Giấc mơ xe điện của Đông Nam Á

Giấc mơ xe điện của Đông Nam Á

XE ĐIỆN ĐÔNG NAM Á
21:52 - 21/01/2023
Cùng đón đầu xu hướng chuyển đổi xanh, một số quốc gia trong ASEAN bắt đầu những nỗ lực chuyển hướng. Trong đó, lĩnh vực xe điện có thể trở thành một trong những đường đua nóng thu hút nguồn vốn đầu tư xanh thời gian tới. 

Cam kết của Việt Nam đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đã đặt lĩnh vực giao thông trước yêu cầu chuyển đổi, trong một nỗ lực chung giảm phát thải khí carbon và khí methane, hiện thực hóa mục tiêu năm 2045, 100% xe mới bán ra tại Việt Nam là xe điện.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và nhánh kinh doanh ô tô Vinfast non trẻ đã tham gia đường đua, góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng xe điện.

Được thành lập vào năm 2017, đánh thức một giấc mơ dai dẳng của người Việt Nam - xe ô tô mang thương hiệu Việt, Vinfast định vị khởi đầu là nhà sản xuất ô tô chạy động cơ xăng. Nhưng cú ngoặt xe chiến lược nhiều bất ngờ hồi tháng 1/2022 đã đưa Vinfast vào cuộc đua những nhà sản xuất xe ô tô chạy hoàn toàn bằng điện.

Thành công hay không là câu trả lời của tương lai nhưng với động thái này, một nhà sản xuất Việt Nam đã chính thức trở thành hãng ô tô thuần điện đầu tiên, đồng thời cũng là một trong những hãng ô tô tiên phong trên thế giới tuyên bố từ bỏ hoàn toàn động cơ đốt trong. Song song với tuyên bố chuyển sang xe điện, Vinfast công bố hàng loạt các dòng xe điện mới thuộc đủ các hạng xe A-B-C-D-E gồm Vinfast VF5, Vinfast VF6, Vinfast VF7, Vinfast VF8, Vinfast VF9 và Vinfast VF e34.

Ngoài ô tô, nhà sản xuất Việt Nam cũng cho ra mắt nhiều mẫu xe máy điện với mẫu mã và giá cả đa dạng từ hạng cao cấp, trung cấp cho tới phổ thông. Tháng 3/2021, Vinfast khai trương và vận hành Green Bus - xe bus điện đầu tiên tại Việt Nam. Tới 15/12/2021, mẫu xe điện VF e34 chính thức giao những chiếc xe điện đầu tiên do Việt Nam sản xuất tới tay khách hàng.

Tuy nhiên, VinFast tuyên bố tầm nhìn của họ không chỉ nằm ở thị trường trong nước. Tới 29/3/2022, Vinfast ghi nhận một dấu mốc khi ký kết ghi nhớ cùng chính quyền bang Bắc Carolina, Mỹ trong việc xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của hãng tại thị trường Bắc Mỹ. Theo các thông tin ban đầu, dự án này sẽ có mức đầu tư 2 tỷ USD trong giai đoạn 1 và được đặt tại KCN Triangle Innovation Point, Hạt Chatham nước Mỹ với diện tích khoảng 800 ha. Nhà máy được công bố sẽ vận hành vào năm 2024 với công suất ban đầu 150.000 xe/năm và sẽ tạo ra khoảng 7000 việc làm mới.

Xe điện VinFast VF8 trên đường được chất lên tàu tại MPC Port, Hải Phòng tới California, Mỹ.
Xe điện VinFast VF8 trên đường được chất lên tàu tại MPC Port, Hải Phòng tới California, Mỹ.

Ngày 25/11/2022, Vinfast ghi nhận một cột mốc trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vốn trước nay nhiều thất bại hơn thành công, khi chính thức xuất khẩu lô đầu tiên gồm 999 xe điện VF8 sang thị trường Mỹ. Hãng này công bố, sau Mỹ, Vinfast sẽ tiếp tục xuất khẩu mẫu VF8 sang thị trường Canada và châu Âu để bàn giao vào năm 2023. Theo công bố của VinFast, số lượng đặt hàng cho 2 mẫu VF8 và VF9 trên thế giới hiện rơi vào khoảng 65.000 đơn.

Chặng đua gần nhất quan sát được của VinFast đã được ghi nhận vào ngày 7/12/2022, VinFast Trading & Investment Pte. Ltd, công ty con đặt tại Singapore của Vingroup công bố đã nộp hồ sơ đăng ký theo Mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (“SEC”) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast kiêm Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup nói trong ngày công bố: "Chúng tôi tự tin với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng của mình trong quá trình chuẩn bị cho IPO này. Với những bước đi này, VinFast tiến được một bước nữa đến cột mốc lịch sử là được niêm yết trên sàn Nasdaq Global Select Market. Đó sẽ là một dấu mốc đáng nhớ tiếp theo của VinFast trên hành trình chinh phục thế giới".

Nhằm thực hiện tầm nhìn biến Indonesia thành một trung tâm xe điện của thế giới, Indonesia đang thu hút đầu tư từ nhiều hãng ô tô lớn trên thế giới, không chỉ về mảng sản xuất mà còn ở mảng pin xe điện, do quốc gia này muốn tận dụng lợi thế tài nguyên nickel phong phú của mình - một kim loại quan trọng trong quá trình sản xuất pin xe điện.

Indonesia cũng chú trọng xây dựng hệ sinh thái xe điện nội địa và tập đoàn Indika Energy chính là một trong những cái tên đi tiên phong. Vốn là một tập đoàn đầu tư đa lĩnh vực nhưng chủ yếu là khai thác than, Indika Energy đang thực hiện nhiều nỗ lực trong việc đa dạng hóa doanh thu của mình khỏi nguồn năng lượng hóa thạch.

Thông qua công ty con PT Mitra Motor Group (MMG), Indika Energy quyết định mở rộng cam kết môi trường sang lĩnh vực xe điện thông qua việc thành lập một công ty liên doanh với Foxconn. Liên doanh mới mang tên PT Foxconn Indika Motor (FIM) sẽ tiến hành sản xuất xe điện thương mại và pin xe điện cũng như cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý.

Theo như những thông tin được công bố tại Sở giao dịch chứng khoán Indonesia (IDX), MMG được thành lập với mục đích tập trung vào các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xe bốn bánh trở lên. Liên doanh FIM với Foxconn sẽ chuyên về việc sản xuất ô tô để có thể đáp ứng mục tiêu 2,2 triệu ô tô điện vào năm 2030 của chính phủ Indonesia. Tuy nhiên tờ Nikkei Asia từng đưa tin rằng liên doanh FIM sẽ tập trung phát triển pin lithium iron phosphate cho xe điện và sản xuất các phương tiện thương mại như xe bus điện trước.

Xe điện Alva One của Indika Energy

Xe điện Alva One của Indika Energy

Ngoài ra, Indika Energy cũng có một công ty riêng chuyên về xe máy chạy bằng điện. Các dự đoán cũng cho thấy mảng xe máy điện tại thị trường 280 triệu dân này là vô cùng màu mỡ do lợi thế chi phí vận hành rẻ và giá cả tương đương với xe máy chạy bằng xăng.

Indika Energy ngày 20/5/2022 đã hợp tác với hai quỹ đầu tư mạo hiểm là Alpha JWC Ventures và Horizons Ventures vào công ty con Ilectra Motor Group (IMG). Theo thông báo chính thức của công ty, xe máy điện Alva One sẽ được sản xuất tại một nhà máy ở Cikarang, Tây Java, dự kiến có sản lượng hàng năm khoảng 100.000 xe.

Energy Absolute hiện đang là một trong những nhà sản xuất điện tái tạo lớn nhất ở Thái Lan. Bằng cách đầu tư vào lĩnh vực lưu trữ pin và xe điện, tập đoàn này hy vọng chiếm được thị phần lớn trong thị trường xe điện tiềm năng của Thái Lan và thiết lập nên một hãng xe điện nội địa.

Công ty coi xe điện là chìa khóa cho tương lai của mình, đặc biệt là sau khi chính phủ Thái Lan công bố mục tiêu 7 triệu xe điện lưu thông trên đường vào năm 2035. Với tầm nhìn đó, hồi cuối tháng 12/2021, Energy Absolute đã tổ chức lễ khai trương nhà máy sản xuất pin lithium-ion trị giá 178 triệu USD tại Chachoengsao, một tỉnh miền trung Thái Lan nơi tập trung nhiều nhà sản xuất ô tô. Công ty đang nhắm tới việc thiết lập chuỗi cung ứng pin ô tô ở Thái Lan, từ đó biến quốc gia này thành trung tâm sản xuất xe điện ở Đông Nam Á. Một phần trong các mục tiêu trên chính là sử dụng pin của chính mình để lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng tại các trạm sạc.

Ngoài Energy Absolute, công ty năng lượng quốc doanh của Thái Lan là PTT PCL cũng sẽ hợp tác với Foxconn trong việc sản xuất xe điện bằng cách thành lập liên doanh Horizon Plus. Theo thông tin từ hãng thông tấn National Thailand, liên doanh này sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện mới tại khu vực Hành lang Kinh tế phía Đông của Thái Lan.

Thông cáo báo chí của liên doanh này cho biết mục tiêu của công ty là cung cấp xe điện ra thị trường vào năm 2024. Theo báo cáo của Digitimes, việc xây dựng dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024 với năng lực sản xuất hàng năm trong 2 đến 3 năm đầu tiên đạt 50.000 xe và sau đó ổn định ở ngưỡng 150.000 xe vào năm 2030.

Xe bus điện của Energy Absolute.
Xe bus điện của Energy Absolute.

Cũng là một quốc gia với những cam kết môi trường trước thế giới, chính phủ Malaysia đang thực hiện nhiều nỗ lực chuyển đổi xanh và điện hóa ngành giao thông.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Malaysia đã vạch ra kế hoạch ứng dụng xe bus điện và taxi điện nhằm khuyến khích người tiêu dùng và các ngành công nghiệp chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên dù việc cải thiện giao thông công cộng đã có nhiều tiến triển, phương tiện giao thông cá nhân vẫn đóng vai trò chủ đạo trong đời sống hàng ngày của người dân Malaysia.

Vì vậy, Malaysia hướng tới việc điện hóa phương tiện cá nhân song song với phương tiện công cộng. Công ty startup EV Innovations chính là một doanh nghiệp Malaysia muốn nắm bắt cơ hội lớn này.

Là một công ty con của tập đoàn System Consultancy Services (SCS) - nhà cung cấp công nghệ thông tin và truyền thông địa phương - EV Innovations đã cho ra mắt nguyên mẫu xe điện MyKar 3.0 mới nhất của mình. Theo công ty, chiếc xe này được thiết kế dựa trên chiếc Axia của hãng Perodua - một trong những nhà sản xuất ô tô nội địa hàng đầu tại Malaysia.

Tuy nhiên, với thực tế Malaysia vốn sở hữu nền tảng công nghiệp vững chắc từ 2 nhà sản xuất ô tô nội địa là Perodua và Proton, những nỗ lực hiện tại của quốc gia này đối với xe điện dường như là chưa đủ so với tiềm năng vốn có của họ, nhất là khi so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Nhờ vào các mẫu ô tô của 2 tập đoàn trên, Malaysia ghi nhận tỷ lệ sở hữu ô tô cao top đầu trong Đông Nam Á ở ngưỡng 443 xe/1.000 dân.

Proton và Perodua vì vậy được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng giúp ngành giao thông Malaysia xanh hóa. Tuy nhiên, các thay đổi này sẽ không đến trong tương lai gần. Trước mắt, nhà sản xuất Perodua chỉ khẳng định sẽ tham gia vào thị trường xe điện khi thời điểm thích hợp.

Xe điện MyKar của startup EV Innovations, Malaysia.
Xe điện MyKar của startup EV Innovations, Malaysia.

Hãng tin Bernama đã từng trích dẫn Phó giám đốc điều hành Roslan Abdullah của nhà sản xuất Proton cho biết tập đoàn đang lên kế hoạch sản xuất và tung ra dòng xe điện của riêng mình vào năm 2027. Ông cho biết lộ trình xe điện của công ty bắt đầu từ 10 năm trước, tuy nhiên Proton vẫn gặp khó do các vấn đề liên quan tới nhu cầu thị trường và công nghệ.

Vào tháng 9/2022, Proton đã thành lập một công ty mới có tên Proton New Energy Technology (Pro-Net) để xử lý việc bán hàng và phân phối cho các phương tiện thông minh cũng như các dịch vụ phương tiện năng lượng mới của riêng mình trong tương lai. Thông qua kênh này, xe điện trong tương lai của nhà sản xuất ô tô - và có thể là cả xe hybrid nhẹ - sẽ tiến vào thị trường.

Trong thời gian chờ đợi, Proton sẽ tiếp tục tăng cường năng lực của mình và tích lũy kinh nghiệm thông qua sự hợp tác với các nhà sản xuất trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, tập đoàn đã được chỉ định làm nhà phân phối tại Malaysia và Thái Lan của mẫu xe điện Smart#1 của nhà sản xuất Trung Quốc Geely vào khoảng quý IV/2023.

Đọc tiếp