EU tiến gần hơn tới lệnh trừng phạt dầu Nga

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
07:41 - 09/05/2022
Đường ống Druzhba. Ảnh: SIBERIA.TRANSNEFT.RU
Đường ống Druzhba. Ảnh: SIBERIA.TRANSNEFT.RU
0:00 / 0:00
0:00
Qua cuộc họp hôm 8/5, chính phủ các quốc gia Liên minh châu Âu đã tiến gần hơn tới một lệnh trừng phạt cứng rắn nhằm cấm nhập khẩu dầu Nga, tuy nhiên các quốc gia phụ thuộc nhiều vẫn cần đàm phán nhiều hơn để đảm bảo các phương án thay thế.

Hãng tin Reuters cho biết kể từ khi Ủy ban châu Âu chính thức thông qua lệnh cấm vận đặc biệt lên dầu mỏ của Nga hôm 4/5, các đại sứ từ 27 quốc gia EU đã tổ chức họp hàng ngày. Mục tiêu của các cuộc họp là nhằm thảo luận về các chi tiết của gói trừng phạt mở rộng thứ 6 lên Điện Kremlin và nền kinh tế nước Nga.

Theo EU và EC, hiện các chính phủ trong khối đã thống nhất được việc thông qua gói trừng phạt thứ 6 là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là làm thế nào để khối có thể đảm bảo nguồn cung cấp dầu cho Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc. Nguyên nhân là do các nước này đều không giáp biển và do đó cần phụ thuộc nhiều vào dầu thô của Nga được cung cấp qua các đường ống từ thời Liên Xô như Druzhba.

Nhằm đạt được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên, Ủy ban châu Âu đã đề xuất thêm thời gian cho các nước để chuyển đổi nguồn cung năng lượng của mình. Một số nguồn tin cho biết, kế hoạch ban đầu yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên của khối phải ngừng mua dầu Nga cũng như các sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga vào cuối năm nay, tức sau 6 tháng nữa.

Tuy nhiên, các đề xuất này sẽ được điều chỉnh gia hạn thời gian cho Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc tới năm 2024. Các nước này cũng sẽ nhận được giúp đỡ để nâng cấp các nhà máy lọc dầu của mình để có thể xử lý dầu từ các nguồn khác.

Thêm vào đó, các công ty vận chuyển dầu Nga sẽ có 3 tháng chuyển đổi thay vì 1 tháng như kế hoạch ban đầu. Sự thay đổi này xảy ra là nhằm giải quyết những lo ngại của Hy Lạp, Malta và Cyprus đối với các công ty vận chuyển của mình.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt hôm 24/2, Liên minh châu Âu EU cùng các đồng minh thân thiết là Mỹ đã thực hiện nhiều biện pháp cấm vận mở rộng lên nền kinh tế Nga cũng như các cá nhân của nước này. Tính tới 4/5, khối kinh tế này đã thực hiện 6 gói trừng phạt, trong đó các lệnh trừng phạt mới nhất còn nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ và than đá của Nga.

Phương Tây và đặc biệt là EU coi việc trừng phạt kinh tế là một trong những phương pháp khiến Nga phải chịu thiệt hại, tuy nhiên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc lại có quan điểm ngược lại. Theo Bắc Kinh, các lệnh cấm vận chỉ làm leo thang căng thẳng và ảnh hưởng chung tới nền kinh tế toàn cầu chứ không giúp bất kỳ quốc gia nào đạt được mục đích. Do đó khi EU chính thức loại bỏ quan hệ với Nga, Trung Quốc cùng một số quốc gia châu Á và châu Phi khác tuyên bố tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với nước này và thay vào đó thúc đẩy đàm phán hòa bình.

Đọc tiếp