Hà Nội cải tạo, nâng cấp 3 công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo

Công viên HÀ NỘI
07:41 - 08/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
3 công viên trên được Hà Nội đưa vào chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy, nhằm thực hiện chỉ tiêu cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU, cơ quan này vừa có yêu cầu các đơn vị, tổ chức, các sở, ngành khẩn trương triển khai cải tạo, nâng cấp 3 công viên do thành phố quản lý gồm: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo.

Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 31/12/2021 về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở tổng số 63 công viên, vườn hoa hiện có, sau khi rà soát, có 45 công viên, vườn hoa (khoảng 70%) cần cải tạo, nâng cấp, sửa chữa theo mức độ khác nhau để duy trì ổn định cảnh quan, đồng bộ phục vụ nhân dân, trong đó, có 13 công viên và 32 vườn hoa.

Cụ thể, có 3 công viên: Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất và 10 vườn hoa: Bà Kiệu, Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cố Tân, Bác Cổ, Tao Đàn, Ngô Quyền, 19/8, Cửa Nam, Phùng Hưng được cải tạo, nâng cấp ở mức độ 1.

Theo đó, ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan, tăng cường bổ sung hệ thống chiếu sáng, ghế ngồi, nhà vệ sinh, cây cảnh...

Công viên Thống Nhất được hoàn thành vào tháng 5/1961 với diện tích hơn 50ha và là công viên lớn nhất Thủ đô.

Công viên Thống Nhất được hoàn thành vào tháng 5/1961 với diện tích hơn 50ha và là công viên lớn nhất Thủ đô.

Đồng thời, Hà Nội định hướng nghiên cứu Công viên Thống Nhất theo hướng mở sau hơn 60 năm đưa vào sử dụng, không thu vé vào cửa và có thể bỏ hàng rào để người dân dễ tiếp cận.

Ban Chỉ đạo cũng đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng mới 6 công viên trên địa bàn thành phố gồm: Dự án xây dựng khu công viên và hồ điều hòa tại ô đất ký hiệu CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy; Dự án xây dựng công viên, hồ điều hòa tại khu đô thị Tây Nam Hà Nội; dự án cảnh quan công viên hồ Phùng Khoang; dự án cụm công trình Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An; dự án công viên văn hóa Kim Quy; Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.

Về việc triển khai 6 công viên này, tại cuộc họp ngày 13/7/2022, UBND thành phố yêu cầu: Đối với các dự án ngoài ngân sách chậm tiến độ, nhà đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ và các sở, ngành giải quyết các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, cấp phép đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện dự án. Đối với công viên Chu Văn An, yêu cầu UBND huyện Thanh Trì hoàn thành thủ tục đầu tư thi công, hoàn thành công trình phục vụ nhân dân.

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội cũng đôn đốc 6 quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên tổ chức triển khai thực hiện cải tạo, chỉnh trang các công viên, vườn hoa trên địa bàn.

Dự kiến trong năm 2022, cải tạo vườn hoa Tao Đàn (quý III-2022) và vườn hoa Ngọc Lâm (quý IV-2022). Năm 2023, cải tạo các vườn hoa: Diên Hồng, Lý Tự Trọng, Mai Xuân Thưởng. Các công viên, vườn hoa còn lại, hiện UBND các quận đang trong thời gian nghiên cứu, triển khai các trình tự thủ tục, bố trí kế hoạch vốn để thực hiện giai đoạn 2022-2025.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, dân số của TP Hà Nội năm 2020 là hơn 8 triệu người. Trong khi đó, thành phố chỉ có 63 công viên, vườn hoa, tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 quận nội đô. Các công viên, vườn hoa hình thành đã lâu, hầu hết đã xuống cấp.

Quy hoạch công viên chậm trong nhiều thập kỷ

Công viên Kim Quy, Công viên Hello Kitty, Khu công viên thể thao, cây xanh quận Hà Đông,... là những công viên sau nhiều năm vẫn chưa được triển khai.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Kế hoạch và Đầu tư: Công viên Kim Quy hiện nay không vướng gì vấn đề quy hoạch, chủ yếu là vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng. Công tác giải phóng mặt bằng đã bàn giao 97%. Chủ đầu tư cam kết hoàn thành đúng tiến độ trong thời gian 2 năm, kể từ khi nhận giấy phép xây dựng.

Công viên Hello Kitty đã được duyệt quy hoạch từ 2018 với tầng cao 8 tầng, mật độ xây dựng 80%. Ở đây vướng chủ yếu giải phóng mặt bằng và giao chủ đầu tư vì có một phần đất công.

Công viên thứ 3 là Khu công viên thể thao, cây xanh quận Hà Đông. Lý do khiến dự án đến nay vẫn bị đình trệ là do không có nguồn vốn dù được UBND TP Hà Nội giao đất từ năm 2015.

Tin liên quan

Đọc tiếp