Góc nhìn nhà đầu tư nước ngoài: Việt Nam đang đi đúng hướng trong phát triển

ĐẦU TƯ Đà nẵng
12:47 - 26/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, các nhà đầu tư trong và ngoài nước bày tỏ niềm tin vào tiềm năng đầu tư của thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố của công nghiệp xanh và công nghệ thông tin khi Việt Nam đang đi đúng hướng trong phát triển.

Việt Nam đang đi đúng hướng trong phát triển

Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 ngày 25/6, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nhấn mạnh tới mối quan hệ hợp tác đầu tư tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Theo đó, đến nay, tại Đà Nẵng đã có khoảng 216 hoạt động đầu tư từ Nhật Bản, với tổng mức đầu tư luỹ kế lên tới 800 triệu USD.

Đại sứ Nhật Bản đánh giá, so với Hà Nội và TP HCM, Đà Nẵng có lợi thế là giá thuê khu công nghiệp cạnh tranh, nguồn nhân lực dồi dào.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio mong muốn thành phố lắng nghe các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư để Đà Nẵng ngày càng trở thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn nữa. Ảnh: danang.gov.vn
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio mong muốn thành phố lắng nghe các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư để Đà Nẵng ngày càng trở thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn nữa. Ảnh: danang.gov.vn

Các công ty Nhật Bản đang tích cực tham gia vào các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của Đà Nẵng như ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin… Trong đó, công ty Fujikin sản xuất van bán dẫn đang xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển và sản xuất, dự định hoàn thành vào khoảng tháng 8 - 9 năm nay.

Công ty Renesas là một hãng sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đã đặt văn phòng tại Đà Nẵng vào tháng 4 vừa qua. Công ty TNHH Murata, một trong những công ty lớn của Nhật Bản tại Đà Nẵng, là hãng sản xuất linh kiện điện tử toàn cầu đang có kế hoạch mở rộng đầu tư thêm khoảng 32 triệu USD để xây dựng một nhà máy mới.

Trong lĩnh vực bán lẻ, Aeon Mall đang vận hành 6 trung tâm thương mại tại Việt Nam và đặt mục tiêu đạt 16 trung tâm vào năm 2025, hệ thống này cũng đang cân nhắc mở thêm các trung tâm tại Đà Nẵng.

Trong khi đó, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng đánh giá Việt Nam đang đi đúng hướng trong phát triển và TP Đà Nẵng có vị trí chiến lược là nằm trên một trong những tuyến đường biển và hàng không quốc tế trọng yếu. Vì vậy, đây sẽ là thế mạnh và cơ hội phát triển mạnh mẽ cho thành phố trong tương lai.

Để đạt được mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực, Đà Nẵng cần cân nhắc kỹ lưỡng việc lập quy hoạch, kế hoạch và tạo nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng công, thu hút động lực mạnh mẽ đến từ các khu vực tư nhân; phát triển cơ sở hạ tầng xanh, không gian xanh công cộng; ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh, tạo cơ hội cho nền kinh tế kỹ thuật số.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cam kết đóng góp kiến thức và kinh nghiệm toàn cầu vì sự phát triển bền vững của Đà Nẵng. Ảnh: danang.gov.vn
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cam kết đóng góp kiến thức và kinh nghiệm toàn cầu vì sự phát triển bền vững của Đà Nẵng. Ảnh: danang.gov.vn

Bà nhấn mạnh việc quan tâm tới rủi ro biến đổi khí hậu, khi các tác động từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai đang ngày càng gây ảnh hưởng nặng nề tới đời sống con người. Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng cần tập trung và sử dụng nguồn lực và chuyên môn sẵn có cho việc ứng phó biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu quan trọng về tính bền vững của dự án cho các nhà đầu tư.

Bà cho biết Đà Nẵng và Ngân hàng Thế giới đã khởi động một nhóm làm việc chung sử dụng phương pháp tiếp cận liên ngành để hỗ trợ toàn diện thành phố trong việc tối đa hóa tiềm năng tăng trưởng bằng cách cùng giải quyết những thách thức phức tạp nhất của địa phương.

Hợp tác đầu tư trên tình thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và cùng thắng lợi

Cũng trong Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ một số lĩnh vực mà Việt Nam và Đà Nẵng đang ưu tiên thu hút đầu tư như công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp dược, trang thiết bị y tế, các ngành công nghiệp nền tảng như chế biến chế tạo, vật liệu, các ngành đổi mới, sáng tạo, phát triển thị trường vốn…

Nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sai phạm nhưng đồng thời bảo vệ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chân chính trên thị trường vốn, thị trường bất động sản…

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam và Đà Nẵng trên tinh thần “chân thành, tin cậy và trách nhiệm”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, thực hiện thật tốt những gì đã cam kết, “đã nói là làm, đã làm là hiệu quả”, cùng nhau chiến thắng, cùng Việt Nam hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, huy động tối đa mọi nguồn lực, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các nhà đầu tư, doanh nghiệp được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ trương nghiên cứu đầu tư, bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư cho các dự án. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các nhà đầu tư, doanh nghiệp được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ trương nghiên cứu đầu tư, bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư cho các dự án. Ảnh: VGP

Cũng trong sự kiện này, bên cạnh 7 dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư được công bố, UBND TP Đà Nẵng và các đối tác cũng đã trao các giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận trương đầu tư, các thỏa thuận hợp tác... với trị giá nhiều tỷ USD.

Trong đó, UBND thành phố Đà Nẵng và Vietjet trao biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược 5 năm (2022 – 2027), phối hợp để quảng bá hình ảnh của thành phố biển Đà Nẵng đến với du khách khắp trong, ngoài nước, thúc đẩy giao thương, du lịch và đầu tư đến Đà Nẵng.

Vietjet cũng chính thức công bố mở 7 đường bay quốc tế mới kết nối Đà Nẵng với Singapore, thành phố Busan (Hàn Quốc), cùng 5 thành phố lớn, đông dân nhất Ấn Độ là New Delhi, Mumbai, Hyderabad, Ahmedabad, Bangalore. Những đường bay này sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7 và ngay trong quý III/2022, với từ 4 đến 7 chuyến khứ hồi mỗi tuần, đây là bước đầu tiên trong khuôn khổ cam kết hợp tác với thành phố.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng trao thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư dự án cho Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đối với 5 dự án: Dự án cảng biển Liên Chiểu, dự án sân bay Đà Nẵng mở rộng, dự án các trung tâm logistics, dự án đô thị sân bay, dự án đô thị cảng biển.

Tin liên quan

Đọc tiếp