Hai khó khăn của doanh nghiệp công nghiệp: thiếu vốn và không có 'sếu đầu đàn' dẫn dắt

Công nghiệp CHÍNH SÁCH
18:03 - 03/10/2022
Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: Việt Nam đang có nhiều chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp, nhưng còn thiếu chiến lược tổng thể.
Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: Việt Nam đang có nhiều chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp, nhưng còn thiếu chiến lược tổng thể.
0:00 / 0:00
0:00
Ngoài ra, theo ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Việt Nam đang có nhiều chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp, nhưng còn thiếu chiến lược tổng thể, khiến các chính sách có nguy cơ chồng chéo.

Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên thế giới đang mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp Việt Nam. Để nắm bắt thời cơ này, tạo dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp ngành công nghiệp chưa tiếp cận được với cơ chế chính sách. Vì vậy, ngày 3/10, Báo Công Thương đã tổ chức tọa đàm Cần cơ chế "trợ lực" để xây dựng ngành công nghiệp tự chủ, với sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia và doanh nghiệp.

Ngành công nghiệp chưa phát triển tương xứng với kỳ vọng

Theo ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2022, ngành công nghiệp đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ, với mức tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ông Hoàn cho rằng tổng thể ngành công nghiệp Việt Nam đang mất cân đối khi phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.

Theo đó, công nghiệp nặng là một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, ngành này hiện mới chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế.

Hiện nay sản xuất trong nước phụ thuộc lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu, giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp. Đồng thời dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị - kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.

Trong cơ cấu giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ các yếu tố bên ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa vẫn còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể.

Ngoài ra, theo ông Hoàn, tác nhân chính để tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị trong công nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp FDI chứ chưa phải là các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp 100% vốn FDI đang đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu và tăng trưởng của Việt Nam.

Mối liên hệ, kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo, không tạo ra tác động lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước..

Thực tế hiện nay, quy mô tăng trưởng và tốc độ phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam còn chưa được như kỳ vọng, giá trị trị gia tăng của ngành vẫn còn thấp.

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp. Ảnh: Báo Công Thương

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp. Ảnh: Báo Công Thương

Các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ tụt hậu một vài thế hệ so với trung bình thế giới, dù hầu hết các trang thiết bị, máy móc, dây chuyền của doanh nghiệp đều nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy vẫn có những doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền hiện đại, nhưng đó chỉ là số ít.

Theo ông Bùi Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vina Electric, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành công nghiệp gặp khó khăn ở hai vấn đề, một là thiếu nguồn vốn. Việc đầu tư các công nghệ, thiết bị mới, hiện đại đòi hỏi chi phí lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được.

Hai là thiếu doanh nghiệp "sếu đầu đàn" dẫn dắt, nhằm tạo nên một chuỗi cung ứng cho ngành sản xuất công nghiệp trong nước. Ông Bùi Văn Tuấn chỉ ra rằng hiện không có nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện, thiết bị trong nước, nên đa phần linh kiện của doanh nghiệp đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, khiến chi phí sản xuất gia tăng, gây khó khăn trong việc cạnh tranh cả thị trường trong nước và quốc tế.

Hỗ trợ ngành công nghiệp trở thành chủ lực trong quá trình hiện đại hóa đất nước

Về vấn đề tiếp cận nguồn vốn, ông Ngô Khải Hoàn cũng chỉ ra rằng, mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ, nhưng việc thực thi chính sách phát triển công nghiệp ở nhiều địa phương còn chậm trễ, nội dung triển khai thực hiện tại nhiều địa phương còn hình thức, chưa thường xuyên điều chỉnh kịp thời, chưa phân bố nguồn lực phù hợp để thực hiện.

Nguyên nhân dẫn đến việc này, theo ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội có thể chia thành hai phía, một là từ việc thiết kế, ban hành, nội dung chính sách. Thứ hai là việc thực thi chính sách.

Về thiết kế chính sách, Việt Nam hiện có nhiều chính sách nhưng cách tiếp cận chính sách hiện khá đa dạng, thiếu đi chiến lược tổng thể, trong đó ngành công nghiệp cũng gặp phải tình trạng tương tự.

Tuy rằng có nhiều chính sách hỗ trợ trong ngành công nghiệp, hướng tới các đối tượng, ngành, và các yếu tố khác nhau như đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, nếu thiếu đi tính phối hợp, điều hoà chính sách một cách tổng thể thì sẽ dẫn đến nguy cơ chồng chéo, và có những khoảng trống.

Còn về vấn đề thực thi chính sách thì hiện nay, vẫn xuất hiện tình trạng chính sách hỗ trợ bị chậm, khó tiếp cận, tiếp cận không đồng đều. Vì vậy, ông Hiếu kiến nghị, cần có cách thức tiếp cận thông tin, lan tỏa thông tin chính sách tới doanh nghiệp, cần xây dựng cơ quan đầu mối tiếp xúc với doanh nghiệp để hướng dẫn, giúp doanh nghiệp tiếp cận các chính sách nhanh và dễ dàng hơn.

Ông Bùi Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vina Electric.

Ông Bùi Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vina Electric.

Đứng từ góc độ của doanh nghiệp, ông Bùi Văn Tuấn mong muốn các chính sách sẽ tới kịp thời, giảm các hàng rào thủ tục hành chính và đi sâu hơn nữa vào các doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp lớn mà cả doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời hi vọng có sự tham gia, đóng góp nhiều hơn từ khối doanh nghiệp trong việc thiết kế để đóng góp tính thiết thực, khả thi cho chính sách.

Theo ông Ngô Khải Hoàn, Bộ Công Thương đang tham gia xây dựng nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về công nghiệp hóa và phát triển công nghiệp, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển công nghiệp.

Trong quá trình đó, Bộ Công Thương sẽ tham mưu để Đảng, Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành các chính sách lớn về phát triển công nghiệp, với các định hướng lớn như xác định rõ tầm quan trọng của phát triển công nghiệp trong quá trình hiện đại hóa đất nước, tập trung các nguồn lực của quốc gia để phát triển công nghiệp.

Hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan Nhà nước về phát triển công nghiệp. Trong đó cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quá trình công nghiệp hóa, kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực cơ quan quản lý Nhà nước chuyên trách về phát triển công nghiệp ở Trung ương và địa phương.

Xây dựng các chính sách phát triển công nghiệp với trọng tâm hướng vào thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp lớn tiềm năng và hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% số lượng doanh nghiệp trong nước.

Tập trung nguồn lực để thúc đẩy hình thành các Tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn, đóng vai trò dẫn dắt hệ thống doanh nghiệp công nghiệp nội địa và vươn ra thị trường khu vực.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.