G7 và EU đồng thuận mức trần 100 USD với dầu diesel của Nga

dầu mỏ NGA
09:43 - 04/02/2023
EU và G7 đồng thuận mức giá trần 100 USD/thùng với dầu diesel của Nga và 45 USD/thùng với dầu nhiên liệu. Ảnh: AP
EU và G7 đồng thuận mức giá trần 100 USD/thùng với dầu diesel của Nga và 45 USD/thùng với dầu nhiên liệu. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Trong một tuyên bố ngày 3/2, nhóm G7 cùng các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đã đồng thuận mức giá trần 100 USD/thùng đối với dầu diesel của Nga bán cho các nước thứ 3, nhằm hạn chế doanh thu xuất khẩu của Moscow.

Theo G7, nhóm này và EU đã cùng đưa ra mức giá trần 100 USD đối với các sản phẩm dầu mỏ giao dịch ở mức cao hơn dầu thô như là dầu diesel. Ngoài ra, mức giá trần được đồng thuận đối với các sản phẩm có mức giá chiết khấu như dầu nhiên liệu và một số loại naphtha. Chính sách này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 5/2 tới cùng với mức trần với dầu thô được đưa ra trước đó hồi tháng 12/2022.

Cụ thể, ngày 5/12/2022, EU đã cấm nhập khẩu, đồng thời áp dụng mức giá trần cho các sản phẩm dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga tới các nước thứ 3. Tới ngày 5/2 tới, lệnh cấm nhập khẩu vào EU và áp dụng mức giá trần cho các chế phẩm từ dầu của Nga sang bên thứ 2 cũng sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Mặt khác, đối với các lô hàng dầu của Nga đã được bốc lên tàu trong khoảng thời gian trước khi mức trần được thống nhất, Bloomberg trích dẫn thông báo chính thức cho biết EU sẽ cho phép hoãn thực thi cho tới tháng 4 năm nay.

Ngoài ra, EU ngày 3/2 cũng đồng ý trì hoãn việc cập nhật mức giá trần 60 USD đối với dầu thô của Nga cho đến tháng 3 năm nay. Sau mốc thời gian này, khối sẽ bắt đầu đánh giá thường xuyên mỗi 2 tháng về tất cả các mức giá trần lên tất cả các sản phẩm dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, theo các nguồn tin quen thuộc của Bloomberg.

Các cơ chế giá trần này là một phần trong lệnh cấm vận của EU cùng các quốc gia phương Tây khác nhằm hạn chế doanh thu xuất khẩu năng lượng bằng đường biển của Nga. Các biện pháp giới hạn giá cũng sẽ cấm các công ty cung cấp vận chuyển và các dịch vụ cần thiết để vận chuyển hàng hóa, chẳng hạn như bảo hiểm, trừ khi dầu và nhiên liệu được mua dưới ngưỡng giá trần được đưa ra.

Tuy nhiên, các chính sách này được nhiều chuyên gia nhận định có tính hiệu quả không cao do Nga vẫn duy trì được kim ngạch xuất khẩu tương đối cao. Các thùng dầu của Nga vẫn được lưu thông trên thị trường thông qua một số biện pháp lách luật như pha trộn dầu để đổi xuất xứ.

Thêm vào đó, công ty tư vấn Wood Mackenzie cũng nhận định về mức giá trần mới 100 USD/thùng dầu diesel và 45 USD/thùng dầu nhiên liệu rằng chúng “sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà máy lọc dầu của Nga”.

Nguyên nhân là do giá dầu diesel của Nga đã giảm đáng kể vào đầu tuần này khi nó rơi xuống mức 90 USD/thùng theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu do Argus Media cung cấp - mức giá còn thấp hơn cả mức giá trần EU đưa ra.

Ngược lại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lại có các nhận định khác. Trong một tuyên bố riêng, bà cho biết các giới hạn giá được EU và G7 đặt ra “sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm khả năng cung cấp tài chính cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của Nga.

Theo dự đoán của Wood Mackenzie, sản lượng dầu thô của Nga sẽ giảm khoảng 800.000 thùng/ngày trong quý 1/2023 so với quý trước và xuất khẩu dầu diesel của nước này sẽ giảm khoảng 200.000 thùng/ngày . Tất cả đều do lệnh cấm nhập khẩu của EU.

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.