Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: 'Tự chủ bệnh viện cần một cơ chế phù hợp'

Y Tế Việt nAM
14:57 - 15/11/2022
Bệnh Viện K, một trong 2 bệnh viện đã thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ về tự chủ bệnh viện
Bệnh Viện K, một trong 2 bệnh viện đã thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ về tự chủ bệnh viện
0:00 / 0:00
0:00
PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về những khó khăn mà bệnh viện gặp phải trong 2 năm thí điểm tự chủ và cho rằng để tự chủ hiệu quả, cần có cơ chế phù hợp.

Việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc, như sau 2 năm triển khai thì cả 2 bệnh viện tuyến cuối của cả nước là bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện K đều đã xin dừng thí điểm.

Thí điểm tự chủ tại bệnh viện còn gặp nhiều vướng mắc

Tại tọa đàm "Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn", chiều 14/11, GS.TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc bệnh viện K, một trong 2 bệnh viện đã thực hiện tự chủ bệnh viện cho biết, tại Nghị định 60, có phân chia 4 mức độ tự chủ.

Thứ nhất là tự chủ toàn diện gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Mức 2 là tự chủ chi thường xuyên, tức là bệnh viện không phải đầu tư. Mức 3 là một phần chi thường xuyên nghĩa là bệnh viện chỉ cần lo một phần lương. Còn mức 4 là Nhà nước phải chi trả chi phí cho bệnh viện.

Hiện nay, các bệnh viện như Bạch Mai, Chợ Rẫy đều đang đề xuất chuyển sang tự chủ nhóm 2 là tự chủ chi thường xuyên, Nhà nước vẫn duy trì đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cho các bệnh viện.

GS.TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc bệnh viện K. Ảnh: VGP

GS.TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc bệnh viện K. Ảnh: VGP

Ông Quảng chia sẻ, chi phí đầu tư cho các trang thiết bị là rất lớn, thời gian đầu tư rất dài. Do vậy, trước mắt, ông Quảng mong muốn Nhà nước đầu tư thêm 3 - 4 năm, sang năm thứ 5, khi các bệnh viện đủ nguồn vốn thì tự chủ toàn diện.

Vấn đề thiếu vốn và trang thiết bị y tế, theo PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện này cũng gặp phải tình trạng hết sức khó khăn, đó là hầu hết thiết bị y tế trong Bệnh viện Bạch Mai thực hiện theo đề án liên doanh liên kết.

Năm 2019, bệnh viện được thanh tra, kiểm tra toàn diện, phát hiện thiếu sót, sai phạm tới công tác liên doanh liên kết tại bệnh viện, 11/27 đề án có sai phạm, vướng mắc.

Điều này khiến các thiết bị y tế của bệnh viện một phần hết hợp đồng thì được dừng lại, các đề án còn hợp đồng thì vướng vào các thủ tục pháp lý hoặc sai phạm. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng không muốn ký tiếp hợp đồng với bệnh viện. Gây nên tình trạng thiếu trầm trọng thiết bị y tế.

Do thiếu thốn trang thiết bị, số bệnh nhân ngoại trú tăng lên đột biến 6.000 - 8.000 người đến khám, có ngày tới 10.000 người, khiến cán bộ y tế và các máy móc còn lại phải làm việc hết công suất, thậm chí quá tải.

Thêm vào đó, dù thí điểm tự chủ nhưng bệnh viện chưa được tự chủ về giá, khiến thu không đủ chi, toàn bộ giá dịch vụ kỹ thuật y tế bệnh viện thu hầu hết đúng bằng giá bảo hiểm y tế, theo quy định pháp quy.

Do đó, rất khó giữ chân các cán bộ y tế có chuyên môn, nghiệp vụ tốt, khi đồng lương khó thu hút nhân tài, máy móc thiết bị thì đang trong tình trạng thiếu trầm trọng. Ông Cơ cho biết, trong năm 2020 - 2021, đã có khoảng 200 cán bộ chuyển đi. Từ tháng 1/2022 đến nay, có 110 cán bộ chuyển đi do chi trả, đãi ngộ không xứng đáng. Vì vậy, ông Cơ cho rằng, để tự chủ hiệu quả, cần có cơ chế phù hợp.

PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: VGP

PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: VGP

Một số giải pháp gỡ vướng cho việc tự chủ bệnh viện

Đối với vấn đề tự chủ bệnh viện ở mức nào, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá, chỉ nên tự chủ chi thường xuyên hoặc một phần chi thường xuyên mà chưa nên tự chủ toàn diện.

Bởi hiện nay còn tồn đọng 3 vấn đề, về thể chế, về tổ chức thực hiện và về cơ chế giá. Trong khi thể chế ở Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu để tự chủ toàn diện, còn nhiều vấn đề trong tổ chức và tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chỉ ra rằng trong công tác thực thi tự chủ bệnh viện, vẫn có những nội dung có sự chồng chéo, vướng mắc với những Nghị quyết, quy định khác.

Do đó, ông Quang đề nghị một số giải pháp hoàn thiện thể chế như đối với bệnh viện nào đủ điều kiện tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên thì nên thành lập công ty TNHH một thành viên mà doanh nghiệp Nhà nước vận hành như một doanh nghiệp. Đây là mô hình đã được thực hiện ở một số nước và đã thành công.

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế). Ảnh: VGP

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế). Ảnh: VGP

Ngoài ra, ông Quang cũng đề nghị cần xây dựng thông tư về khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, tạo điều kiện để các bệnh viện tự chủ về mặt tài chính. Và phải có kế hoạch tính đúng, tính đủ theo 7 yếu tố cấu thành giá. Còn nếu như chỉ xem xét 4/7 yếu tố cấu thành giá thì nguồn kinh phí là chưa đầy đủ.

Đồng thời, cần phải có văn bản hướng dẫn về việc liên doanh, liên kết, trên cơ sở luật quản lý tài sản công và cần có hướng dẫn về việc hỗn hợp đầu tư.

Cần hướng dẫn thực hiện Nghị định 60, về điều kiện tự chủ và các vấn đề bất khả kháng ảnh hưởng đến việc tự chủ; về việc thành lập hội đồng quản lý, ban kiểm soát và mối quan hệ giữa các bên.

Ngoài ra cũng cần quan tâm các vấn đề khác như thể chế về đấu thầu trang thiết bị và đấu thầu thuốc; điều chỉnh tiền lương, tiền công; về việc áp dụng thuế sử dụng đất…

Tin liên quan

Đọc tiếp