Giải bài toán 'khát' nhân sự hậu Covid-19 bằng chuyển đổi số

Giải bài toán 'khát' nhân sự hậu Covid-19 bằng chuyển đổi số

Tuyển dụng LAO ĐỘNG
07:02 - 04/07/2022
Trái ngược với phương pháp rải thông tin đăng tuyển khắp nơi để tìm kiếm nhân sự nhưng hiệu quả không cao, một xu hướng tuyển dụng mới có thể giúp ứng viên tự tìm đến doanh nghiệp đã giúp các nhà tuyển dụng giải “bài toán” khó về nhân sự.

Theo Tập đoàn tuyển dụng và nhân sự Manpower, năm 2021 có gần 69% công ty trên toàn cầu báo cáo tình trạng thiếu hụt nhân sự - con số cao nhất trong vòng 15 năm qua. Riêng tại Việt Nam, có đến hơn 98,1% doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào tình trạng trên. Cụ thể, trung bình trong hơn 200 hồ sơ ứng tuyển, doanh nghiệp chỉ có thể lọc ra dưới 10% hồ sơ thật sự đạt yêu cầu và có thể tuyển dụng.

Xuất phát từ thực trạng này, ông Hồ Văn Tâm, CEO InApps và Founder InTalents – người sáng lập ra nền tảng tuyển dụng theo công thức mới đã chia sẻ với Mekong ASEAN về thị trường lao động hậu Covid-19, đồng thời gợi ý công thức tuyển dụng mới có thể giúp các doanh nghiệp giải bài toán thiếu hụt nhân sự hiện nay.

Thị trường khốc liệt buộc doanh nghiệp phải thay đổi cách tuyển dụng

Đứng ở góc độ là một nhà nghiên cứu thị trường tuyển dụng, ông Hồ Văn Tâm “bắt bệnh” cho khâu tuyển dụng của các doanh nghiệp hiện tại bằng hai từ: áp lực và khốc liệt.

Thực tế này cũng được báo cáo tuyển dụng của Manpower 2021 chỉ ra, bài toán tuyển dụng đang tạo nhiều sức ép lên bộ phận tuyển dụng khi họ phải liên tục đăng tin tuyển dụng trên nhiều kênh. Tuy nhiên, lượng hồ sơ đổ về chưa tương ứng với công sức bỏ ra.

Thêm vào đó, các công việc thủ công như nhập xuất dữ liệu ứng viên cũng chưa được tối ưu, tốn nhiều thời gian trong khâu phỏng vấn. Kể cả khi đã tuyển dụng thành công nhưng tỷ lệ nghỉ việc sớm lại gây ra nhiều lãng phí trong nguồn lực.

Trong vòng 30 năm qua, nhà tuyển dụng có xu hướng “nhào lại" công thức cũ cho các chiến lược thu hút nhân tài, cụ thể qua việc đăng tải các bản mô tả công việc trên các kênh thông thường hay tiếp cận ứng viên trực tiếp.

Tuy nhiên, bối cảnh ngành tuyển dụng đã có nhiều thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua, khi theo một thống kê ứng viên chỉ dành trung bình 49,7 giây để đọc lướt qua một bản mô tả công việc. Thay vào đó, ứng viên hiện nay dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về một doanh nghiệp trước khi nhấn nút nộp đơn.

Trước bối cảnh lao động mới, nơi có sự giao thoa giữa ứng viên chủ động và bị động, các doanh nghiệp không thể giữ nhận định rằng việc "tái chế" các phương thức truyền thống, chiến lược cũ có thể mang lại hiệu quả cao như mong đợi.

Từ thực trạng bức tranh tuyển dụng của thế giới, đối chiếu với Việt Nam, ông Tâm nhìn nhận, hiện nay, ứng viên không chỉ quan tâm đến vị trí mà họ đang ứng tuyển, mà còn quan tâm đến văn hóa, môi trường làm việc. Do đó, trách nhiệm về khả năng thích ứng của ứng viên ngày càng đè nặng lên vai của doanh nghiệp.

Sau thời kỳ Covid-19, nhìn nhận chung về bức tranh tổng thể, ông Tâm cho rằng, thị trường lao động cũng như nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi so với trước.

“Để bù đắp cho sự thiếu hụt lực lượng lao động, 65% doanh nghiệp trong năm 2022 đưa ra dự kiến tăng nguồn lực và nhân lực cho tuyển dụng và có đến 56% doanh nghiệp chú trọng chuyển đổi số trong tuyển dụng. Nhu cầu này gấp đôi so với năm 2021”, CEO Hồ Văn Tâm chỉ ra.

Theo ông Tâm, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn khi cạnh tranh nguồn lực lao động giữa các doanh nghiệp ngày càng căng thẳng với các vấn đề: Ứng viên chưa đủ năng lực kỳ vọng của công ty/tổ chức; tỷ lệ nghỉ việc ngày càng cao và chi phí tuyển dụng cũng tăng theo mức độ cạnh tranh; công ty đôi khi thiếu cơ chế, chính sách thu hút được ứng viên, nhân tài.

Ngoài ra, quy trình tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp còn chưa hoàn toàn được chuyển đổi số nên tốn nhiều thời gian, công sức trong việc chăm sóc và chọn lọc ứng viên. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong năm 2022 cũng như các năm sau đó.

“Các doanh nghiệp cần tính đến xây dựng thương hiệu tuyển dụng bền vững, mang tính cạnh tranh cao trong thị trường. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần đặt ra câu hỏi: Làm cách nào để có được đủ nguồn nhân sự theo yêu cầu của công ty và đi cùng với đó là chính sách nào đủ hấp dẫn các ứng viên mà công ty đang thiếu”, ông Tâm đặt vấn đề.

Giải quyết bài toán “khát” nhân sự hậu Covid-19 bằng chuyển đổi số

Trước những thách thức do Covid-19 gây ra, khảo sát của InTalents cho thấy, 76% doanh nghiệp cho rằng ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trong hoạt động tuyển dụng, chính là chìa khóa giúp họ gia tăng giá trị của doanh nghiệp.

Dẫn số liệu từ báo cáo của InTalents, ông Tâm cho rằng, ở Việt Nam có 84,8% doanh nghiệp nhận thức rằng chuyển đổi số trong tuyển dụng là nhu cầu cần thiết. Điều này sẽ giúp quá trình tìm kiếm nhân sự của doanh nghiệp có thể tiếp cận được các hồ sơ ứng viên phù hợp và nhanh chóng hơn.

“Đặc biệt, chuyển đối số sẽ giúp giải quyết bài toán tối ưu chi phí một cách hữu hiệu. Trước khi chuyển đổi số, một người phụ trách tuyển dụng trong một tháng có thể phụ trách 5 - 10 vị trí cần tuyển với số lượng khoảng 20 ứng viên. Nhưng khi ứng dụng chuyển đổi số, hiệu suất này hoàn toàn có thể tăng lên gấp đôi hoặc hơn, giảm thời gian cho nhân sự tuyển dụng bằng những quy trình tự động hóa”, CEO InTalents cho biết thêm.

Theo ông Tâm, chuyển đổi số trong tuyển dụng cũng là một cách thúc đẩy xây dựng thương hiệu tuyển dụng hiệu quả, giúp cho việc truyền thông văn hóa công ty đến với thị trường hiệu quả, nhanh chóng thông qua thông qua một website tuyển dụng thu hút, công cụ marketing, các chiến dịch và giải pháp chia sẻ cộng đồng ngay trên một nền tảng.

Ngoài ra, chuyển đổi số trong tuyển dụng sẽ giúp đo lường báo cáo mức độ tương tác của ứng viên với doanh nghiệp một cách hiệu quả và đo lường được thời gian thực hiện, đồng thời tăng cường sự trải nghiệm của ứng viên.

Đâu là phương pháp chuyển đổi số hiệu quả trong tuyển dụng?

Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng chuyển đổi số vào công thức tuyển dụng cũ thì sẽ không thể giải quyết hết được khó khăn của thị trường. Xuất phát từ nhận thức này, CEO Hồ Văn Tâm đặt ra yêu cầu cần thiết của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào công nghệ tuyển dụng.

Trên thị trường hiện nay đang có một số nền tảng quản lý hồ sơ ứng viên tự động (ATS) trong tuyển dụng, tuy nhiên sự khác biệt của InTalents so với các nền tảng đó là thay đổi tư duy chủ động tìm kiếm ứng viên bằng cách xây dựng thương hiệu tuyển dụng, xây dựng kho nội dung hữu ích cho ứng viên; truyền tải văn hóa, hoạt động tích cực của doanh nghiệp đến với cộng đồng, ứng dụng tư duy “inbound marketing” trong tuyển dụng.

Kết quả này đã được InTalents chứng minh qua nghiên cứu hơn 1.000 đối tác thực tế của mình đến từ các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ… Nếu sử dụng nhiều phần mềm riêng lẻ, doanh nghiệp có thể tốn hơn 80 triệu/năm cho việc tuyển dụng, trong khi sử dụng hệ thống ATS được tích hợp nhiều công cụ hỗ trợ thì sẽ chỉ tốn khoảng dưới 10 triệu/năm - tức giảm đi hơn 8 lần.

Với kỳ vọng đưa InTalents trở thành một công cụ hỗ trợ để tiết kiệm chi phí dành cho việc tuyển dụng nhưng vẫn mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, ông Hồ Văn Tâm cho biết, định hướng trong năm 2022 công ty sẽ đẩy mạnh nền tảng này để mang đến sự thay đổi trong tuyển dụng, giúp cho các doanh nghiệp có thể giải quyết được các bài toán nhân sự một cách dài hạn thông qua các chương trình đào tạo online hay các buổi hội thảo.

Ngoài ra, công ty cũng sẽ ứng dụng công nghệ AI để tự động hóa, kết nối nhân tài phù hợp với doanh nghiệp, giảm tải thời gian lãng phí, tăng hiệu suất tuyển dụng và bảo mật hồ sơ ứng viên một cách an toàn nhất.

“Để vượt qua sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường lao động hậu Covid-19, các doanh nghiệp cần xác định chuyển đổi số lấy ứng viên làm trung tâm và xây dựng thương hiệu tuyển dụng là chìa khóa quan trọng để các doanh nghiệp tạo ra lợi thế trên thị trường tuyển dụng cũng như thu hút nhân tài”, CEO Hồ Văn Tâm nhấn mạnh.

Đọc tiếp