Giá dầu quay đầu giảm nhẹ do nguồn cung tăng

DẦU THÔ THẾ GIỚI
11:31 - 04/01/2022
Giá dầu quay đầu giảm nhẹ do nguồn cung tăng
0:00 / 0:00
0:00
Việc OPEC+ tiếp tục tăng sản lượng trong tháng 2/2022 và giá khí đốt hạ nhiệt đã kéo giá dầu hôm nay đi xuống, sau khi tăng cao vào phiên trước nhờ kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu sẽ phục hồi trong năm 2022.
Giá dầu giảm khi có thông tin OPEC+ sẽ gia tăng sản lượng nguồn cung vào tháng 2/2022. Nguồn: Internet.

Giá dầu giảm khi có thông tin OPEC+ sẽ gia tăng sản lượng nguồn cung vào tháng 2/2022. Nguồn: Internet.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 4/1/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 đứng ở mức 75,96 USD/thùng, giảm 0,12 USD/thùng trong phiên.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 78,92 USD/thùng, giảm 0,06 USD/thùng trong phiên.

Giá dầu ngày 4/1 có xu hướng giảm nhẹ khi OPEC+ dự kiến thông qua một đợt tăng sản lượng nữa và lo ngại về số ca mắc COVID-19 gia tăng có thể ảnh hưởng tới nhu cầu.

OPEC và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, dự kiến nhóm họp vào ngày hôm nay để thông qua thoả thuận tăng sản lượng.

Trong khi đó, biến thể Omicron của virus Corona đã đẩy số ca mắc bệnh lên cao kỷ lục và ảnh hưởng tiêu cực tới lễ hội năm mới trên toàn thế giới, với hơn 4.000 chuyến bay bị hủy vào cuối tuần.

Ông Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch and Associates ở Galena (Illinois, Mỹ), cho biết cuộc họp hàng tháng của OPEC+ có nhiều khả năng sẽ thống nhất tăng sản lượng vì một số thành viên OPEC đang không thể việc đạt hạn ngạch được giao.

Bàn về phía nhu cầu, ông Tamas Varga của công ty môi giới dầu PVM cho biết: “Số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trên toàn cầu, các lệnh hạn chế đang được áp dụng ở một số quốc gia, lĩnh vực du lịch hàng không đang bị ảnh hưởng, tuy nhiên sự lạc quan của các nhà đầu tư vẫn rất rõ ràng".

Nhiều trường học ở Mỹ đang hoãn ngày khai giảng, nhanh chóng tiến hành xét nghiệm cho học sinh và giáo viên, và chuẩn bị quay lại học trực tuyến với số ca mắc biến thể Omicron đạt kỷ lục trên cả nước.

Mặt khác, giá dầu cũng nhận được một số hỗ trợ từ sự cố ngừng hoạt động ở Libya. Sản lượng dầu sẽ bị giảm 200.000 thùng/ngày trong một tuần do bảo trì đường ống dẫn dầu

Năm ngoái, giá dầu Brent đã tăng 50%, nhờ sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch COVID-19 và việc giảm nguồn cung của OPEC+, ngay cả khi số ca mắc COVID-19 lên cao kỷ lục trên toàn thế giới.

Một số chuyên gia nhận thấy đà tăng của thị trường sẽ tiếp tục trong năm 2022.

Báo cáo từ các nhà phân tích của UBS, gồm cả ông Giovanni Staunovo, cho biết giá dầu thô và sản phẩm dầu sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu dầu tăng vượt mức năm 2019. "Chúng tôi dự đoán Brent sẽ tăng lên mức 80–90 USD trong năm 2022", báo cáo chỉ ra.

Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 lạc quan cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu hôm nay không rơi vào trạng thái lao dốc.

Tại thị trường trong nước, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Xăng/dầu

Giá không cao hơn

Xăng E5RON92

22.550 đồng/lít

Xăng RON95-III

23.290 đồng/lít

Dầu diesel 0.05S

17.570 đồng/lít

Dầu hỏa

16.510 đồng/lít

Dầu mazut 180CST 3.5S

15.740 đồng/kg

Tin liên quan

Đọc tiếp