FPT đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 20%, thay mới 3 thành viên HĐQT

DOANH NGHIỆP Việt nAM
07:09 - 18/03/2022
FPT đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 20%, thay mới 3 thành viên HĐQT
0:00 / 0:00
0:00
FPT đặt mục tiêu năm 2022 đạt 42.420 tỷ đồng doanh thu và 7.618 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 19% và 20,2% so với thực hiện năm 2021, đồng thời dự định chia cổ tức cho năm 2021 với tổng tỷ lệ 40% với một nửa bằng tiền mặt.

Đó là những nội dung đáng chú ý trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán FPT). Trong mục tiêu chung về kết quả kinh doanh, khối công nghệ vẫn tiếp tục được kỳ vọng lớn nhất với 24.900 tỷ đồng doanh thu và 3.360 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 21,1% và 19,3% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận khối viễn thông tăng 17,4%; khối giáo dục, đầu tư và khác tăng 28,4% so với năm 2021.

Về kế hoạch đầu tư, FPT dự kiến chi 4.000 tỷ đồng cho các hoạt động kinh doanh hiện tại bao gồm 1.200 tỷ đồng cho khối công nghệ, 2.000 tỷ đồng cho khối viễn thông và 800 tỷ đồng cho khối giáo dục và khác.

Về việc trả cổ tức năm 2021, doanh nghiệp viễn thông sẽ trình cổ đông thông qua phương án trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% (1 cổ phiếu nhận 2.000 đồng, 10% đã được tạm ứng từ tháng 8/2021, còn lại sẽ được chi trả sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt); trả bằng cổ phiếu 20% từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty mẹ. Như vậy, FPT sẽ chia cổ tức cho năm 2021 với tổng tỷ lệ 40%. Tỷ lệ cổ tức tiền mặt cho năm 2022 dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức 20%.

FPT là một trong những doanh nghiệp trả cổ tức đều đặn hằng năm. Điều này là nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt. Từ 2018 đến nay, doanh thu và lợi nhuận của FPT đều ghi nhận tăng trưởng hai con số. Năm 2021, doanh nghiệp đạt 35.657 tỷ đồng doanh thu thuần và 6.335 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 20% so với năm trước đó.

Một nội dung đáng chú ý khác trong tài liệu trình cổ đông của FPT là thay đổi nhân sự trong Hội đồng Quản trị (HĐQT). Theo đó, ban điều hành vẫn gồm 7 người nhưng 3 người rời đi là ông Lê Song Lai, ông Tomokazu Hamaguchi và ông Dan E Khoo. 3 cái tên thay thế là ông Hiroshi Yokotsuka, ông Hamparur Rangadore Binod và bà Trần Thị Hồng Lĩnh.

Trong đó, ông Hiroshi Yokotsuka (SN 1951, quốc tịch Nhật Bản) được giới thiệu có 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, từng là Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ thông tin Nhật Bản. Hiện, ông là Chủ tịch của CeFIL – một tổ chức phi lợi nhuận về thúc đẩy đổi mới sáng tạo có liên quan tới Liên đoàn Doanh thương Nhật Bản; giám đốc Viện nghiên cứu dự đoán bệnh Nhật Bản, giảng viên kiêm nhiệm Khoa Kinh tế, Đại học Toyama…

Ông Hamparur Rangadore Binod (SN 1962, quốc tịch Ấn Độ) cũng có 36 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó 28 năm công tác tại Infosys – công ty công nghệ đứng thứ 4 thế giới. Từ 1993 đến tháng 5/2021, ông là Phó Tổng giám đốc phụ trách phát triển tài năng và vận hành công nghệ của Infosys. Từ 15/2/2022, ông là thành viên HĐQT của FPT Ấn Độ.

Còn bà Trần Thị Hồng Lĩnh sinh năm 1974 tại Hà Tĩnh, có kinh nghiệm trong công tác quản lý và đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Bà từng là Thành viên Ban kiểm soát rồi Thành viên HĐQT, người đại diện vốn SCIC tại Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex); hiện là Thành viên HĐQT, người đại diện vốn SCIC tại CTCP Thiết bị khí tượng thuỷ văn và Môi trường Việt Nam (Hymetco).

Các thành viên cũ tiếp tục ở lại trong ban điều hành là ông Trương Gia Bình, ông Bùi Quang Ngọc, ông Đỗ Cao Bảo và ông Jean Charles Belliol.

Tin liên quan

Đọc tiếp