Góp ý sửa Luật Đất đai: Cân nhắc tính khả thi về bảng giá đất hàng năm

LUẬT ĐẤT ĐAI Bộ TN&MT
10:54 - 16/03/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Để xây dựng bảng giá đất đòi hỏi rất nhiều thủ tục, từ lập hồ sơ dự án, đấu thầu, thuê tư vấn, qua các bước đến thẩm định giá rồi đến HĐND đánh giá, chuyển cho UBND ban hành. Do vậy nhiều ý kiến cho rằng xây dựng bảng giá đất hàng năm là khó khả thi.

Góp ý tại hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) do Bộ TN&MT tổ chức tại TP HCM chiều 15/3, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho rằng, quy định ban hành bảng giá đất hàng năm của dự thảo Luật nên cân nhắc tính khả thi và phù hợp từng địa phương cụ thể.

Theo đó, một số địa phương khó khăn, chưa phát triển, giá đất không có nhiều biến động thì không nên bắt buộc phải cập nhật bảng giá đất mỗi năm một lần, bởi sẽ mất nhiều thời gian và chi phí của chính quyền địa phương.

Thay vào đó, ông đề nghị ban soạn thảo cân nhắc phương án cho các địa phương có đặc thù khác nhau được lựa chọn ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm hoặc 2 năm một lần, hoặc chỉ điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động giá từ 20% trở lên.

TS Nguyễn Vinh Huy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cũng nhận định, điều 154 của dự thảo quy định "bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1 tháng 1 của năm" chưa mang tính khả thi.

Theo TS Huy, việc xây dựng bảng giá đất hàng năm có ưu điểm là bảo đảm sự cập nhật kịp thời với biến động giá đất trên thị trường. Trong khi đó, Luật Đất đai hiện hành quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần thì quá lạc hậu. Từ đó, ông Huy đề nghị không nên quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm mà nên quy định điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên.

Ngoài ra, với những quy định tại dự thảo, TS Huy cho rằng cơ quan quản lý giá đất khó cũng có thể thu thập đầy đủ dữ liệu và chuẩn xác về "giá đất phổ biến trên thị trường" cũng như xác định thế nào là "biến động giá đất". Vì vậy, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xem dữ liệu công chứng và dữ liệu khai thuế sử dụng đất là nguồn để xác định giá đất phổ biến trên thị trường, là căn cứ để đánh biến động giá đất.

Hội thảo góp ý Luật Đất đai sửa đổi tại TP HCM chiều 15/3. Ảnh: VGP

Hội thảo góp ý Luật Đất đai sửa đổi tại TP HCM chiều 15/3. Ảnh: VGP

Tại hội thảo góp ý Luật Đất đai của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM ngày 9/3, ông Nguyễn Như Bình - Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho rằng, việc quy định bảng giá đất được xây dựng thường niên (1 năm) là phi thực tế và rất khó thực hiện.

Ông Bình lý giải, xây dựng giá đất là một khối lượng công việc lớn, đòi hỏi tập trung nhân lực, tài chính với nhiều quy trình, công đoạn phức tạp nên nếu xây dựng thường niên hàng năm thì sẽ dẫn đến trường hợp đầu năm vừa ban hành bảng giá thì cũng là lúc phải bắt tay ngay vào làm xây dựng bảng giá để cuối năm trình cho năm sau.

Thêm vào đó, bảng giá đất hàng năm không khả thi, bởi giá đất luôn biến động cùng chính sách, quá trình kinh doanh… Vì vậy, ông Bình đề xuất nghiên cứu xây dựng bảng giá đất có khung thời gian nhất định, rồi hằng năm có điều chỉnh, bổ sung đối với những bất cập, thiếu sót.

Trong công văn góp ý một số quy định của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng kiến nghị, không ban hành bảng giá đất hàng năm mà nên ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm (hoặc 2 năm) một lần để phù hợp với thực tiễn trình độ, năng lực của bộ máy hành chính, trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm quản lý hiện nay.

Theo HoREA, trình tự, thủ tục xây dựng bảng giá đất định kỳ 5 năm một lần hiện đang quy định nhiều công đoạn và công việc rất chi tiết, phức tạp mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, muốn xây dựng bảng giá đất hàng năm thì phải có cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Chat GPT được cập nhật theo thời gian thực kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư, thống nhất với cơ sở dữ liệu lớn của quốc gia.

Tuy nhiên, hiện nay, với trình độ, năng lực của bộ máy Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và yêu cầu về khối lượng công việc đồ sộ để xây dựng bảng giá đất định kỳ 5 năm 1 lần, cho thấy rõ là chưa thể thực hiện xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm. Bộ TN&MT tuy đã lập được bản đồ giá đất cho hàng triệu thửa đất nhưng cơ sở dữ liệu đầu vào (bao gồm cả dữ liệu thuế) vẫn chưa đảm bảo tính chính xác và cập nhật kịp thời theo thời gian thực.

Nếu quy định xây dựng bảng giá đất hàng năm, cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện suốt năm bận rộn, loay hoay cho việc xây dựng bảng giá đất hàng năm sẽ khó làm tròn nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn. HoREA

Bảng giá đất 5 năm 1 lần đang rất lạc hậu

Tại hội thảo chiều 15/3, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, trong các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhiều ý kiến xoay quanh nội dung tính bảng giá đất phải được thông báo công khai hàng năm, bởi vừa qua, có khu vực biến động giá đất tăng mấy trăm %, có nơi thì không có biến động, như vậy người dân sẽ chịu thiệt thòi khi đất bị thu hồi.

Mặt khác, quy định công bố bảng giá đất 5 năm 1 lần cũng đang rất lạc hậu, không hợp lý với thực tế và thậm chí là không công bằng khi áp dụng bồi thường cho người dân, kéo theo đó là khiếu kiện liên quan đến đất đai. Vì vậy, khi sửa đổi Luật Đất đai, các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu đánh giá nghiêm túc để có các quy định mới, tạo ra một bảng giá đất sát thị trường và tạo thuận lợi cho người dân, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực đất đai của Nhà nước đúng pháp luật và hiến pháp Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, nhiều ý kiến cũng đóng góp thêm bảng giá đất khi xây dựng phải làm sao tính đúng, tính đủ, tính sát và theo hướng cái nào có lợi cho dân. Bảng giá đất khi được áp dụng sát thị trường còn giúp Nhà nước có cơ sở định giá đất đúng thị trường, làm căn cứ cụ thể để xác định việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân hợp lý nhằm kéo giảm khiếu kiện khi thu hồi đất.

“Trong kế hoạch tham mưu cho Chính phủ, chúng tôi đã đề xuất là tất cả các báo cáo, ý kiến của nhân dân, ngoài gửi cho Bộ TN&MT thì cũng gửi cho Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để cùng thẩm định và giám sát việc tiếp thu, giải trình của phía cơ quan soạn thảo. Chúng tôi đã phân công rất cụ thể cho các nhóm chuyên gia, tổ biên tập để theo dõi từng nội dung để tổng hợp, giải trình, tiếp thu một cách tốt nhất", Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết thêm.

Tin liên quan

Đọc tiếp