Đường ống khí đốt từ Nga bị rò rỉ, châu Âu nghi bị ‘phá hoại’

Nord Stream CHÂU ÂU
16:16 - 28/09/2022
EU chưa xác định được nguyên nhân đường ống Nord Stream bị rò rỉ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch
EU chưa xác định được nguyên nhân đường ống Nord Stream bị rò rỉ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch
0:00 / 0:00
0:00
Liên minh châu Âu (EU) đang điều tra nguyên nhân khiến các đường ống khí đốt Nord Stream 1 và 2 từ Nga sang Đức bị rò rỉ trên vùng biển Baltic. Theo giới chuyên gia và một số chính phủ châu Âu, 2 đường ống trên đã bị "phá hoại có chủ đích". 

Reuters đưa tin, quân đội Đan Mạch hôm 27/9 công bố các bức ảnh cho thấy khu vực có những đám bọt khí đường kính hơn 1 km nổi lên mặt biển từ các vị trí rò rỉ của đường ống Nord Stream trên mặt biển Baltic. Trong đó, đường ống Nord Stream 1 bị rò rỉ 2 vết ở phía đông bắc đảo Bornholm của nước này, trong khi Nord Stream 2 bị hư hại 1 vết ở Dueodde, phía nam hòn đảo.

Đám bọt khí nổi trên biển Baltic do sự cố rò rỉ đường ống Nord Stream 1 và 2. Video: Bộ Quốc phòng Đan Mạch

Trước đó, hôm 26/7, các nhà địa chấn học của Đan Mạch và Thụy Điển cho biết họ đã ghi nhận 2 vụ nổ mạnh gần các chỗ đường ống rò rỉ. Cơ quan Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS) nhận định: "Các tín hiệu không giống với các tín hiệu từ động đất. Chúng giống với các tín hiệu thường được ghi lại từ các vụ nổ".

Còn các nhà địa chấn học tại Đại học Uppsala của Thụy Điển, hợp tác với GEUS, cho biết vụ nổ thứ 2, có sức công phá "tương ứng với hơn 100kg thuốc nổ" và nhấn mạnh rằng đó là các vụ nổ ở dưới nước chứ không phải dưới đáy biển.

Hiện EU vẫn chưa xác định rõ bên đứng sau các hoạt động phá hoại diễn ra trên các đường ống Nord Stream mà Nga và các đối tác châu Âu đã chi hàng tỷ USD để xây dựng.

Đường ống khí đốt từ Nga bị rò rỉ, châu Âu nghi bị ‘phá hoại’ ảnh 1

Vị trí rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 và 2.

Phát biểu tại lễ khai trương đường ống mới giữa Na Uy và Ba Lan, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 27/9 tuyên bố: “Chúng tôi thấy rằng, đó là các hành động phá hoại có liên quan đến tình hình leo thang xung đột giữa Nga và Ukraine”, đồng thời nhận định đây chính là nguyên nhân dẫn tới vụ rò rỉ đường ống Nord Stream. Tuy nhiên ông không nêu ra bằng chứng cho các bình luận trên.

Cùng ngày, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson nói trong một cuộc họp báo rằng, vụ rò rỉ đường ống Nord Stream 1 và 2 trên biển Baltic có liên quan đến 2 vụ nổ trên. Bà cho biết, Thụy Điển sẽ tiếp tục liên hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước láng giềng như Đan Mạch và Đức để tiếp tục điều tra vụ việc trên.

Đường ống khí đốt từ Nga bị rò rỉ, châu Âu nghi bị ‘phá hoại’ ảnh 2

Đám bọt khí trên mặt biển có đường kính khoảng 1km. Bộ Quốc phòng Đan Mạch

Còn Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck bình luận rằng, Berlin chắc chắn các vụ rò rỉ tại các đường ống “không phải là sự cố ngẫu nhiên, do tác động tự nhiên hay do sự cũ kỹ của chất liệu đường ống” mà nó là do các cuộc tấn công có chủ đích vào cơ sở hạ tầng gây ra.

Hiện tại, các vết rò rỉ trên đường ống Nord Stream 2 là rất lớn và có thể mất một tuần để khí đốt ngừng thoát ra, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Đan Mạch Kristoffer Bottzauw, cho biết. Ông cảnh báo, tàu thuyền không nên đi vào khu vực này do “mặt biển đang chứa đầy khí metan, đồng nghĩa với việc nguy cơ xảy ra các vụ nổ cao hơn”.

Người phát ngôn Cơ quan Hàng hải Thụy Điển (SMA) cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi thêm để đảm bảo không có con tàu nào đến quá gần địa điểm rò rỉ”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Mỹ vẫn chưa xác nhận các báo cáo về việc các vụ rò rỉ có liên quan đến các cuộc tấn công hay phá hoại. Tuy nhiên, quan chức này nhận định rằng sẽ không bên nào được lợi nếu mục đích của vụ việc này là phá hoại.

Trước đó, RT dẫn lời người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 26/9 cho biết, hành động phá hoại là nguyên nhân chính dẫn tới vụ rò rỉ. Ông khẳng định, Moscow sẽ tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ việc.

Đường ống khí đốt từ Nga bị rò rỉ, châu Âu nghi bị ‘phá hoại’ ảnh 3

Đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters

Các đường ống Nord Stream đang trở thành tâm điểm trong cuộc chiến năng lượng có chiều hướng leo thang giữa châu Âu và Nga. Tuy nhiên, các nền kinh tế lớn của phương Tây đang chịu thiệt hại nặng khi cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Nguồn cung dần suy giảm, trong khi giá khí đốt tiếp tục tăng vọt khiến các nước này phải chạy đua để tìm kiếm các nguồn nhập khẩu mới.

Khoảng 1/3 lượng khí đốt của EU vốn được vận chuyển từ Nga tới Đức qua Nord Stream 1. Tuy nhiên, đường ống này dừng hoạt động vô thời hạn từ hôm 2/9 vì lý do lỗi kỹ thuật trong quá trình bảo trì.

Moscow khẳng định các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine mới là lý do cản trở hoạt động và bảo trì thường kỳ của Nord Stream 1. Ngược lại, EU lại cho rằng đây là cái cớ và Nga đang sử dụng khí đốt như một vũ khí kinh tế để trả đũa.

Ngoài ra, dự án đường ống Nord Stream 2 hoàn thành từ cuối năm 2021, với công suất 110 tỷ m3/năm, đã bị Đức hoãn vô thời hạn cấp giấy phép hôm 22/2 – chỉ hai ngày trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.