Giải mã các yếu tố chính sách cho chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam

NĂNG LƯỢNG Chuyển dịch
19:06 - 29/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Báo cáo Phát triển Khí hậu Quốc gia của World Bank, mỗi năm Việt Nam cần đến 7% GDP là một khoản đầu tư đáng kể cho chuyển dịch năng lượng công bằng, nhưng các giải pháp về quản trị mới là yếu tố then chốt cho quá trình này.

6 khuyến nghị từ bài học thế giới

Tại tọa đàm “Tài chính và quản trị cho chuyển dịch năng lượng công bằng”, chiều 29/7, do UNDP phối hợp với Báo Đầu tư tổ chức, các chuyên gia đều cho rằng những kết quả bước đầu trong của quá trình chuyển dịch năng lượng thời gian qua đã chứng minh một điều rằng, tài chính không phải là một yếu tố cản trở chuyển đổi năng lượng công bằng, mà các giải pháp về quản trị mới là yếu tố then chốt

Theo báo cáo Phát triển Khí hậu Quốc gia của World Bank gần đây cho biết, sẽ cần 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040, tương đương 7% GDP hàng năm cho quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam. Ngân hàng Thế giới đánh giá đây là một khoản đầu tư đáng kể

Đưa ra ý kiến về vấn đề này tại tọa đàm, bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNDP cho biết, trong khía cạnh tài chính có 2 yếu tố vô cùng quan trọng là khả năng sinh lời và khả năng dự báo. Quá trình điện mặt trời bùng nổ ở Việt Nam là minh chứng cho khả năng sinh lời này. Ban đầu biểu giá điện tái tạo do Chính phủ ấn định tương đối cao đủ đảm bảo sinh lời, nhưng nếu tính dài hạn thì sẽ làm giảm tính cạnh tranh với điện than.

Trong bối cảnh thị trường năng lượng hiện nay và toàn cầu, bà Kanni Wignaraja đề xuất 6 kinh nghiệm cho Việt Nam:

Thứ nhất: Chính phủ cần đóng vai trò là nhà đầu tư sớm và nhà đầu tư hấp thụ rủi ro trong cơ sở hạ tầng vật chất thiết yếu và là người bảo vệ môi trường pháp lý hấp dẫn cho các khoản đầu tư sinh lời vào năng lượng tái tạo.

Thứ hai: Tài trợ cho lưới điện Quốc gia thông minh. Ở hầu hết các nước đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam, lưới điện quốc gia hiện tại không thể đáp ứng được nguồn cung cấp thêm.

Thứ ba: Thuế carbon là một công cụ cần thiết sớm thực hiện. Đầu tư vào lưới điện được nâng cấp và cho các bối cảnh yêu cầu các giải pháp không nối lưới, có thể đến từ các nguồn thông thường, bao gồm thuế và bán trái phiếu trong nước và thuế carbon. Nếu làm tốt, điều này không chỉ tạo ra nguồn thu cho đầu tư công mà còn khuyến khích các doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Thứ tư: Thuế nhiên liệu hóa thạch. Đây là loại thuế dễ quản lý và cung cấp một giải pháp thay thế tạm thời. Trong khi đó, đánh thuế xăng dầu là không phổ biến về mặt chính trị, nhưng nó là một loại thuế lũy tiến khiến san sẻ gánh nặng chi phí từ cho người nghèo.

Thứ năm: Trái phiếu xanh là một lựa chọn khác cho các dự án đầu tư công, đặc biệt là những dự án đòi hỏi nhập khẩu tư liệu sản xuất và công nghệ. Nếu sự quan tâm của nhà đầu tư đối với trái phiếu xanh đủ cao, họ có thể cung cấp một giải pháp thay thế hiệu quả về chi phí cho các nguồn vay khác.

Thứ sáu: Hình thành một ngân hàng năng lượng quốc gia. Nhiều quốc gia đã thành lập các ngân hàng chuyên biệt để mở rộng việc cung cấp tài chính dài hạn cho các dự án năng lượng lớn, bảo lãnh cho các khoản vay ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính có cấu trúc cho các dự án chậm triển khai và nhận cổ phần trong các dự án mang lại lợi ích xã hội quan trọng.

Bà Kanni Wignaraja, Giám đốc Châu Á - Thái Bình Dương của UNDP

“Năng lượng là một trong những trở ngại để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững khác, bao gồm xóa đói giảm nghèo, tiếp cận phổ cập các dịch vụ y tế, việc làm, công nghệ và giáo dục. UNDP đang phối hợp với Chính phủ Việt Nam và sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi lịch sử này từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo”.

Trong khi đó, theo bà Caitlin Wiesen, Đại diện Thường trú UNDP, những thách thức mà Việt Nam gặp phải đang tăng gấp 3 lần, gồm đầu tư vào sản xuất điện tái tạo; đầu tư vào hiệu quả năng lượng và chuyển đổi năng lượng của giao thông, công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp; bảo vệ người lao động và những người dễ bị tổn thương.

Do vậy, theo bà Caitlin Wiesen cần giải mã các yếu tố chính - chính sách, kỹ thuật, tài chính, xã hội và quản trị - có thể giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư xanh và tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân cả trong nước và quốc tế.

Bà Caitlin Wiesen, Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Bà Caitlin Wiesen, Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Cơ hội đón dòng tài chính xanh cho Việt Nam

Trong khi đó, thông tin về tình hình tài chính xanh toàn cầu, ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thế giới hiện có 450 định chế đại diện cho 130 ngàn tỷ USD tài sản tài chính toàn cầu đạt được thỏa thuận. Cho vay và đầu tư xanh sẽ tăng mạnh, huy động vốn xanh từ công cụ nợ trái phiếu, tín dụng tăng mạnh, điều này chứng tỏ cầu tài chính xanh rất lớn.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế năm 2020 về tầm nhìn năng lượng tái tạo đến năm 2050, nhu cầu tài chính cho chuyển dịch năng lượng xanh là 110 ngàn tỷ USD, trong đó khoảng 27 ngàn tỷ USD cho năng lượng tái tạo, tức là cần 3.200 tỷ USD/mỗi năm, nhưng hiện nay mới có khoảng 1.800 tỷ USD/năm.

Ảnh tác giả

“Từ nhu cầu tài chính xanh của toàn cầu, đối chiếu với Việt Nam, có thể thấy nguồn vốn tài chính xanh trong nước hiện chỉ đạt 30%, còn 70% để đạt mục tiêu Net zero phải huy động từ quốc tế. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Việt Nam để đủ tài chính xanh là tư duy về chính sách nhất quán và ổn định để hỗ trợ phát triển năng lượng xanh sạch và bền vững”.

Ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng

Từ thực tế đó, ông Phạm Xuân Hòe đưa ra khuyến nghị rằng Chính phủ cần nhanh chóng ban hành danh mục phân loại xanh để có cơ sở định hướng, quản lý, khuyến khích, phát triển, báo cáo, thống kê tài chính xanh cho năng lượng xanh, tái tạo.

Cùng với đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính chỉ đạo các ngân hàng xây dựng Chương trình Tín dụng xanh, Trái phiếu xanh và hỗ trợ và hướng dẫn khu vực tư nhân tiếp cận, huy động, sử dụng nguồn tài chính xanh quốc tế, kể cả nguồn ưu đãi quốc tế.

“Từ cam kết của Chính phủ Việt nam tại COP26, cần chỉ đạo yêu cầu các tập đoàn, doanh nghiệp, ngân hàng nhà nước và khuyến khích các tập đoàn, ngân hàng tư nhân cam kết chuyển đổi danh mục đầu tư/cho vay để đạt Net-Zero vào năm 2050”, ông Hòe gợi mở.

Đấu thầu mua sắm chi tiêu công xanh cần được lồng ghép vào chính sách và thực thi ở các bộ ngành và địa phương. Sử dụng tốt các công cụ của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để thu hút dòng tài chính xanh cho tăng trưởng xanh: Thuế, phí, lãi suất, tái cấp vốn, tái chiết khấu.

“Ngân hàng Nhà nước đưa ra các hướng dẫn chỉ đạo các Ngân hàng thương mại Việt Nam xây dựng và triển khai chiến lược quản trị theo ESG và thống nhất với Bộ Tài chính dành ưu tiên về hạn mức vay nợ nước ngoài dành cho khu vực tư nhân để gia tăng nguồn vốn xanh từ nước ngoài đầu tư cho chuyển dịch năng lượng xanh, sẽ góp phần xây dựng chiến lược phát triển bền vững trong chiến lược phát triển toàn ngân hàng, chủ động tham gia vào chương trình sáng kiến tài chính bền vững”, ông Hòe nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp