Giảm dự phòng rủi ro, TPBank báo lãi hơn 2.137 tỷ đồng trong quý III

NGÂN HÀNG Việt nAM
07:47 - 21/10/2022
Giảm dự phòng rủi ro, TPBank báo lãi hơn 2.137 tỷ đồng trong quý III
0:00 / 0:00
0:00
Trong quý III/2022, TPBank đã giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng từ 1.345 tỷ đồng trong quý cùng kỳ năm ngoái xuống còn 328 tỷ đồng, kéo mức lợi nhuận trước thuế tại ngân hàng này đạt 2.137 tỷ đồng, tăng 54,13% so với cùng kỳ 2021.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) ngày 20/10 đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với thu nhập từ lãi thuần đạt 2.740 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Khoản lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng đều ghi nhận tăng trưởng lần lượt 91% và 75% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 683 tỷ và 118 tỷ đồng.

Ngân hàng TPBank đã giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng từ 1.345 tỷ đồng quý III/2021 xuống còn 328 tỷ đồng trong quý III/2022. Qua đó, kéo mức lợi nhuận trước thuế tại ngân hàng này đạt 2.137 tỷ đồng, tăng 54,13% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, TPBank đã đạt 5.925 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và hoàn thành 72% kế hoạch lợi nhuận trước thuế của cả năm.

Tính đến cuối tháng 9/2022, TPB đã hoàn thành 90% kế hoạch mục tiêu về tổng tài sản với hơn 317.000 tỷ đồng. Tổng huy động tăng 49.515 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 280.000 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng tại TPBank trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 178.902 tỷ đồng với sự đóng góp lớn từ phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tỷ lệ an toàn vốn theo Basel III (CAR) tại thời điểm 30/9/2022 đạt 12,25% và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của khách hàng (LDR) tính đến hết tháng 9 đạt 60,91%.

Về chất lượng nợ, tổng nợ xấu tại TPBank tính đến 30/9/2022 là hơn 1.425 tỷ đồng, tương ứng tăng nhẹ từ 0,81% hồi đầu năm lên 0,91%, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh tới 124% chiếm 666 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 4% lên 362 tỷ đồng, riêng nhóm nợ dưới tiêu chuẩn lại giảm 22% xuống còn 396 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh cả năm, TPBank đặt mục tiêu tổng tài sản là 350.000 tỷ đồng, tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2021.

Cùng với đó, tổng huy động mục tiêu đạt 292.579 tỷ đồng, tương đương tăng 13%. Tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến đạt 201.212 tỷ đồng, tiền gửi và vay của tổ chức tín dụng khác dự kiến đạt 91.367 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và tăng 5% so với mức thực hiện năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì ở mức không quá 1,5%, tỷ lệ an toàn vốn trên 12%.

Tin liên quan

Đọc tiếp