FED tăng lãi suất, kinh tế Mỹ ảnh hưởng thế nào?

LÃI SUẤT MỸ
11:55 - 22/09/2022
Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 21/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản thứ 3 liên tiếp, nhằm giảm đà tăng lạm phát đang chạm mức kỷ lục trong 40 năm. Hiện các tác động của quyết định mới này được cho là vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Với các đợt tăng lãi suất quyết liệt, mục tiêu của Fed là khiến các doanh nghiệp và hộ gia đình giảm chi tiêu và giảm nhu cầu đối với hàng hóa, dịch vụ và lao động. Từ đó, áp lực tăng giá cũng có thể được giảm bớt, kìm hãm lạm phát.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quá trình ghìm cương lạm phát này diễn ra không hề suôn sẻ. Trong nhiều tháng, người tiêu dùng tại Mỹ vẫn luôn phải đối mặt với lạm phát và các nỗ lực giải quyết của Fed cho tới nay chỉ khiến người tiêu dùng khó mua những thứ như nhà và xe hơn. Ngược lại, các loại chỉ số khác như tỷ lệ thất nghiệp hoặc thậm chí là suy thoái vẫn chưa có bất kỳ cải thiện nào.

Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong khi lạm phát vẫn cao

Theo Reuters trích dẫn chủ tịch Fed Jerome Powell, các động thái nhanh chóng và quyết liệt mà ngân hàng trung ương đang thực hiện sẽ dẫn tới các "chi phí đáng tiếc", bao gồm sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Các nhà hoạch định chính sách của Fed kỳ vọng tỷ lệ này sẽ tăng lên 4,4% vào cuối năm tới dựa trên các dự báo được công bố hôm 21/9.

Trước đó hồi đầu tháng, Thống đốc Fed Chris Waller từng cảnh báo rằng cơ quan này có khả năng sẽ để tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới 5%, trước khi các nhà hoạch định chính sách bắt đầu cân nhắc bất kỳ thay đổi nào trong chiến lược. Nguyên nhân là do sự gia tăng có thể dẫn đến hơn 2 triệu việc làm bị mất này về mặt lịch sử là phù hợp với một nền kinh tế đang suy thoái.

Trước đó trong 3 cuộc suy thoái gần nhất vào các năm 2020, 2009 và 2001, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đạt đỉnh lần lượt là 14,7%, 9,5% và 5,5%.

Tuy nhiên, trong số các cuộc suy thoái trên, không có bất kỳ cuộc suy thoái nào được dẫn đầu bởi lạm phát. Đó cũng là lý do cuộc suy thoái sắp tới có thể khó giải quyết hơn nhiều. Theo các dự báo hôm 21/9, tỷ lệ lạm phát của Mỹ sẽ giảm xuống 2,8% vào năm sau, từ mức 6,3% của hiện tại.

Trụ sở Fed tại Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters

Trụ sở Fed tại Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters

Tiền lương tăng trưởng chậm sẽ có ít công việc mới hơn

Trước đó hồi tháng 8, tiền lương cho lao động tại Mỹ đã tăng với tốc độ 5,2% hàng năm, một mức tăng rất mạnh. Những người được trả lương thấp nhất là những người chứng kiến mức tăng mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên đây cũng là tin tốt duy nhất trong tình hình hiện tại.

Theo nhiều nhà hoạch định chính sách, tốc độ tăng trưởng lương này là quá mạnh và không phù hợp với mục tiêu Fed đưa ra là giảm lạm phát trở lại ngưỡng 2%. Các chuyên gia này lo lắng rằng những đợt tăng lương càng kéo dài thì khả năng lạm phát cao càng khiến nền kinh tế chìm trong vòng xoáy không thể kết thúc.

Sự sẵn có của việc làm, cụ thể là 2 cơ hội việc làm cho một người lao động đang tìm việc cũng phản ánh lại nhu cầu tăng lao động mạnh dẫn tới tăng tiền lương sau đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách của Fed hy vọng các doanh nghiệp sẽ phản ứng với việc tăng lãi suất chủ yếu thông qua cắt giảm tuyển dụng thay vì sa thải hoàn toàn. Một khi việc làm ít hơn, lương cũng sẽ tăng chậm hơn.

Giá nhà và tiền thuê nhà cao hơn

Trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, thị trường nhà ở là nơi chịu ảnh hưởng nhanh nhất và rõ ràng nhất của việc Fed tăng lãi suất. Chỉ trong vòng hơn 8 tháng, lãi suất thế chấp tăng gấp đôi lên mức trung bình hiện tại là 6,25% đối với khoản thế chấp lãi suất cố định trong 30 năm và doanh số bán nhà sụt giảm.

Tuy nhiên, cũng do tình trạng thiếu nhà vẫn trầm trọng, giá bất động sản tại Mỹ chỉ giảm nhẹ xuống còn 389.500 USD cho một căn nhà tiêu chuẩn vào tháng 8, khiến nó vẫn tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021. Với sự gia tăng lãi suất, các khoản thanh toán thế chấp hàng tháng cho một ngôi nhà hiện tại đã tăng gần 60% lên 1.940 USD trong năm nay.

Mặt khác, tỷ lệ gia tăng dựa trên bình quân 2 chỉ số giá thuê chính đã nhảy vọt lên 6,4% trong tháng 8 so với một năm trước, trong khi tỷ lệ tăng hàng năm trong 3 tháng đã tăng lên 8,6%. Theo ông Ryan Wang, nhà kinh tế tại HSBC, đây là dấu hiệu cho thấy giá thuê vẫn đang trong quá trình tăng cao hơn nữa.

Việc tăng lãi suất của Fed không thể gây ảnh hưởng tới giá năng lượng và thực phẩm do các mặt hàng này chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố toàn cầu. Ảnh: Reuters

Việc tăng lãi suất của Fed không thể gây ảnh hưởng tới giá năng lượng và thực phẩm do các mặt hàng này chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố toàn cầu. Ảnh: Reuters

Fed không thể gây ảnh hưởng tới giá thực phẩm và năng lượng

Trong khi Fed vẫn đang tăng lãi suất với mục tiêu đưa lạm phát về trong tầm kiểm soát thì giá thực phẩm và xăng – các mức giá mà người tiêu dùng Mỹ quan tâm nhất – vẫn nằm ngoài tầm với của ngân hàng trung ương. Nguyên nhân là do các yếu tố này được xác định bởi các yếu tố toàn cầu ảnh hưởng phần lớn đến nguồn cung.

Trước đó vào giữa tháng 6, do ảnh hưởng của chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, giá xăng tại Mỹ đã tăng vọt lên hơn 5 USD / gallon, sau đó giảm xuống khoảng 3,70 USD / gallon trong những tuần gần đây. Theo các nhà phân tích, giá xăng bán buôn dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới do các nhà máy lọc dầu của Mỹ sản xuất nhiều nhiên liệu để xây dựng lại các kho dự trữ dầu diesel và dầu sưởi.

Tuy nhiên, chiến sự đang có dấu hiệu leo thang tại Ukraine cũng như hạn hán nghiêm trọng tại châu Âu và Trung Quốc sẽ khiến giá lương thực tại Mỹ vốn đã tăng 11% so với năm 2021 tiếp tục tăng cho tới ít nhất là đầu năm 2023. Việc chiến sự leo thang có thể gây nguy hiểm tới hành lang Biển Đen đã được thiết lập theo một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine theo đường hàng hải.

Đọc tiếp