Giá cà phê có đang thật sự 'sợ' tiếng súng từ Ukraine?

Giá cà phê có đang thật sự 'sợ' tiếng súng từ Ukraine?

cà phê THẾ GIỚI
10:38 - 04/03/2022
Giá cà phê trong thời gian qua đang trên đà liên tiếp giảm, gây nên e ngại sự trượt dài này do tác động của xung đột Nga – Ukraine. Tuy nhiên các chuyên gia đều cho rằng thị trường sẽ sớm bình ổn trong ngắn hạn.

Ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukranie hôm 24/2, giá cà phê trên sàn London đã giảm 9,13% (204 USD) trong khi lượng xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam giao dịch tại sàn này chiếm trên 90 - 95%. Diễn biến của sàn Arabica của New York cũng giảm 405 USD mất 7,41%, tại sàn này sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam chiếm từ 5 - 7% trong tổng số 10% sản lượng Arabica của cả nước.

Tính đến thời điểm ngày 03/3, giá cà phê nội địa vẫn đang giảm 500 đồng/kg. Tại thị trường thế giới, sau ngày hôm trước biến động trái chiều thì ngày 03/3 đều ghi nhận giảm trên cả hai sàn.

Vậy xung đột Nga – Ukraine có thật sự là yếu tố tác động lớn khiến giá cà phê trượt dài hay không?

Đưa ra góc nhìn về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Bình, Nguyên Trưởng đại diện Tập đoàn Sucafina S.A. (Thụy Sỹ) tại Việt Nam – một trong 5 công ty thu mua cà phê lớn nhất thế giới đã trao đổi với MEKONG ASEAN. Ông cho biết, sự giảm giá cà phê thời gian qua phần lớn do quy luật điều chỉnh vốn chung từ mặt hàng này sang mặt hàng khác chứ không hoàn toàn do sợ “tiếng súng”.

Theo ông Bình, sau khi xung đột nổ ra có thể thấy giá dầu thô, giá vàng, giá nông sản thiết yếu (ngũ cốc, đậu tương, ngô…) đều ở ngưỡng tăng, tuy nhiên các mặt hàng nhóm nông sản nhiệt đới (cà phê, ca cao, đường…) lại giảm.

Nguồn số liệu từ giacaphe.com

Nguồn số liệu từ giacaphe.com

Hiện nay, các nhà đầu tư đang tập trung vốn vào khí đốt, lương thực và trú ẩn vốn vào vàng. Trong thời gian tới, sự chuyển đổi vốn giữa các thị trường sẽ khiến cà phê tăng trở lại và có thể đạt tốc độ tăng nhanh như khi giảm giá.

Phân tích mối liên hệ giữa biến động giá cà phê và giá dầu thô, chứng khoán, ông Bình cho hay, các nhà đầu tư trên các sàn giao dịch nông sản từ sau ngày 24/2 đã rút tiền từ cà phê và đẩy sang các sàn khác đang nhộn nhịp hơn, họ đặt cược ở ngũ cốc, vàng và dầu thô khiến giá cà phê giảm.

Giá cà phê trên 2 sàn giao dịch vào ngày 25/02. Nguồn số liệu từ Giacaphe.com

Giá cà phê trên 2 sàn giao dịch vào ngày 25/02. Nguồn số liệu từ Giacaphe.com

“Do vậy, giá cà phê đi xuống thời gian qua không hẳn hoàn toàn do tình hình xung đột Ukraine. Trong trường hợp xung đột Nga – Ukraine không nổ ra thì giá cà phê vẫn giảm. Điều này có thể thấy rõ nhất từ đợt giá cà phê nội địa giảm đợt đầu tiên trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra”, nguyên Trưởng đại diện Tập đoàn Sucafina S.A phân tích.

Cụ thể, ngày 15/2, giá cà phê thế giới đồng loạt ghi nhận đà giảm. Trong đó, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 3/2022 được ghi nhận mức 2.263 USD/tấn sau khi giảm 0,92% (tương đương 21 USD); giao tháng 5/2022 giảm 1,19%, đạt mức 2243 USD/tấn (tương đương 27 USD); giao tháng 7/2022 giảm -1,33%, đạt mức 2219 USD/tấn (tương đương 30 USD)…

Giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 tại New York đạt mức 247,55 USD cent/pound, giảm 1,63% (tương đương 4,1 USD cent); giao tháng 5/2022 đạt mức 247,9 USD cent/pound, giảm 1,65% (tương đương 4,15 USD cent); giao tháng 7/2022 đạt 246,4 USD cent/pound, giảm 1,66% (tương đương 4,15 USD cent)….

Một trong những yếu tố khác mà ông Bình cho rằng gây tác động lên giá cà phê đó là định hướng chính sách của Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) về tăng lãi suất và rút bớt chương trình kích cầu để kiểm soát lạm phát. Thực tế ngay sau cuộc họp của Fed giữa tháng 01/2022, giá 2 sàn cà phê London và New York đã đồng loạt đi xuống, riêng sàn London giảm sâu 224 USD.

Nga là một thị trường lớn tiêu thụ cà phê của Việt Nam và ngày càng tăng về sản lượng nhập khẩu. Theo Cơ quan Hải quan Nga, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Nga tính theo lượng.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Nga nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt trên 61 nghìn tấn, trị giá 116 triệu USD, giảm 8% về lượng, nhưng tăng 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nếu như năm 2020, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Nga đạt 432 triệu USD, thì đến năm 2021 đã tăng lên khoảng 550 triệu USD (chiếm khoảng 1/10 tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam sang Nga), trong đó, xuất khẩu cà phê đạt 173 triệu USD, riêng sản lượng Robusta tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

“Nếu một số nước như Đức, Pháp, Bỉ thu mua cà phê Việt Nam để chế biến và xuất khẩu đi các nước khác thì việc nhập khẩu cà phê của Nga thường tập trung qua các tập đoàn công nghiệp thực phẩm lớn để chế biến và tiêu thụ tại chính thị trường này. Chính vì vậy, thị trường Nga được đánh giá quan trọng với Việt Nam vì đây là thị trường tiêu thụ thực sự”, với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trên thị trường cà phê, ông Nguyễn Quang Bình nhận định.

Tuy nhiên từ thời điểm xung đột nổ ra, một số doanh nghiệp có đơn hàng cà phê đi Nga đã phải dừng hợp đồng vì các hãng tàu biển đã dừng cung cấp container vận chuyển sang Nga.

Như vậy, theo ông Bình, tiến độ giao hàng chính là vấn đề mà các doanh nghiệp cà phê đang quan ngại. Xung đột càng kéo dài, tiến độ giao hàng càng chậm dẫn đến nguy cơ ứ đọng vốn, lãi suất ngân hàng tăng.

Việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến Mỹ và EU loại Nga ra khỏi Hệ thống thanh toán SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu), gây khó khăn trong việc thanh toán cho các doanh nghiệp đang làm ăn với Nga, vì SWIFT hiện là phương thức gửi điện phổ biến, được hầu hết ngân hàng trên thế giới và Việt Nam sử dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán xuất, nhập khẩu.

Nhận định tác động của xung đột Nga - Ukraine tới xuất khẩu nông sản tại Cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong tình hình mới, chiều 02/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, Nga và Ukraina dù không phải là thị trường lớn nhưng vẫn quan hệ giao thương với Việt Nam ở những mặt hàng nông nghiệp như phân bón, nguyên liệu chăn nuôi…

Dự báo thị trường cà phê thời gian tới, ông Bình cho rằng sẽ nhanh chóng phục hồi bởi hiện nay chi phí đầu vào đều đang tăng do đó giá cà phê không thể không tăng. Nếu giá cà phê không tăng thì người trồng cũng không thể bán được với mức giá lỗ.

Cung cấp về thông tin giá vừa khảo sát trên các vùng trồng ở Đắk Lắk ngày 03/3, ông cho biết, với mức giá 40.000 đồng/kg, thương lái đã không thể thu mua được vì nông dân không thể bán với giá lỗ. Do vậy, giá cà phê trong nước nếu có giảm thì vẫn sẽ không thể về mức 35.000 – 36.000 đồng/kg.

Công ty tư vấn Safras & Mercado cũng dự báo giá cà phê trên hai sàn thế giới sẽ sớm bình ổn trong ngắn hạn. Các nền kinh tế lớn trên thế giới phục hồi cũng giúp thúc đẩy tiêu thụ cà phê trở lại.

Xu hướng tiêu thụ cà phê hòa tan ngày một gia tăng giúp tăng lợi thế cho cà phê robusta của Việt Nam. Robusta là là nguyên liệu được sử dụng trong chế biến cà phê hòa tan và Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

Nguồn cung cà phê robusta được bổ sung khi Việt Nam vào vụ thu hoạch khiến giá cà phê sẽ giảm trong ngắn hạn. Ngoài ra, giá cà phê trong nước sẽ còn chịu áp lực từ rủi ro giá cà phê thế giới giảm khi nguồn cung dồi dào từ phía Brazil, người trồng cà phê Brazil đã bán 82% sản lượng của niên vụ 2021/22 (từ tháng 7/2021 đến ngày 10/1/2022).

Công ty này cũng đưa ra dự báo giá cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, thị trường đặt kỳ vọng lớn vào châu Âu và Mỹ mở cửa trở lại sẽ hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu.

Từ nhận định tình hình còn nhiều biến động phức tạp, tại Cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong tình hình mới, chiều 02/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các đơn vị theo dõi sát biến động cung cầu các mặt hàng chiến lược nhạy cảm, kịp thời có biện pháp điều hành phù hợp, tận dụng được cơ hội về giá để sản xuất, xuất khẩu và đảm bảo cung cầu cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA đã ký với các quốc gia, lãnh thổ, đặc biệt là FTA với Liên minh kinh tế Á – Âu, các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đảm bảo luồng hàng hoá xuất nhập khẩu được lưu thông thông suốt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Đọc tiếp