Giá trị xuất khẩu phân bón tăng 190%, mức tăng cao nhất trong các mặt hàng nông nghiệp

XUẤT KHẨU Việt nAM
21:22 - 04/05/2022
Xuất khẩu nông sản tăng 190% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nông sản tăng 190% so với cùng kỳ năm trước.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản 4 tháng đầu năm 2022 đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, riêng xuất khẩu các mặt hàng đầu vào sản xuất tăng mạnh 70,7%.

Xuất khẩu nông sản đạt 17,9 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 31,8 tỷ USD, tăng 7,0% so với 4 tháng đầu năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt khoảng 17,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu ước trên 4,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, giảm 2,6% so với tháng 3/2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt khoảng 1,9 tỷ USD, lâm sản chính ước gần 1,6 tỷ USD, thủy sản đạt gần 1,1 tỷ USD và chăn nuôi đạt 29,7 triệu USD.

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước gần 17,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 7,4 tỷ USD, tăng 10,5%; lâm sản chính đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 4,9%; thủy sản ước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 43,7%; chăn nuôi ước đạt 105,4 triệu USD, giảm 19,0%; xuất khẩu đầu vào sản xuất khoảng 883 triệu USD, tăng 70,7%.

Đặc biệt, phân bón có giá trị xuất khẩu tăng vọt 190% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 439 triệu USD.

Cũng trong 4 tháng đầu năm, đã có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gồm: cà phê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ.

Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ: Cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.

Xét về thị trường xuất khẩu, khu vực châu Á chiếm thị phần lớn nhất trong các thị trường xuất khẩu, ước gần 40%, thứ hai là châu Mỹ 29,7%, châu Âu 12,8%, châu Phi 1,8% và châu Đại Dương 1,7%. Trong đó, gỗ và các sản phẩm từ gỗ xuất khẩu nhiều nhất sang các thị trường: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ở chiều ngược lại, theo Bộ NN&PTNT, tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước gần 13,9 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 8,8 tỷ USD, giảm 2,9%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 564,3 triệu USD, tăng 13,0%; nhóm lâm sản chính khoảng 988,2 triệu USD, giảm 3,6%; nhóm sản phẩm chăn nuôi khoảng 979,8 triệu USD, giảm 14,9%; nhóm đầu vào sản xuất ước gần 2,4 tỷ USD, tăng 4,0%. Riêng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu gần 1,5 tỷ USD giảm 11,9%; phân bón khoảng 625,4 triệu USD tăng 73,3%.

Sang đến tháng 4, Campuchia lại trở thành thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam nhiều nhất đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 11,4% thị phần (trong đó mặt hạt điều chiếm 50,8% giá trị); tiếp theo là Hoa Kỳ và Brazil đều đạt khoảng 1,1 triệu USD, chiếm 8,1%.

Tiếp tục mở cửa thị trường trong tháng 5

Để tiếp tục khai thông xúc tiến thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu, trong tháng 5/2022, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương và tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (đặc biệt tại các cửa khẩu).

Đồng thời, Bộ NN&PTNT tăng cường triển khai cập nhật hệ thống phần mềm dữ liệu cung cầu nông sản từ địa phương, tổ chức các khóa đào tạo tập huấn về quy trình số hóa 3 bước cho nông sản Việt và phổ biến 5 quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Bộ cũng tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam -Trung Quốc. Chuẩn bị tổ chức đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Chôm chôm, chanh, bưởi sẽ là những mặt hàng được Bộ NN&PTNT đẩy mạnh đàm phán xuất khẩu sang New Zealand. Các chương trình làm việc song phương với Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc; xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đi EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản cũng sẽ được Bộ xúc tiến trong tháng 5/2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp