Đức lên kế hoạch cung cấp tiền mặt khẩn cấp phòng khi mất điện

TÀI CHÍNH Đức
20:10 - 15/11/2022
Một cây rút tiền tại Hamburg, Đức. Ảnh: Reuters
Một cây rút tiền tại Hamburg, Đức. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng gây ra các mối lo ngại mất điện trên diện rộng, chính quyền Đức được cho là đang thảo luận các biện pháp chuẩn bị cho việc cung cấp tiền mặt khẩn cấp nhằm duy trì nền kinh tế.

Theo Reuters, khả năng tiếp cận tiền mặt vẫn luôn là một mối quan tâm đặc biệt với người Đức. Do coi trọng tính ẩn danh và tính bảo mật, khoảng 60% giao dịch mua hàng ngày tại đây được thanh toán bằng tiền mặt. Một khảo sát của ngân hàng trung ương Đức Bundesbank cho thấy trung bình người Đức rút khoảng 6.600 Euro mỗi năm từ các máy rút tiền – một tỷ lệ cao hơn so với các nước khác trong khu vực đồng tiền chung Euro.

Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt, có tới hơn 40% người Đức lo sợ tình trạng mất điện sẽ xảy ra trong khoảng thời gian 6 tháng tới theo kết quả một cuộc khảo sát do Funke Mediengruppe công bố vào tuần trước.

Ngoài ra, ông Thomas Leitert, giám đốc của KomRe, một công ty tư vấn cho các thành phố về việc lập kế hoạch cho sự cố mất điện và các thảm họa khác, cho biết tiền mặt sẽ là phương thức thanh toán chính thức duy nhất vẫn hoạt động một khi có tình trạng khẩn cấp xảy ra.

Do đó để đề phòng cho những trường hợp khẩn cấp như thế này, văn phòng thiên tai Đức đã đưa ra khuyến nghị người dân nên giữ tiền mặt tại nhà. Nguyên nhân là do thương mại ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, đặc biệt là khi các giao dịch ngày càng được điện tử hóa và hầu hết các máy rút tiền đều không có nguồn điện khẩn cấp.

Trong bối cảnh đó, các nhà chức trách Đức đã bắt đầu thảo luận về viễn cảnh đảm bảo tiền mặt nếu tình trạng mất điện trên diện rộng xảy ra. Theo các nguồn tin của Reuters, các cuộc thảo luận về chủ đề này có sự tham gia của ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý thị trường tài chính BaFin và nhiều hiệp hội ngành tài chính.

Các lo ngại về viễn cảnh mất điện trên diện rộng tại Đức ngày càng lớn khi Nga cắt nguồn cung khí đốt tới nước này và mùa đông sắp tới. Ảnh: Reuters

Các lo ngại về viễn cảnh mất điện trên diện rộng tại Đức ngày càng lớn khi Nga cắt nguồn cung khí đốt tới nước này và mùa đông sắp tới. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên nhận định về khả năng sẵn sàng của chính phủ Đức, ông Thomas cho rằng các cơ quan chức năng vẫn chưa có kế hoạch đầy đủ về cách ứng phó khi mất điện xảy ra. Mặt khác, một nguồn tin có liên quan trực tiếp về vấn đề này cũng nhận định các cơ quan quản lý tài chính của Đức lo lắng rằng các ngân hàng chưa chuẩn bị đầy đủ cho tình trạng mất điện trên diện rộng.

Một điểm yếu của các phương thức cung cấp tiền mặt hiện tại không nằm ở ngân hàng mà nằm ở việc các công ty bảo mật cần vận chuyển tiền từ ngân hàng trung ương đến các máy ATM và các ngân hàng khác.

Theo tổ chức bảo mật BDGW, các công ty vận chuyển bảo mật như Brinks và Loomis, không được bảo vệ đầy đủ bởi pháp luật trong việc sở hữu quyền ưu tiên tiếp cận nhiên liệu và viễn thông trong thời gian khủng hoảng năng lượng xảy ra. Vì vậy trong trường hợp thiếu nhiên liệu, các xe bọc thép chở tiền sẽ buộc phải xếp hàng tại các trạm xăng như những người khác.

Vì vậy, một nguồn tin cho biết một trong các kế hoạch được thảo luận chính là xem xét việc phân phối các nguồn lực trong trường hợp khẩn cấp, ví dụ như ưu tiên nhiên liệu cho những xe vận chuyển tiền mặt. Đặc biệt, các quan chức và ngân hàng cũng đang đẩy mạnh quá trình tích trữ thêm hàng tỷ USD tại Bundesbank để có thể đối phó với sự gia tăng nhu cầu rút tiền cũng như các giới hạn rút tiền phòng trường hợp mất điện.

Ở một diễn biến khác tại Frankfurt, một thành viên hội đồng thành phố thậm chí đã đề xuất yêu cầu các ngân hàng trình bày kế hoạch ứng phó với tình huống xảy ra mất điện trước ngày 17/11. Cụ thể, chính trị gia Markus Fuchs của đảng AfD cánh hữu khẳng định việc không lên kế hoạch cho trường hợp mất điện khẩn cấp là một hành vi vô trách nhiệm.

Tuy nhiên, đề xuất này đã bị bác bỏ và ông Fuchs bị cáo buộc kích động sự hoảng loạn.

Đọc tiếp