GDP quý 3 tăng 13,67%, tăng trưởng kinh tế 9 tháng cao nhất 12 năm

GDP Việt nAM
09:51 - 29/09/2022
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ do quý III/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý III/2022 và 9 tháng đầu năm với ước tính GDP ở mức +13,67% so với cùng kỳ năm trước. Con số tăng trưởng ấn tượng này một phần là do trong quý III/2021, GDP giảm tới 6,02% - mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP từng quý.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Điều này cho thấy các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% (đóng góp 4,04%).

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (đóng góp 41,79%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018.

Khu vực dịch vụ tăng 10,57% (đóng góp 54,17%), trong đó một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao như: Bán buôn, bán lẻ tăng 10,24% so với cùng kỳ năm trước; vận tải kho bãi tăng 14,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 41,7%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,05%.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%; khu vực dịch vụ chiếm 41,31%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,73%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023.

So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

World Bank dự báo Việt Nam sẽ dẫn đầu ASEAN-5

Như vậy, GDP quý III của Việt Nam đã vượt kỳ vọng của các tổ chức, chuyên gia thế giới và trong nước. Trước đó, các ý kiến đều dự đoán tăng trưởng GDP quý này sẽ cao đột phá trên mức nền so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên lên tới gần 14% vẫn là con số khá bất ngờ.

Gần đây, các tổ chức quốc tế đều cập nhật dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2022 ở mức cao hơn mục tiêu Chính phủ.

Trong báo cáo cập nhật tháng 10 mới nhất, Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo Việt Nam sẽ dẫn đầu ASEAN-5 với mức tăng trưởng năm 2022 là 7,2%. Mức dự báo này tăng khá nhiều so với mức 5,3% trong dự báo hồi tháng 4. Năm 2023, World Bank dự báo kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,7%. Mức tăng trưởng này giống với dự báo trước đó vào tháng 8.

Còn Ngân hàng ADB trong báo cáo cập nhật vào tháng 9/2022 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực châu Á và Thái Bình Dương xuống còn 4,6% trong năm nay, do mức tăng trưởng chậm hơn của Trung Quốc, việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn ở các nền kinh tế phát triển và hậu quả từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Đối với Việt Nam, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, như được công bố trong báo cáo ADO hồi tháng 4/2022.

Theo ADB, sở dĩ Việt Nam có mức dự báo này là do tăng trưởng của đất nước được thúc đẩy nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công.

Trước đó, đầu tháng 9, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1% so với mức dự báo của ba tháng trước đó và là lần điều chỉnh tăng mạnh duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.

Tuy nhiên, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 còn 6,7%, tức giảm 0,5% so với dự báo trước đó. Mặc dù vậy, con số này vẫn là mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á.

Tin liên quan

Đọc tiếp