EU khẳng định đã thay thế được nguồn cung khí đốt của Nga

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
20:47 - 24/11/2022
Một cơ sở lưu trữ khí hóa lỏng của tập đoàn Cheniere, Mỹ, Ảnh: Houston Chronical
Một cơ sở lưu trữ khí hóa lỏng của tập đoàn Cheniere, Mỹ, Ảnh: Houston Chronical
0:00 / 0:00
0:00
Theo Cao ủy Năng lượng Kadri Simson phát biểu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu ngày 23/11, Liên minh châu Âu đã thành công trong việc thay thế hoàn toàn khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng nguồn cung từ các nhà cung cấp đáng tin cậy hơn.

Sau phiên họp với Nghị viện châu Âu ngày 23/11, ông Simson đăng lên tài khoản Twitter chính thức của mình rằng việc đa dạng hóa, giảm nhu cầu, xây dựng chính sách lưu trữ chung và các động thái nhằm đảm bảo nguồn năng lượng cho EU “đang tạo ra sự khác biệt”.

Cụ thể theo hãng tin RIA Novosti trích dẫn nhận định của một số chuyên gia, nguồn cung thay thế cho đường ống dẫn khí đốt của Nga xuất phát từ việc EU đang tăng cường mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ - đồng minh quan trọng nhất của khối.

Sự thành công của phương hướng này thể hiện ở việc trong 8 tháng đầu năm 2022, dữ liệu từ Ủy ban châu Âu cho thấy tổng khối lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga của khối, trong đó bao gồm cả LNG, đã giảm 39 tỷ mét khối.

Trong năm 2021, Nga chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU, tương đương với 155 tỷ mét khối theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Tới năm 2022, con số này dự kiến sẽ giảm xuống hơn 33% và chỉ rơi vào khoảng 60 tỷ mét khối.

Để phần nào bù đắp cho khối lượng khí đốt này, nguồn cung LNG từ Mỹ lại tăng mạnh lên gần 80% hàng năm. Tuy nhiên bất chấp các tín hiệu tích cực ban đầu, các nhà phân tích từ công ty nghiên cứu Kpler đưa cảnh báo việc thay thế nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga bằng LNG sẽ dẫn đến chi phí gia tăng đáng kể cho EU.

Nguyên nhân là do không giống như lượng khí đốt được bơm qua đường ống thường được cung cấp theo các hợp đồng dài hạn, LNG thường được mua trên thị trường giao ngay và chi phí của nó có xu hướng cao hơn nhiều lần.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng phản đối việc Mỹ bán khí đốt với giá “cắt cổ” cho châu Âu. Cụ thể trong một cuộc họp với các tập đoàn công nghiệp, ông tuyên bố Mỹ là nhà sản xuất khí đốt giá rẻ nhưng lại bán cho châu Âu với giá cao và ông không cho rằng đây là một hành động thân thiện.

Mặt khác, việc EU gia tăng mua hàng cũng gây khó khăn cho các nước đang phát triển trong việc mua LNG do họ hiện bị buộc phải cạnh tranh về giá với các quốc gia giàu có hơn.

Trong khi thị trường khí đốt vẫn đang còn nhiều yếu tố chưa chắc chắn, các cuộc thảo luận về lệnh áp trần giá dầu Nga ngày 5/12 của EU tiếp tục bị hoãn. Theo Reuters đưa tin ngày 23/11, đại diện của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã họp nhóm tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về đề xuất của G7 nhằm áp mức giá trần đối với dầu Nga trong khoảng từ 65-70 USD/thùng. Tuy nhiên, con số này gây ra tranh cãi khi nó dường như quá thấp đối với một số nước, nhưng lại quá cao đối với một số nước khác.

Đọc tiếp