Fed 'hạ gục' chứng khoán châu Á, VN-Index vẫn ngược dòng giữ được sắc xanh

CHỨNG KHOÁN CHÂU Á
16:27 - 22/09/2022
Fed 'hạ gục' chứng khoán châu Á, VN-Index vẫn ngược dòng giữ được sắc xanh
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán Việt Nam có cú xoay chiều ngoạn mục của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đưa VN-Index thoát khỏi cú sập dưới mốc 1.200 điểm. Đây là diễn biến trái ngược với chuyển động "đỏ lửa" của các chỉ số thị trường chứng khoán châu Á phiên hôm nay.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 21/9 nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp, đưa lãi suất quỹ liên bang lên đến phạm vi 3% - 3,25%, cao nhất kể từ đầu năm 2008 nhằm kiềm chế đà lạm phát kỷ lục. Mức tăng này nằm trong tầm dự đoán của thị trường, nhưng thông điệp kiên quyết tăng lãi suất "đến khi công việc hoàn thành" của Fed vẫn khiến các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt "đỏ lửa", khi đồng loạt giảm điểm phiên 22/9.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đã giảm 0,58% xuống 27.153,83 điểm, trong khi chỉ số Topix giảm 0,78% xuống 1.905,86 điểm. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đã giảm 1,4% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã giảm 1,68% xuống 18.134,63 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2011. Trong khi đó, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc cũng giảm 0,63%, xuống 2332,31 điểm.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số giảm điểm ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 22/9 trước áp lực bán mạnh ở nhiều nhóm ngành. Mặc dù có lúc hồi phục nhẹ, song càng về cuối phiên đà giảm của thị trường bị nới rộng trở lại khi áp lực bán vẫn cao. Chốt phiên sáng, VN-Index chính thức "thủng" mốc 1.200 điểm.

Cụ thể, VN-Index giảm 12,02 điểm (-0,99%) xuống 1.198,53 điểm. Toàn sàn có 84 mã tăng, 348 mã giảm và 63 mã đứng giá.

Tuy nhiên, thị trường đã có cú xoay chiều ngoạn mục vào phiên chiều của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đưa VN-Index thoát khỏi cú sập dưới mốc 1.200 điểm.

Đóng cửa, VN-Index tăng 4,15 điểm (0,34%) lên 1.214,7 điểm, HNX-Index tăng 0,09 điểm (0,03%) lên 265,18 điểm, UPCoM-Index tăng 0,32 điểm (0,36%) đạt 88,55 điểm.

Về thanh khoản, dòng tiền bắt đáy chủ động gia nhập cuối phiên chiều giúp giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE đạt 10.187 tỷ đồng - tăng 35% so với phiên liền trước. Tính chung toàn thị trường thanh khoản đạt 13.534 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng phân hóa với vị thế nghiêng về sắc xanh. BID tăng 1,15%, VIB tăng 2,27%, EIB tăng 1,59% trong khi TCB, MBB, ACB, STB, SHB, TPB, LPB tăng nhẹ chưa tới 1%. Ở chiều ngược lại, VCB giảm 1,14%, các cổ phiếu như VPB, CTG, SSB, MSB, OCB giảm nhẹ dưới 1%.

Cổ phiếu chứng khoán đi lên khá mạnh mẽ với SSI tăng 2,68%, VND tăng 2,7%, VCI tăng 3,69%, HCM tăng 5,22%, VIX tăng 2,24%, FTS tăng 2,76%, BSI tăng kịch trần.

Cổ phiếu bán lẻ giao dịch tích cực khi MWG tăng 0,14%, PNJ tăng 0,09% và FRT tăng 2,24%.

Ở nhóm bất động sản, sắc xanh bao trùm các cổ phiếu, trong đó nổi bật hơn cả là KBC với mức tăng 2,06%, DXG tăng 3,61%, VPI tăng 1,5%, VCG tăng 3,82%, HPX tăng 1,36%, ITA tăng 1,79%, IJC tăng 2,16%, TCH tăng 3,72%, CII tăng 2,79%. Ở chiều ngược lại, VHM lại giảm 1,03%.

Tương tự, phân hóa cũng xảy ra ở nhóm năng lượng và hàng không: GAS tăng 1,83%, POW tăng 1,49%, VSH tăng 4,84%, NT2 tăng kịch trần nhưng PGV lại giảm 2,33%, PLX giảm 0,92%; VJC đứng giá tham chiếu còn HVN có thêm 1,02% giá trị.

Fed tăng lãi suất, ngành nào bị ảnh hưởng?

Về dài hạn, nhận định trong Chương trình Bí mật đồng tiền mới đây, ông Nguyễn Minh Tuấn, chuyên viên phân tích của công ty Đầu tư Quốc tế Hữu Nghị nhận định, sẽ có nhiều nhóm ngành hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng bởi câu chuyện Fed tăng lãi suất, đặc biệt là những nhóm ngành có nguyên vật liệu phải nhập khẩu.

Thị trường hàng hóa thường có độ nhạy lớn với lãi suất vì liên quan đến chi phí vốn, chi phí hàng tồn kho và chi phí quản trị rủi ro. Một số nhóm ngành hàng Việt Nam đang nhập khẩu nguyên liệu đầu vào lớn như thức ăn chăn nuôi, năng lượng nên khi tỷ giá biến động có thể ảnh hưởng đến giá vốn nhập vào. Từ đó có thể tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong những nhóm ngành trên.

Còn theo ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng của CTCP Chứng khoán SSI, việc Fed tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến dài hạn với các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ của Việt Nam. Đặc thù ngành bán lẻ sẽ chịu tác động của những yếu tố trong nước trước rồi mới đến các thông tin từ nước ngoài.

Còn với nhóm ngân hàng, hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những sự chuẩn bị từ trước cho viễn cảnh Fed tăng lãi suất. Ví dụ như thời gian gần đây mức lãi suất trong nước đã "rục rịch" tăng lên. Lãi suất qua đêm luôn ở mức 4-5%, tạo sự chênh lệch lớn với lãi suất USD ở thời điểm hiện tại. Vì vậy so với các yếu tố khác, quyết định của Fed sẽ ít ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng.

Đọc tiếp