Gạo xuất khẩu Việt Nam có cơ hội tăng giá do Ấn Độ hạn chế nguồn cung

Gạo XUẤT KHẨU
15:08 - 20/09/2022
Gạo xuất khẩu Việt Nam có cơ hội tăng giá do Ấn Độ hạn chế nguồn cung
0:00 / 0:00
0:00
Theo đánh giá của VNDIRECT, gạo Việt Nam dự kiến sẽ có cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo với giá cao hơn sau khi Ấn Độ quyết định ngừng xuất khẩu gạo, đẩy giá gạo lên cao và các nước đang gia tăng nhu cầu nhập khẩu gạo nhằm ổn định an ninh lương thực.

Ngày 19/9, VNDIRECT đã có báo cáo nhận định về triển vọng của ngành gạo theo đà tăng giá của thế giới. Công ty này cho rằng sự suy giảm nguồn cung từ Ấn Độ sau các chính sách mới, sẽ tạo nên áp lực tăng giá gạo trên thế giới. Điều này sẽ tạo cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Về đầu tư, VNDIRECT kiến nghị 3 mã cổ phiếu LTG (CTCP Tập đoàn Lộc Trời), PAN (CTCP Tập đoàn PAN) và TAR (CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An) do những công ty này đều có tỷ trọng xuất khẩu gạo lớn, có thể được hưởng lợi nhờ xu hướng tăng của giá gạo.

Tỷ trọng doanh thu gạo xuất khẩu trong cơ cấu doanh thu năm 2021 của 3 công ty này lần lượt là LTG (12%), PAN (19%, bao gồm cả nông sản khác ngoài gạo) và TAR (19%).

Áp lực tăng giá xuất khẩu gạo thế giới

Theo báo cáo của VNDIRECT, do Ấn Độ đang cung cấp tới 36,7% lương thực thế giới nên việc giảm đơn hàng của Ấn Độ dự kiến sẽ đẩy giá gạo xuất khẩu trên thế giới tăng lên. Trước đó, năm 2007, Ấn Độ cũng từng cấm xuất khẩu gạo và đã khiến giá gạo toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục khoảng 1.000 USD/tấn.

Giá gạo Việt Nam và Thái Lan. Đơn vị: USD/tấn. Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, Bloomberg
Giá gạo Việt Nam và Thái Lan. Đơn vị: USD/tấn. Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, Bloomberg

Trong khoảng 10 ngày kể từ khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu và tăng thuế xuất khẩu gạo, giá gạo đã có mức tăng nhẹ từ 5 - 15 USD/tấn. Theo Reuters, gạo 5% tại Ấn Độ, được điều chỉnh tăng 5 -10 USD lên mức 392 USD/tấn trong tuần này. Gạo Thái Lan tăng khoảng 15 USD lên mức 435 USD/tấn. Gạo Việt Nam cũng tăng từ 10 - 15 USD đạt mốc 410 USD/tấn.

Thời tiết khắc nghiệt tại các nước xuất khẩu gạo lớn gây lo ngại về nguồn cung

Thời tiết khắc nghiệt gần đây ở các nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á, nơi sản xuất khoảng 90% sản lượng gạo thế giới, gây nên khả năng làm thay đổi xu hướng giá. Thiếu mưa ở Ấn Độ, hạn hán ở Trung Quốc và lũ lụt ở Bangladesh đã hạn chế năng suất và chắc chắn làm giảm sản lượng trong năm nay.

Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đang xảy ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại 7 tỉnh, dẫn tới việc sản lượng sản xuất gạo nước này có thể bị sụt giảm từ 3 - 6% trong năm 2022.

Cung - cầu gạo thế giới từ niên vụ 2018-2019 đến niên vụ 2022-2023. Đơn vị: Nghìn tấn.
Cung - cầu gạo thế giới từ niên vụ 2018-2019 đến niên vụ 2022-2023. Đơn vị: Nghìn tấn.

Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tồn kho gạo toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua, khi dự báo tỷ lệ tồn kho/tiêu thụ trong giai đoạn 2022 - 2023 chỉ ở mức 34,4%, giảm hơn 2 điểm phần trăm so với mức trung bình 36,6% của giai đoạn 2018 - 2022. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho rằng, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu gạo lên mức kỷ lục 6 triệu tấn trong năm 2022 - 2023 do giảm năng suất.

Ngoài ra, hiện nay nhiều nước trên thế giới đang có các chính sách nhằm bảo vệ an ninh lương thực trước những tranh chấp địa chính trị xảy ra gần đây. Trong đó, có thể kể đến các lệnh cấm xuất khẩu lương thực như lúa mì và đường từ Ấn Độ, dầu cọ từ Indonesia.

Đồng thời, các nước nhập khẩu thực phẩm như Philippines đang cố gắng tăng lượng tồn kho dự trữ. USDA cũng dự báo lượng nhập khẩu của thị trường này có thể tăng thêm 200.000 tấn gạo so với ước tính trước đó. Đưa dự báo nhập khẩu năm nay của Philippines lên 3,4 triệu tấn. Vì vậy, VNDIRECT dự đoán gạo có thể chịu áp lực tăng giá trong thời gian tới.

Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu xu hướng tăng giá của gạo

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, chiếm khoảng 7,8% thương mại gạo toàn cầu. Đồng thời, là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 24,5% thị phần.

Giá gạo Ấn Độ với mức thuế cao hơn sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh và có khả năng khiến người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam. Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam và Thái Lan chiếm 20,6% tổng giao dịch thương mại toàn cầu. Vì vậy, quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể là cơ hội để Việt Nam và Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu.

Cộng gộp 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 4,8 triệu tấn gạo, tương đương đạt 2,3 tỷ USD, tăng gần 10% về trị giá và gần 21% về khối lượng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Philippines đạt 2,3 triệu tấn, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Trung Quốc đứng thứ hai với sản lượng nhập khẩu 520.000 tấn, dù giảm 29%.

Ngày 8/9/2022, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm (chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này) và đánh thuế 20% đối với các loại gạo khác (trừ gạo basmati và gạo đồ) (chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Trong khi đó, gạo của Ấn Độ đang được xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia và đóng góp khoảng 36,7% thương mại gạo toàn cầu, do đó, bất kỳ sự sụt giảm nào về khối lượng xuất khẩu cũng sẽ gây áp lực lên giá gạo thế giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.