'GDP quý III ấn tượng nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui là một vấn đề đáng suy ngẫm'

DOANH NGHIỆP Việt nAM
07:42 - 30/09/2022
'GDP quý III ấn tượng nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui là một vấn đề đáng suy ngẫm'
0:00 / 0:00
0:00
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, kinh tế Việt Nam quý III/2022 đạt con số rất ấn tượng. Song, tình hình doanh nghiệp đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm khi cứ 10 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường thì 7 doanh nghiệp rút lui.

Tờ Financial Times mới đây nhận định Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia nổi bật, bên cạnh Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia, Nhật Bản, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới đang chùn bước do suy thoái và tỷ lệ lạm phát cao.

Tờ La Repubblica của Italy sau đó cũng cho rằng Việt Nam sẽ trở thành "con hổ mới" ở châu Á, do trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, World Bank cho biết Việt Nam được dự báo dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng 7,2%.

Ngày 29/9, Tổng cục Thống kê công bố dữ liệu cũng cho thấy tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế quý III/2022 ước đạt 13,67%, GDP 9 tháng tăng 8,83%, cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, vượt ngoài dự báo của giới chuyên gia trong những tháng gần đây.

Ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố báo cáo bức tranh toàn cảnh kinh tế quý III/2022, Mekong ASEAN đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm - Nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về kết quả tăng trưởng những tháng đầu năm và triển vọng những tháng cuối năm.

Mekong ASEAN: Từ góc độ chuyên gia kinh tế, ông đánh giá thế nào về mức tăng trưởng 13,67% của quý III/2022?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước đạt 13,67% so cùng kỳ. GDP 9 tháng tăng 8,83% so cùng kỳ và là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 11 năm trở lại đây. Những con số này cho thấy kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, vượt ngoài mong đợi.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III và 9 tháng thể hiện tích cực ở tất cả các lĩnh vực, nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Trong đó, nông nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng khoảng 3%, đảm bảo an ninh lương thực, đời sống nhân dân, ổn định lạm phát với nguồn cung lương thực thực phẩm dồi dào, đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu.

Về công nghiệp, mức tăng trưởng quý III khoảng 12,9% và 9 tháng là 9,4%. Đây là mức tăng trưởng hết sức ấn tượng. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 10,6%, xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dầu thô vẫn duy trì tốt. Năng lượng điện tăng trưởng khá cao, đảm bảo nguồn năng lượng quan trọng cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân.

Lĩnh vực dịch vụ, sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 quý III/2021 đã khôi phục. Trong đó, một số ngành có mức tăng trưởng quý III trên 20% như bán buôn bán lẻ, vận tải.

Mekong ASEAN: Trong bối cảnh đó, ông đánh giá ra sao về con số CPI tăng lên mức 3,32%, thưa ông?

Ông Nguyễn Bích Lâm: CPI 9 tháng đầu năm phản ánh đúng bức tranh nền kinh tế khi tổng cầu đang dần phục hồi, các mặt hàng chiến lược đã chủ động được, cũng như sự sát sao trong điều tiết giá của Chính phủ.

Chẳng hạn, tỷ trọng lớn nhất trong CPI là rổ hàng hóa lương thực, thực phẩm chiếm 28%, chúng ta hoàn toàn chủ động được, không phụ thuộc vào bên ngoài. Trong khi đó, xăng dầu, điện, phí dịch vụ y tế, phí dịch vụ giáo dục cũng đều chịu sự quản lý của Nhà nước.

Lấy ví dụ về giá dịch vụ giáo dục giảm 1,88% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí trong năm học 2021-2022 bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, làm CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm.

Hay với giá điện, ngành điện lực lỗ rất lớn, nhưng do chỉ đạo quyết liệt của Chính sách về bình ổn giá nên giá điện không tăng

Riêng với xăng dầu, mặt hàng này phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, trong 25 đợt điều chỉnh giá, có 11 đợt giảm giá, làm cho giá xăng A95 giảm 710 đồng/lít; xăng E5 giảm 770 đồng/lít và dầu diezen tăng 4.960 đồng/lít. Bình quân 9 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 41,07% - con số này vẫn thấp hơn nhiều quốc gia trên thế giới (tăng trên 60-70%).

Tuy lạm phát tháng 9/2022 tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước nhưng trung bình 9 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%).

Mekong ASEAN: Nhiều ý kiến lo lắng áp lực lạm phát những tháng cuối năm 2022 tương đối lớn. Ông đánh giá thế nào về mối quan ngại này?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Thực tế, giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao trong khi Việt Nam là nước phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất. Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng 9%, đây là mức tăng cao nhất hơn 1 thập kỷ qua, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp. Thời gian qua, doanh nghiệp đã cắt giảm một phần lợi nhuận để bù đắp chi phí, nhưng không thể cắt giảm mãi được.

Ngoài ra, giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm trong ngắn hạn nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao do xung đột giữa Nga - Ukraine chưa chấm dứt và khi kinh tế Trung Quốc phục hồi có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng.

Bên cạnh đó, giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra.

Như vậy, rõ ràng, không thể chủ quan với lạm phát những tháng cuối năm. Song, mục tiêu kiềm chế lạm phát trong khoảng 4% là hoàn toàn khả thi.

Mekong ASEAN: Xuất khẩu 9 tháng đầu năm của Việt Nam đạt tăng trưởng 17,3%, tuy nhiên trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu suy giảm, đồng USD mạnh lên gây sức ép lên tỷ giá, ông đánh giá triển vọng xuất khẩu Việt Nam trong năm nay như thế nào?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, việc hàng loạt đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc đối mặt với các rủi ro suy thoái, thì dệt may và tiêu dùng nói chung là nhóm hàng mà có thể thuộc diện thắt chặt chi tiêu cũng như giảm bớt nhu cầu.

Thứ hai, việc tăng lãi suất của Fed khiến đồng USD mạnh lên, tỷ giá biến động, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Với những quốc gia đang giảm giá mạnh đồng nội tệ trước sức ép của đồng USD, giá hàng hóa của các nước này sẽ rẻ hơn rất nhiều so với hàng hóa nhập khẩu.

Thứ ba, doanh nghiệp cũng đang phải đối diện với nhiều yếu tố rủi ro khác, như vấn đề về thị trường, dịch bệnh, sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên thị trường, dễ tác động bất ngờ, gây ảnh hưởng tới kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, như đã đề cập, 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3%; nhập khẩu 276 tỷ USD, tăng 13%. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tăng 7-8%.

Mekong ASEAN: Có thể thấy Việt Nam đang có những bước phục hồi nhanh nhưng rủi ro vẫn tiềm tàng, đâu là điểm cần lưu ý trong bức tranh kinh tế, thưa ông?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế Việt Nam quý III/2022 đạt con số rất ấn tượng dựa trên mức nền thấp năm 2021 - giai đoạn ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Song, tình hình doanh nghiệp đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm.

Sở dĩ số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao có một phần do hệ quả của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, cùng hàng loạt các cú sốc từ các cuộc xung đột đến các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của nhiều nước và đang tiếp tục có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới vốn suy yếu do đại dịch.

Trong khi, các doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường cũng phải đối mặt với hàng loạt khó khăn về tài chính, lao động cũng như trong việc tiếp cận thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp là trung tâm của cả nền kinh tế. Sức khỏe doanh nghiệp không tốt, không thể nào có một nền kinh tế mạnh.

Để vượt qua cơn gió ngược cản trở doanh nghiệp phục hồi, Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường vĩ mô thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Khuyến khích, thu hút lao động trở lại làm việc. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và huy động nguồn vốn.

Điểm thứ hai, theo tôi, cần nhìn nhận vốn đầu tư công có tầm quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực của nền kinh tế, có tác động lan toả thu hút vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI.

Đặc biệt, trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả phục hồi tăng trưởng kinh tế bù đắp cho suy giảm xuất khẩu.

Trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm 32,4%, đóng vai trò quan trọng trong lấy lại đà tăng trưởng cao, gắn với kế hoạch phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Do đó, để thúc đẩy giải ngân nhanh nguồn vốn này, Chính phủ cần rà soát tinh giản tối đa các thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục thanh quyết toán, các phần việc phát sinh bằng việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có ghi địa chỉ chịu trách nhiệm trong công tác giải ngân. Khẩn trương ban hành cơ chế bảo vệ quyền bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng trong cơ chế hợp đồng, tránh tình trạng nợ đọng triền miên.

Mekong ASEAN: Cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

Đọc tiếp