GDP Mỹ bất ngờ tăng trưởng âm trong quý đầu năm 2022

TĂNG TRƯỞNG MỸ
12:28 - 29/04/2022
Cảng Newark, New Jersey, Mỹ. Ảnh: Reuters
Cảng Newark, New Jersey, Mỹ. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ thương mại Mỹ hôm 28/4, GDP nền kinh tế số 1 thế giới bất ngờ giảm với tốc độ 1,4% trong quý đầu của năm khi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng và số tiền hỗ trợ dịch bệnh của chính phủ sụt giảm.

Theo CNBC, tăng trưởng GDP quý I là tỷ lệ được sử dụng để đo lường sản lượng hàng hóa và dịch vụ ở Mỹ trong thời gian 3 tháng đầu năm 2022. Với mức tăng trưởng âm 1,4%, con số này thậm chí còn thấp hơn ước tính của Dow Jones là 1%, đánh dấu tình trạng tồi tệ nhất kể từ cuộc suy thoái do đại dịch gây ra năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng âm tới bất ngờ khi mới trong năm 2021, GDP Mỹ vẫn đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1984. Nếu nền kinh tế số 1 thế giới muốn duy trì tốc độ tăng trưởng này trong năm 2022, giải tỏa sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng và một giải pháp hòa bình cho tình hình tại Ukraine là những yêu cầu tiên quyết.

Theo ông Simona Mocuta, nhà kinh tế cấp cao tại State Street Global Advisors, tốc độ tăng trưởng âm cho quý I là một chỉ báo quan trọng. Nó nhắc nhở về một thực tế rằng tốc độ tăng trưởng của Mỹ rất tích cực, nhưng mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng và tương lai có thể sẽ không còn được tích cực như vậy nữa.

Có nhiều yếu tố được cho là nguyên nhân cho tốc độ tăng trưởng đáng thất vọng của quý I năm 2022 sau mức tăng tới 6,9% của năm 2021 vừa qua.

Lý do đầu tiên được các chuyên gia đưa ra chính là số lượng ca nhiễm Omicron tăng mạnh đã cản trở hoạt động kinh tế trên diện rộng. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát gia tăng kỷ lục trong 40 năm cùng với những thách thức kinh tế tới từ căng thẳng tại châu Âu và các lệnh cấm vận cũng góp phần không nhỏ vào tình trạng đình trệ kinh tế.

Ngoài ra, lượng đầu tư vào hàng tồn kho tư nhân giảm đã gây ảnh hưởng đến tăng trưởng. Những hạn chế khác đến từ xuất khẩu và chi tiêu của chính phủ ở các chính quyền tiểu bang, liên bang và địa phương, cũng như nhập khẩu gia tăng được coi là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới tốc độ tăng trưởng âm của quý đầu năm.

Nếu nhìn vào số liệu GDP cuối cùng, mức giảm 8,5% trong chi tiêu quốc phòng là một lực cản gây ra 1/3 điểm phần trăm sụt giảm, chi tiêu người tiêu dùng chiếm 2/3 nền kinh tế thực ra lại tăng trưởng khá tốt ở mức 2,7%. Dù vậy, thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng đã khiến tăng trưởng giảm 3,2 điểm phần trăm khi nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu.

Tuy ghi nhân mức tăng trưởng âm bất ngờ trong quý I, các chuyên gia tại phố Wall không cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ gặp khủng hoảng. Ảnh: Getty Images

Tuy ghi nhân mức tăng trưởng âm bất ngờ trong quý I, các chuyên gia tại phố Wall không cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ gặp khủng hoảng. Ảnh: Getty Images

Thương mại ròng bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng nhập khẩu, đặc biệt là hàng tiêu dùng, vì các nhà bán buôn và bán lẻ đã tìm cách xây dựng lại hàng tồn kho. Tuy nhiên, yếu tố này sẽ trở thành nguyên do thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý II và quý III sắp tới.

Do các dấu hiệu không rõ ràng này, ông Ian Shepherdson, nhà kinh tế cấp cao tại Pantheon Macroeconomic, nhận định đây hoàn toàn không phải những dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Mỹ đang dần rơi vào suy thoái. Cổ phiếu và lợi suất trái phiếu phần lớn đều tăng cao hơn. Hơn nữa, các yếu tố khiến chỉ số GDP suy giảm đều có thể đảo được vào cuối năm và giúp Mỹ có khả năng tránh được khủng hoảng.

Các tổ chức tại phố Wall cũng cho rằng nền kinh tế quốc gia sẽ không rơi vào suy thoái nhưng có vạch ra các thách thức trước mắt. Thách thức lớn nhất có lẽ tới từ việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ phải tăng lãi suất hàng loạt để kiềm chế giá cả phi mã, từ đó làm chậm tốc độ tăng trưởng hơn nữa.

Cụ thể trong quý I, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân không bao gồm thực phẩm và năng lượng – một thước đo lạm phát thường được FED sử dụng – đã tăng tới 5,2%. Con số này cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng trung ương Mỹ. Vì vậy, nhiều dự đoán cho rằng FED sẽ tăng lãi suất chuẩn lên khoảng 2,75% vào cuối năm nay từ mức lãi suất 0% trong suốt 2 năm đại dịch.

Rủi ro khủng hoảng cũng đang dần tăng lên dù phần lớn các chuyên gia vẫn giữ thái độ tích cực. Theo Goldman Sachs, khả năng tăng trưởng âm một năm đã tăng lên 35%, trong khi đó Deutsche Bank lại nhận thấy cơ hội "suy thoái đáng kể" tác động đến nền kinh tế vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Kết quả này tới từ việc FED phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhiều hơn so với dự báo để giảm lạm phát.

Đọc tiếp