Đứt mạch phục hồi, VN-Index giảm hơn 10 điểm

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
16:14 - 17/10/2022
Đứt mạch phục hồi, VN-Index giảm hơn 10 điểm
0:00 / 0:00
0:00
Động thái tăng tỷ giá trung tâm và nới biên độ lên 5% của NHNN đã khiến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường thận trọng đáng kể. Thanh khoản giảm mạnh và VN-Index bốc hơi hơn 10 điểm trong phiên giao dịch hôm nay.

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần ngày 17/10, thị trường sụt giảm mạnh trước động thái Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức 3% lên 5%. Thanh khoản sụt giảm cực mạnh và VN-Index bốc hơi hơn 24 điểm, lùi về mức 1,037.58 điểm. Toàn thị trường nghiêng về bên bán với 506 mã giảm và 194 mã tăng. Rổ VN30 cũng tương tự khi sắc đỏ áp đảo hoàn toàn với 30 mã giảm.

Sau giờ nghỉ trưa, các chỉ số tiếp tục nới rộng đà giảm khi có lúc giảm gần 30 điểm về gần 1.030 điểm. Tuy nhiên, về cuối phiên, VN-Index đã rút chân để thu hẹp đà giảm, song dòng tiền yếu, số mã đỏ vẫn chiếm đa số. Thanh khoản vẫn ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.

Đóng cửa, VN-Index giảm 10,27 điểm (0,97%) còn 1.051,58 điểm, HNX-Index giảm 1,43 điểm (0,63%) về 226,46 điểm, UPCoM-Index giảm 0,15 điểm (0,19%) xuống 80,01 điểm.

Thị trường hôm nay có sự phân hóa cực mạnh ở hầu hết các nhóm ngành. Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi STB tăng 2,83%, SHB tăng 4,55%, LPB tăng 1,85% thì VCB giảm 2,64%, TCB giảm 2,33%, MBB giảm 1,69%, VPB giảm 1,24%, HDB giảm 2,94%.

Tương tự, tình trạng này cũng xảy ra ở nhóm sản xuất khi VNM tăng 0,14%, GVR tăng 0,91%, DGC tăng 4,14%, DPM tăng 3,16%, DCM tăng 2,79% nhưng SAB giảm 1,75%, HPG giảm 1,03%, BHN giảm 3,4%, SBT giảm 2,15%.

Cổ phiếu năng lượng, hàng không và bán lẻ cũng biến động không cùng xu hướng khi GAS tăng 1,55%, POW tăng 3,24% còn PGV lại giảm 3,56%, PLX giảm 2,37%; VJC đứng giá tham chiếu trong khi HVN giảm 1,72%; MWG giảm 1,67%, PNJ giảm 0,1% nhưng FRT lại có thêm 2,31% giá trị.

Cổ phiếu bất động sản cũng không ngoại lệ. Trong khi NVL giảm 1,32%, BCM giảm 1,18%, VRE giảm 1,19%, DIG giảm 4,11% thì PDR lại tăng 1,33%, HDG tăng 1,55%, VCG tăng kịch trần.

Đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay là bộ đôi cổ phiếu nhà Tỷ phú Phạm Nhật Vượng VIC (Cổ phiếu Tập đoàn Vingroup) - VHM (Cổ phiếu CTCP Vinhomes) giao dịch tiêu cực.

VIC giảm tới 6,2% lùi về mức giá 56.000 đồng/cp. Như vậy, so với vùng đỉnh 110.000 đồng/cp trong tháng 8/2018, cổ phiếu này đã đánh mất gần nửa thị giá.

Tương tự, VHM giảm 4,62% về mức 49.500 đồng/cp - vùng giá thấp nhất kể từ T5/2020, nếu so với mức đỉnh 90.000 đồng/cổ phiếu ghi nhận giữa tháng 8/2021, cổ phiếu này cũng đã giảm tới 45%.

Hiện tượng này được cho là có liên quan thông tin Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức tăng tỷ giá trung tâm và nới biên độ tỷ giá giao ngay từ 3% lên 5% khi Vingroup là một trong những doanh nghiệp niêm yết vay USD nhiều nhất.

Tính đến cuối quý 2/2022, tổng dư nợ vay (bao gồm vay ngân hàng, vay các tổ chức tín dụng, trái phiếu) của Vingroup ghi nhận 166.588 tỷ đồng; trong đó khoảng 39,4% là vay bằng USD.

Trong cơ cấu các khoản vay bằng USD của Vingroup, một số khoản vay ngắn hạn có lãi suất cố định ở 4%/năm; đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo và không có hợp đồng hoán đổi thì mức lãi suất thả nổi từ 0,91-5,53%/năm. Ngoài ra, một số khoản vay USD có hoán đổi có lãi suất cố định theo hợp đồng là 4,1 - 9,15%/năm.

Với mức tỷ giá tăng như hiện nay, khoản lỗ tỷ giá của Vingroup có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng trong quý 3/2022 và đây sẽ là khoản chi phí đáng kể đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đọc tiếp