Đường ống khí đốt Nord Stream tiếp tục xuất hiện vết rò rỉ thứ 4

Nord Stream CHÂU ÂU
16:08 - 29/09/2022
Một trạm tiếp nhận khí đốt Nord Stream 2 ở Đức. Ảnh: RTE
Một trạm tiếp nhận khí đốt Nord Stream 2 ở Đức. Ảnh: RTE
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát biển Thụy Điển ngày 28/9 thông báo phát hiện vết rò rỉ thứ 4 trên đường ống khí đốt Nord Stream. Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ có “phản ứng mạnh mẽ” đối với bất kỳ sự phá hoại có chủ đích nào nhắm vào hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng các nước.

"2 trong số 4 vết rò rỉ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển. 2 vết rò rỉ khác nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch ", ông Jenny Larsson, người phát ngôn Lực lượng Cảnh sát biển Thụy Điển cho biết, theo Reuters.

Trước đó, quân đội Đan Mạch ngày 27/9 công bố các bức ảnh cho thấy hệ thống đường ống khí đốt Nord Stream bị rò rỉ, làm xuất hiện những đám bọt khí có đường kính khoảng 1km nổi trên mặt biển Baltic. Trong đó, đường ống Nord Stream 1 bị rò rỉ 2 vết, gần thành phố Simrishamn, Thụy Điển và một vết trên đường ống Nord Stream 2 ở phía đông nam Bornholm, Đan Mạch.

Đám bọt khí nổi trên mặt biển do đường ống Nord Stream bị rò rỉ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch
Đám bọt khí nổi trên mặt biển do đường ống Nord Stream bị rò rỉ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch

Vào thời điểm phát hiện sự cố, hai đường ống đều không hoạt động nhưng chứa đầy khí đốt. Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Đan Mạch Kristoffer Bottzauw cảnh báo, tàu thuyền không nên đi vào khu vực này do “mặt biển đang chứa đầy khí metan, đồng nghĩa với việc nguy cơ xảy ra các vụ nổ cao hơn”.

Giới chức Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đều nhận định nguyên nhân khiến hai đường ống bị hư hại là do hành vi phá hoại có chủ đích. Tuy nhiên, họ không nói rõ nghi ngờ bên nào đứng sau. Các nhà địa chấn học Thụy Điển cho biết họ ghi nhận hai vụ nổ dưới lòng biển trước khi Nord Stream 1 bị rò rỉ.

Liên minh châu Âu cũng nghi ngờ có hành vi phá hoại đằng sau vụ rò rỉ khí đốt trên đường ống Nord Stream, đồng thời cam kết sẽ phản ứng mạnh mẽ trước các hành động gây gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng.

Cùng ngày, Nga lên tiếng coi vụ việc này là một "cuộc tấn công khủng bố". Moscow đã yêu cầu một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về sự cố đường ống khí đốt Nord Stream, dự kiến được tổ chức vào chiều 29/9.

Trong khi đó, Na Uy quyết định triển khai quân đội để bảo vệ các cơ sở khai thác dầu và khí đốt của nước này trước nguy cơ đe doạ phá hoại có thể xảy ra.

Đức nghi ngại đường ống Nord Stream sẽ không thể phục hồi nếu không sớm khắc phục. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch

Đức nghi ngại đường ống Nord Stream sẽ không thể phục hồi nếu không sớm khắc phục. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch

Bình luận về những thiệt hại của đường ống Nord Stream, ông Jens Schumann, Giám đốc điều hành của công ty đường ống dẫn khí Gasunie Deutschland, tin rằng những vết rò rỉ có thể được khắc phục. “Chúng ta có lực lượng chuyên nghiệp về xử lý các tai nạn đường ống, có những người cứu hộ đường ống khẩn cấp, cũng như các chuyên gia trên cạn và ngoài khơi”.

Tuy nhiên, tờ Tagesspiegel dẫn lời các quan chức Đức cảnh báo, nếu đường ống dẫn khí đốt Nord Stream không được sửa chữa nhanh chóng, một lượng lớn nước biển có thể tràn vào hệ thống này và ăn mòn chúng, dẫn đến không thể phục hồi.

Các đường ống Nord Stream đang trở thành tâm điểm trong cuộc chiến năng lượng có chiều hướng leo thang giữa châu Âu và Nga. Tuy nhiên, các nền kinh tế lớn của phương Tây đang chịu thiệt hại nặng khi cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Khoảng 1/3 lượng khí đốt của EU vốn được vận chuyển từ Nga tới Đức qua Nord Stream 1. Tuy nhiên, đường ống này dừng hoạt động vô thời hạn từ hôm 2/9 vì lý do lỗi kỹ thuật trong quá trình bảo trì.

Moscow khẳng định các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine mới là lý do cản trở hoạt động và bảo trì thường kỳ của Nord Stream 1. Ngược lại, EU lại cho rằng đây là cái cớ và Nga đang sử dụng khí đốt như một vũ khí kinh tế để trả đũa.

Ngoài ra, dự án đường ống Nord Stream 2 hoàn thành từ cuối năm 2021, với công suất 110 tỷ m3/năm, đã bị Đức hoãn vô thời hạn cấp giấy phép hôm 22/2 – chỉ hai ngày trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.