Đường ống Nord Stream 2 gặp sự cố đột xuất

KHÍ ĐỐT CHÂU ÂU
11:54 - 27/09/2022
Các chuyên gia cho rằng việc đường ống Nord Stream 2 gặp sự cố sẽ không ảnh hưởng tới giá khí đốt tại châu Âu. Ảnh: EPA
Các chuyên gia cho rằng việc đường ống Nord Stream 2 gặp sự cố sẽ không ảnh hưởng tới giá khí đốt tại châu Âu. Ảnh: EPA
0:00 / 0:00
0:00
Sự cố khiến đường ống dẫn khí Nord Stream 2 bị sụt giảm áp suất đột ngột với nguyên nhân được cho là do rò rỉ hôm 26/9, chính phủ Đức đã phải vào cuộc để xác minh tình hình.

Theo Guardian dẫn thông tin từ nhà điều hành Nord Stream 2, áp suất trong đường ống dẫn khí dưới biển Baltic đã giảm mạnh từ ngưỡng 105 bar xuống chỉ còn 7 bar. Trong một thông báo chính thức, Bộ Kinh tế Đức cho biết chính phủ nước này đang liên hệ với các cơ quan chức năng liên quan để làm rõ sự việc.

Về phần nguyên nhân, cơ quan này cho biết vẫn chưa thể xác định chính xác dù có nhiều chuyên gia cho rằng sự cố xảy ra là do rò rỉ.

Khi được liên hệ đưa ra bình luận, tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom của Nga lại chuyển toàn bộ câu hỏi về cho nhà điều hành Nord Stream 2. Về phía mình, nhà điều hành này cho biết đã thông báo sự cố cho tất cả các cơ quan chức năng có liên quan. Tuy nhiên, việc rò rỉ không được cho là nguyên nhân chính do nếu nó xảy ra tại Lubmin, miền bắc nước Đức, mọi người sẽ ngay lập tức phát hiện ra nó.

Mặt khác, ông Tom Marzec-Manser, người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt của Independent Commodity Intelligence Services, khẳng định sự cố sẽ không ảnh hưởng tới giá khí đốt châu Âu do "không có ai cho rằng đường ống này có thể đi vào hoạt động".

Đường ống Nord Stream 2 chính là một trong những tiêu điểm trong cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. Đường ống chạy từ khu vực Vyborg, Nga, thông qua biển Baltic tới Đức này vừa được hoàn thành cách đây không lâu cho tới khi Nga khởi động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Động thái này đã khiến toàn bộ dự án bị Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngay lập tức hủy bỏ.

Cũng do chiến sự, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng chóng mặt do lo ngại nguồn cung tới từ việc Nga cắt toàn bộ lượng khí đốt xuất khẩu qua đường ống Nord Stream 1. Theo Điện Kremlin, các lệnh cấm vận của phương Tây chính là nguyên nhân khiến Nga không thể thực hiện công tác bảo trì và vận hành như bình thường.

Trong khi đó, EU lại cáo buộc Nga sử dụng khí đốt như một loại vũ khí để đe dọa khu vực này cũng như để trả đũa các lệnh cấm vận.

Việc xây dựng đường ống Nord Stream 2 đã hoàn thành vào năm 2021 nhưng không được đưa vào hoạt động. Ảnh: Getty Images

Việc xây dựng đường ống Nord Stream 2 đã hoàn thành vào năm 2021 nhưng không được đưa vào hoạt động. Ảnh: Getty Images

Bất chấp việc Nga vẫn luôn khẳng định sẵn sàng cung cấp khí đốt qua Nord Stream 2 bất cứ lúc nào, Đức và nhiều quốc gia EU đã phản đối lại ý tưởng này như một phương án giải quyết khủng hoảng năng lượng.

Tuy nhiên trong những tuần gần đây khi châu Âu đạt được một số tiến triển trong việc lấp đầy các kho lưu trữ cho mùa đông, giá khí đốt đã bắt đầu giảm. Các nhà phân tích cho biết giá giảm trở lại là do một loạt các yếu tố bao gồm tiến độ lấp đầy các cơ sở lưu trữ. Ngoài ra, một nguyên nhân khác tới từ sản lượng điện gió tăng và các dấu hiệu cho thấy việc bảo trì định kỳ hàng năm trên các mỏ khí đốt của Na Uy đã đi vào kế hoạch.

Dù vậy, tầm nhìn cho tương lai không được đánh giá cao do các mối quan ngại về nguồn cung trong năm 2023 chưa được giải quyết. Việc thiếu nguồn cung từ Nga có thể dẫn tới các cơ sở lưu trữ có khả năng cao bị trống, từ đó làm thị trường biến động hơn nữa.

Sản lượng điện bị đe dọa tại nhiều quốc gia châu Âu càng khiến tình hình trở nên u ám hơn, đặc biệt khi mực nước thấp ở miền nam Na Uy đã làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng thủy điện. Trong khi đó, các nhà máy điện hạt nhân của Pháp phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm cả nhiệt độ nước sông tăng cao.

Trong bối cảnh khủng hoảng chi phí và khủng hoảng năng lượng, nhiều chính phủ châu Âu gồm chính phủ Anh đã buộc phải đề ra các kế hoạch hỗ trợ và trợ cấp hóa đơn năng lượng cho người dân.

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.