyên bố của ông cũng tương tự như lời khuyến cáo trước đó của Ủy viên phụ trách cạnh tranh châu Âu Margrethe Vestager. Chính trị gia người Đan Mạch này đã khuyên các cư dân EU “kiểm soát việc tắm rửa của bạn và các con của bạn” trong bối cảnh Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Theo ông Mueller, nếu Đức cắt hoàn toàn nguồn cung từ Nga, trữ lượng khí đốt tại nước này hiện tại sẽ chỉ có thể kéo dài đến cuối mùa hè hoặc chậm nhất là đầu mùa thu. Các cơ sở dự trữ sẽ trở nên trống rỗng và chính phủ Đức hoàn toàn không muốn đối mặt với tình trạng này ngay trước mùa đông.

Vào tháng trước, Đức cũng đã bắt đầu khởi động một kế hoạch khẩn cấp nhằm quản lý nguồn cung khí đốt. Kế hoạch này sẽ ưu tiên phân bổ năng lượng cho các hộ gia đình và cơ sở hạ tầng quan trọng như bệnh viện, nhà sản xuất thuốc và nhà sản xuất thực phẩm.

Đức cũng tăng cường các nỗ lực nhằm giảm bớt việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, tuy nhiên Berlin cho biết việc chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga có thể sẽ phải kéo dài tới hết mùa hè năm 2024. Dầu của Nga hiện chiếm 25% lượng nhập khẩu của Đức, giảm so với mức 35% hồi đầu tháng 2. Nhập khẩu khí đốt cũng đã được cắt giảm xuống 40% so với mức 55% trước đó trong khi nhập khẩu than cứng của Nga đã giảm một nửa xuống còn 25%.

Trong bối cảnh các áp lực ngày càng gia tăng, EU chịu sức ép phải mạnh tay trừng phạt các công ty năng lượng của Nga. Tuần trước, gói trừng phạt mở rộng thứ 5 đã được EU thông qua, trong đó nhắm tới việc nhập khẩu than từ Nga bắt đầu từ tháng 8. Ngay từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2, châu Âu đã liên tục phát ra những lời kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Moscow.

Hai nước Mỹ, Anh cùng các đồng minh cũng đã áp dụng các lệnh cấm vận kinh tế để gây áp lực buộc Nga phải chấm dứt hoạt động quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt cho đến nay vẫn luôn không bao gồm việc cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, do nhiều quốc gia phụ thuộc vào dầu khí nước này để duy trì các hoạt động công nghiệp và đời sống.

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.