Giá cá tra tăng mạnh tại các thị trường xuất khẩu lớn

THỦY SẢN Việt nAM
08:01 - 04/05/2022
Giá cá tra tăng mạnh tại các thị trường xuất khẩu lớn
0:00 / 0:00
0:00
Thời gian qua, do việc khan hiếm nguồn cung cùng vấn đề logistics tăng cao đã đẩy giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường lớn đồng loạt tăng mạnh, trong đó Mỹ là thị trường ghi nhận mức tăng cao nhất.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá nguyên liệu tăng mạnh kéo giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu trung bình cũng tăng lên mức từ 3,2 - 3,4 USD/kg. Trong đó, giá xuất trung bình sang thị trường Mỹ cao nhất và tăng mạnh lên tới hơn 4,5 USD/kg. Đây là mức giá cao hơn cả mức đỉnh của năm 2019.

Các lô hàng cá tra chế biến và được vận chuyển đi Mỹ trong thời gian này chủ yếu là phile cá tra đông lạnh cỡ lớn 7-9 oz (Oz - Ounce là đơn vị đo thể tích chất lỏng); 8 - 10 oz và 10 - 12 oz. Trong khi cá thương phẩm đông lạnh cỡ 3 - 5 oz và 5 - 7 oz đang thiếu hụt.

Trong quý I/2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ ghi nhận tăng trưởng tốt. Sau khi kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá POR17 được công bố, các doanh nghiệp cá tra không bị áp thuế đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt hơn 160 triệu USD, tăng 123%. Hiện nay, tình trạng lạm phát kỷ lục đang diễn ra ở Mỹ do chuỗi cung ứng đứt gãy và tác động của khủng hoảng Ukraine, giá cả tăng chóng mặt, nhu cầu nhu yếu phẩm thiết yếu, trong đó có thực phẩm, thủy sản tăng mạnh nên sắp tới là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp cá tra đông lạnh sang thị trường này.

Giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu trung bình đi thị trường Trung Quốc cũng cao hơn hẳn so với năm ngoái, dao động từ 2,4 - 3,25 USD/kg (cùng kỳ năm ngoái ở mức 1,9 - 2,7 USD/kg).

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang xuất khẩu sản phẩm cá tra nguyên con/cắt xẻ đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh, bong bóng cá tra khô, cá tra nguyên con bỏ nội tạng đông lạnh, da cá tra đông block đông lạnh... sang Trung Quốc.

Sau khi gặp khó do chính sách zero covid của Trung Quốc, nhiều lô hàng cá tra luôn trong tình trạng lo lắng bị trả lại nếu nhiễm virus corona thì trong quý đầu năm giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hong Kong đã tăng trở lại. Dự báo còn khả quan hơn nữa ít nhất trong quý tới.

Theo VASEP, tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 183,4 triệu USD, tăng hơn 163% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 3, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hong Kong đạt 97,5 triệu USD, tăng 119%.

Giá phile cá đông lạnh xuất khẩu đi EU cũng khả quan, dao động từ 2,9 - 3,45 USD/kg. Trong đó, giá xuất khẩu đi thị trường Hà Lan, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha cũng tăng và ổn định so với cùng kỳ năm 2021.

Khủng hoảng lương thực đang diễn ra ở châu Âu do vấn đề logistics, xung đột Nga – Ukraine đã đẩy mức tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang EU tới 86%. Trong quý I/2022, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 46 triệu USD. Giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn trong khối như: Hà Lan tăng 86%; Đức tăng 97%; Bỉ tăng 120%; Tây Ban Nha tăng 67%.

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 3/2022, diện tích thả nuôi mới cá tra chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch đạt 350.000 tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tại một số địa phương chủ lực sản xuất cá tra như Đồng Tháp, diện tích nuôi cá tra cũng chỉ đạt 94,6%; diện tích nuôi cá tra thâm canh của Vĩnh Long cũng giảm 22,9% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo, tình trạng khan hiếm nguyên liệu sẽ còn tiếp tục kéo dài cho tới ít nhất là hết quý II/2022. Hiện nay, giá cá tra loại 0,7 - 0,8 kg/con dao động ở mức 31.000 - 32.500 đồng/kg; cỡ 1 - 1,2 kg/con dao động mức 32.000 - 34.500 đồng/kg. Như vậy, so với cùng kỳ, giá cá tra nguyên liệu đã tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 20% so với cuối năm 2021.

Giá cá tra nguyên liệu tăng trong thời gian qua giúp cho người nuôi có động lực thả nuôi trở lại. Tuy nhiên chi phí thức ăn, con giống, nguyên vật tư đầu vào cũng tăng nhanh không kém giá cá bán. Do đó, cho tới nay, cả người nuôi và doanh nghiệp chưa lời cao. Bù lại, yếu tố thị trường đầu ra đang tích cực và nhiều khả quan hơn trong các quý tới.

Chiến sự tại Ukraine vẫn chưa tới hồi kết nên điều này cũng là yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ và khó định hướng thị trường nên cả doanh nghiệp và người nuôi cần thận trọng tính toán và cân đối giữa diện tích, sản lượng nuôi với biến động thị trường để tránh lặp lại khủng hoảng thừa như cách đây vài năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp