EVNNPC tập trung đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc trong mùa nóng 2022

EVNNPC Miền Bắc
20:53 - 28/05/2022
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù miền Bắc đang chứng kiến thời tiết mưa nhiều, nền nhiệt độ thấp nhưng với thực tế mùa nắng nóng đang bước dần vào cao điểm, cộng thêm mùa mưa bão cận kề, vấn đề đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn đang được ngành điện tập trung chuẩn bị. 

Nhu cầu điện tăng mạnh trong những năm gần đây

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng năm nay đến muộn hơn mọi năm. Dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6, ở miền Bắc, nhất là khu vực Đông Bắc Bộ mới xuất hiện đợt nắng nóng đầu tiên.

Mặc dù chưa xuất hiện đợt nắng nóng cao điểm nhưng các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong đó có EVNNPC đã xây dựng và triển khai các phương án cấp điện cho mùa hè năm 2022, đáp ứng mọi nhu cầu phụ tải, trong bối cảnh nguồn điện ở miền Bắc có thể gặp khó khăn.

Chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến "Đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc mùa hè năm 2022" vào sáng 28/5 do Báo Đầu tư tổ chức, ông Lê Văn Trang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, các năm từ 2019 trở về trước, do chưa bị ảnh bởi dịch bệnh Covid-19, Tổng công ty vẫn đảm bảo cung ứng điện liên tục và kịp thời phục vụ phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của nhân dân.

Ông Lê Văn Trang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc EVNNPC.

Ông Lê Văn Trang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc EVNNPC.

Cũng trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của miền Bắc luôn đạt cao nhất trong các đơn vị của EVNNPC. Cụ thể, năm 2017 tăng trưởng 12,11%; năm 2018 tăng trưởng 12,09% và năm 2019 tăng trưởng 9,11%. Trong năm 2020-2021 dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng EVNNPC vẫn giữ được mức tăng trưởng điện thương phẩm tương đối tốt với 6,76% trong năm 2020 và 9,31% trong năm 2021.

Với thực tế năm 2022, dịch bệnh dần được khống chế, tăng trưởng điện thương phẩm của EVNNPC được dự kiến là khoảng 9%.

Với tình hình này, công suất đỉnh (Pmax) vào mùa hè ở miền Bắc (không kể Hà Nội) có thể đạt 16.950 MW, tức là tăng khoảng 15% so với năm 2021. Nhu cầu điện tăng cao nhưng các nguồn điện mới tại miền Bắc đưa vào hệ thống chưa được nhiều. Do đó, dự báo trong những ngày nắng nóng cực đoan, có thể tại một số thời điểm, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt công suất đỉnh.

Đây là vấn đề đã được EVN cũng như EVNNPC dự báo trước và đang nỗ lực triển khai nhiều phương án, đảm vận hành lưới điện an toàn, ổn định để đảm bảo cung ứng điện cho mùa hè năm 2022.

Cụ thể, ngay từ cuối năm 2021, EVNNPC đã đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện 110kV, tập trung đầu tư cho các dự án chống quá tải; Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý triệt để các tồn tại trên hệ thống điện; Xây dựng các kịch bản, phương án kỹ thuật vận hành đảm bảo an toàn, giữ dòng điện thông suốt. Đồng thời đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện và thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải.

Về phía EVN cũng đang đẩy nhanh kết nối, tăng năng lực truyền tải để mua thêm 130 MW từ Lào, khoảng 500 MW điện từ Trung Quốc nếu cần; tăng nguồn nhiên liệu dự phòng các cho nhà máy điện than, dầu... Đồng thời, các công ty điện lực cũng làm việc với 18.000 doanh nghiệp, khách hàng lớn hiện đang có máy phát điện diesel, công suất khoảng 7.000 MW, để huy động trong trường hợp cần thiết, đảm bảo nguồn điện tại chỗ.

Dẫu vậy thì việc chậm đầu tư các nguồn mới và lớn ở miền Bắc như thời gian qua trong khi số lượng các nhà đầu tư đến khu vực này để tìm cơ hội sản xuất, kinh doanh vẫn tăng mạnh, đồng nghĩa với nhu cầu điện cũng tăng cao, tiếp tục tạo ra những áp lực lớn cho việc cấp điện về lâu dài.

Tiết kiệm điện vẫn là giải pháp hàng đầu

Tại Hội thảo, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh nhận định, miền Bắc chuẩn bị bước vào những tháng hè nóng bức cực đoan, kèm theo hiện tượng nồm ẩm khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao cho các thiết bị như điều hòa, máy hút ẩm không khí.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh.

"Vì vậy, để tránh gặp khó trong công tác đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là trước giai đoạn sắp tới khi các khối công nghiệp và thương mại tăng cường hoạt động cũng như tăng cường nhu cầu sử dụng điện, thì chúng ta cần đưa ra định hướng sử dụng điện một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất", ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, dù công suất nguồn điện năng lượng tái tạo của Việt Nam đang đứng đầu ASEAN với 17.000 MW điện mặt trời và gần 4.000 MW điện gió, nhưng việc không có các hệ thống lưu trữ tương ứng đang khiến cho quá trình khai thác nguồn năng lượng này phụ thuộc lớn vào thời tiết.

Thực tế phát điện trong hơn 1 năm qua trên hệ thống cho thấy, tại Việt Nam, thời điểm phát tốt nhất của điện gió đang rơi vào các tháng 11, 12 và tháng 1,2. Còn những tháng phát thấp nhất lại là các tháng nóng (từ tháng 4 đến tháng 6).

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), không nhiều thời điểm điện gió phát cao hơn mức 2.000 MW, tức là đạt 50% tổng công suất điện gió đang hiện diện trong hệ thống điện. Thậm chí ngày 19/3/2022, hệ thống dù có công suất đặt tới 3.980 MW điện gió nhưng chỉ vỏn vẹn 15 MW phát được điện.

Tình trạng với điện mặt trời cũng vậy khi công suất cả nước chỉ đạt 17.000MW, trong đó miền Bắc chỉ đạt 600MW và chỉ huy động được ban ngày với thời gian chủ yếu từ 8h sáng đến 15-16h.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan gia tăng, Phó tổng giám đốc EVN cho biết tình hình thủy văn của năm 2020 và 2021 rất kém so với các năm trước. "Đến cuối năm 2021, các nhà máy thủy điện của EVN và các đối tác bên ngoài đều có mực nước thấp hơn mức trung bình nhiều năm", ông Lâm thông tin.

Về vấn đề nhiệt điện than, cả nước hiện nay đạt công suất ở mức 14.000 MW. Tuy nhiên, ngành nhiệt điện than ở nước ta hiện nay đang đối mặt với tình hình sau dịch bệnh Covid-19, một số nguồn cung cấp than gặp khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới hiện nay đang rất căng thẳng khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. "Giai đoạn cuối tháng 3 đầu tháng 4 đã xảy ra tình trạng nguồn than không đủ cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện than", ông Lâm cho biết.

Thách thức "nguồn nhiều mà vẫn lo thiếu điện" khiến câu chuyện sử dụng điện tiết kiệm và điều chỉnh phụ tải hợp lý vẫn được đề cao, thậm chí trở thành những giải pháp chính với miền Bắc trong quá trình cấp điện.

Ông Trần Tuệ Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho biết, từ cuối năm 2021, Bộ Công thương đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2022, trong kế hoạch này, sản lượng điện toàn quốc khoảng 275 tỷ Kwh, tương ứng tốc độ tăng trưởng phụ tải 6-6,5%.

Ông Trần Tuệ Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương.

Ông Trần Tuệ Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương.

Theo dự kiến, việc cung ứng điện năm 2022 của toàn hệ thống điện về cơ bản được đảm bảo và không phải cắt giảm điện nếu như không có các sự cố bất thường.

Thực tế 5 tháng qua của toàn hệ thống điện, việc cung cấp điện đã được đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt cũng như phát triển kinh tế, nhất là dịp lễ tết. Sản lượng điện 5 tháng đạt gần 100% so với kế hoạch, ước tính sản lượng điện toàn hệ thống năm 2022 cũng đạt 274,5 tỷ Kwh, tương đương kế hoạch đã đề ra.

Dự báo nhu cầu điện trong các tháng tới, do thời tiết nắng nóng, dù theo dự báo là không gay gắt và không kéo dài, nhưng ông Quang lưu ý, vẫn cần cảnh báo những tình huống có thể xảy ra, nhất là trong những ngày có nền nhiệt độ cao, thì cần các biện pháp tiết kiệm điện. Bởi đây là một trong những giải pháp hết sức quan trọng nhằm hoá giải cơn khát điện cho miền Bắc trong thời kỳ cao điểm nắng nóng.

Tin liên quan

Đọc tiếp