Giá khí đốt tại châu Âu có khả năng tăng gấp 3 lần

KHÍ ĐỐT CHÂU ÂU
08:44 - 16/05/2022
Một cơ sở khai thác khí đốt của tập đoàn Gazprom của Nga tại Kovyktinskoye. Ảnh: Bloomberg
Một cơ sở khai thác khí đốt của tập đoàn Gazprom của Nga tại Kovyktinskoye. Ảnh: Bloomberg
0:00 / 0:00
0:00
Theo dự đoán của công ty năng lượng Rystad Energy, chi phí nhiên liệu và đặc biệt là khí đốt trong khu vực đồng Euro có thể tăng gấp 3 lần và đạt tới 3.500 USD/1.000 mét khối khi mùa đông tới và nhiệt độ giảm mạnh.

Các nhà phân tích tại Rystad Energy cho biết một cơn khủng hoảng nhiên liệu mùa đông đang dần hình thành ở châu Âu, khi châu lục này tìm cách hạn chế các dòng khí đốt tới từ Nga. Theo số liệu chính thức của năm 2021. Nga xuất khẩu tới 155 tỷ mét khối khí đốt tới khu vực này, cung ứng hơn 31% nhu cầu tại đây.

Do đó theo RT trích dẫn thông cáo báo chí của tập đoàn năng lượng Rystad Energy, châu Âu có khả năng không có đủ khí đốt hóa lỏng tự nhiên (LNG) để thay thế khí đốt từ nước này trong thời tiết băng giá. Do đó nếu nguồn cung từ Nga không được duy trì, châu lục này sẽ phải chứng kiến mức giá khí đốt tăng vọt lên tới 3.500 USD / 1.000 mét khối, tương đương với gấp 3 lần hiện tại.

Thêm vào đó, việc thay thế phần lớn số khí đốt này sẽ rất khó khăn và sẽ đi kèm với hậu quả đáng kể lên dân số của khu vực này. Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng tới nền kinh tế châu Âu cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng.

Theo nhận định của Rystad Energy, việc châu Âu tẩy chay khí đốt của Nga dẫn tới sự bất ổn trên toàn bộ thị trường LNG toàn cầu vốn đã phải chịu nhiều bấp bênh sau năm 2021. Việc thay thế nguồn cung và giảm sự phụ thuộc của 30% tới 40% nhu cầu khí đốt khu vực sẽ thay đổi cơ cấu ngành này trên phạm vi toàn cầu.

Cũng theo báo cáo này, nhu cầu LNG toàn cầu dự kiến đạt 436 triệu tấn vào năm 2022, vượt xa nguồn cung hiện có chỉ 410 triệu tấn. Vì vậy, bất kỳ sự mất cân bằng nguồn cung nào đều sẽ dẫn tới giá cả tăng cao và tạo ra môi trường bất ổn nhất cho các dự án LNG trong hơn một thập kỷ. Cho tới năm 2024, nguồn cung cho các dự án này mới có thể trở nên ổn định hơn.

Các đường ống gần một cơ sở xử lý khí đốt của Gazprom tại mỏ khí đốt Bovanenkovo trên bán đảo Bắc Cực Yamal. Ảnh: Reuters

Các đường ống gần một cơ sở xử lý khí đốt của Gazprom tại mỏ khí đốt Bovanenkovo trên bán đảo Bắc Cực Yamal. Ảnh: Reuters

Nếu dòng khí đốt của Nga ngừng đột ngột vào ngày 16/5, lượng khí đốt hiện đang được dự trữ đầy khoảng 35% của châu Âu có thể sẽ cạn kiệt trước cuối năm nay và “khiến châu Âu phải chịu đựng một mùa đông khắc nghiệt” khi không còn nguồn cung giá rẻ và ổn định từ Nga.

Nếu kịch bản này xảy ra trong bối cảnh các nước chưa có các thỏa thuận mua chung và phải cạnh tranh với nhau các nguồn cung hạn chế, giá khí TTF có thể tăng lên hơn 100 USD / triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu). Như một kết quả đương nhiên, sản lượng đầu ra ngành công nghiệp sẽ bị cắt giảm. Trong trường hợp khủng hoảng nghiêm trọng hơn, ngay cả các hộ dân cư cũng không an toàn.

Tuần trước, giá khí đốt tự nhiên đã bắt đầu tăng sau khi Moscow áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên lên một số công ty năng lượng nhằm đáp trả lại EU. Dữ liệu do ICE, London cung cấp cho thấy giá khí đốt châu Âu vượt mức kỷ lục 1.200 USD cho mỗi 1.000 mét khối trong phiên giao dịch hôm 12/5. Theo Reuters, mức giá này đã cao hơn 300% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng và có khả năng cao vẫn sẽ tiếp tục tăng, tờ Welt am Sonntag của Đức đưa tin hôm 14/5 rằng Ủy ban châu Âu có thể sẽ đi tới từ bỏ các quy định về cạnh tranh. Từ đó, các quốc gia EU có thể đưa ra mức giới hạn giá khí đốt đối cho người tiêu dùng nếu nguồn cung cấp khí đốt từ Nga bị ngừng.

Theo tài liệu của EC về “các biện pháp can thiệp vào thị trường năng lượng trong ngắn hạn”, các nước thành viên EU nên được phép điều chỉnh giá trong một giai đoạn chuyển tiếp để bảo vệ người tiêu dùng khỏi mức giá khí đốt phi mã.

Nhằm loại bỏ nhiên liệu của Nga sớm nhất là trong tháng 5, EC cũng đang có kế hoạch cho một dự thảo chi tiết cũng như số kinh phí cần thiết Kế hoạch tổng thể kéo dài 5 năm để trở nên độc lập năng lượng khỏi Nga sẽ là một phần của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng để đáp trả chiến dịch quân sự mà nước này tiến hành với Ukraine.

Đọc tiếp